Xứ Thanh chập chờn... tết
Lũ bạn học THPT Hậu Lộc của tôi đang í ới nhắn ra họp lớp. Thời chúng tôi học, phải đội mũ rơm, có túi cứu thương đeo bên mình, có hồi học ở lớp đào chìm dưới đất, có tường đất như con đê bao quanh để tránh bom. Đèn dầu cho vào ống luồng khoét một phía để hạn chế ánh sáng.
Minh họa của Lê Hải Anh
Nhiều đứa đi bộ đội ngay khi đang học, có đứa đi từ hồi lớp bảy (hệ mười), đa phần là lên cấp ba, đi khá nhiều.
Giờ nghe chúng nhắn, chúng gọi, cả một trời ký ức xứ Thanh ùa về.
Nhưng những cái tết thời bao cấp khiến tôi nhớ nhất. Nó, dẫu giờ nghĩ lại, thấy sự khốn khổ, sự thiếu thốn, sự chắt chiu, nhưng vẫn trong veo kỷ niệm.
Tôi khi ấy học cấp một, nhà ở khu tập thể nhà máy Diêm 3-4 sơ tán trong khu rừng trám và sở của xã Châu Lộc, lên cấp hai và ba thì chuyển về xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Gần tết, người lớn có mấy cái lo, là có quần áo mới cho con và có nếp nấu bánh chưng, có thịt lợn, có cá.
Trong đó quần áo mới cho con là mối lo lớn nhất.
Thời chiến, mỗi năm trung bình mỗi người có được hai bộ là sang. Trong đó chắc chắn dù giàu nghèo gì, ngày tết cũng phải có một bộ.
Nhà tôi cán bộ, có tem phiếu, thế mà cũng phải dành dụm các cái để đến tết hai anh em mỗi đứa có bộ cánh mới, những nhà khác không có, đủ thấy khó khăn đến thế nào.
Nhưng khó gì thì khó, phải có. Không có không xong, đừng đùa với... con nít.
Mà hồi ấy quần áo đơn giản. Quần con trai thì vải xanh công nhân, áo xanh trứng sáo. Con gái thì phíp, hoặc sang thì lụa đen, đa phần là quần vải sợi bông, dày và cứng, mặc cứ thùng thình. Hoàn toàn không có quần áo hoa như sau này, phần vì cửa hàng Nhà nước, hồi ấy hoàn toàn phụ thuộc cửa hàng Nhà nước, và cửa hàng Nhà nước thì hoàn toàn phụ thuộc Nhà Máy dệt Nam Định và dệt kim Đông Xuân Hà Nội. Phần nữa ai cũng bảo, mặc quần áo sáng màu máy bay nó phát hiện, nó bỏ bom thì chết. Nên hồi ấy các cô giáo lâu lâu có cái áo trắng thì khi mặc phải khoác thêm miếng vải dù loang lổ để ngụy trang. Đến cái nón cũng phải choàng vải dù vào. Sau này lần đầu đi máy bay tôi cứ cố nhìn xuống xem có thấy gì không, rồi bật cười nhớ lại thời ấu trĩ.
Lại nữa, quần áo cho trẻ con bao giờ cũng mua rộng thêm tới vài số, để đề phòng lớn, và 2, truyền lại cho em khi mình mặc đã chật. Nên sáng mùng một tết, nhìn đứa nào cũng xúng xính quần áo mới, tất cả đều phải xăn ống quần, phải xắn tay, bỏ áo trong quần rồi phải thắt lưng thật chặt, trông như... con ếch bị buộc ngang bụng. Nhưng mà hân hoan phấn khởi lắm, cứ lượn qua lượn lại nhà nhau chủ yếu để... khoe. Chưa kể, đã làm gì có thắt lưng, thế là tất cả các loại dây, kể cả dây chuối, được sử dụng làm dây thắt lưng.
Con gái hồi ấy áo sơ mi may kiểu áo Hồng Kông, là nghe nói thế chứ nào biết Hồng Kông là gì. Cổ như lá sen, chiết lưng bằng hai đường chỉ, nó bóp lại cho người thon như bó mạ. Thế là sột soạt sướng. Nghe nói cái đường chỉ ấy công dụng là khi chật thì mở nới nó ra.
Thì cái kiểu nới quần áo ra tới mãi tận sau này vẫn còn. Tôi nhớ có anh bạn là giáo viên, đột nhiên béo, thế là cứ phải mở lưng quần ra. Quần cũ nhưng cái vết mở nó mới, thế là anh ấy có biệt danh Vân vê. Vân là tên anh ấy, còn Vê là cái chữ V sau lưng. Quần nào cũng thế mới chết biệt danh.
Tát ao là việc của HTX, nhưng có lẽ chưa có việc nào của HTX mà được cả làng quan tâm thế.
Giáp tết. Lạnh cắt da. Thanh niên và trung niên dậy sớm ra tát ao, họ tát từ lúc nào không biết, bằng cả gàu dai và gàu sòng. Lưng lửng chiều là ao lệt xệt nước, xuống bắt cá, bảo vệ canh rất dữ. Trẻ con nhấp nhổm để... hôi cá.
Ôi giời là cái màn hôi cá, nó sướng củ tỉ. Thường là ào xuống ngay khi người lớn vẫn còn đang bắt những con cuối cùng. Đồ đi bắt là đủ, từ... tay không, rổ, sàng, giần, thau, tới nơm. Thi thoảng được con cá to là rú lên sướng. Nhưng sau mới biết, những đứa được cá to là đa phần do người nhà chúng, là những người tát ao chủ lực ấy, dúi cho. Có nhiều cách dúi, trong đó có cách là... bóp chết con cá đạp xuống bùn, người hôi nhìn bước chân người dúi rồi tới... móc lên. Hôi cá mà cá chết thì chỉ có hôi kiểu này.
Về đổ cá ra sân đình rồi chia. Chia cá cũng là nghệ thuật. Hàng mấy chục nhà, thậm chí cả trăm, chia đều không dễ. Thì cứ ang áng chia thế sau rồi bỏ thăm. Bỏ thăm là công bằng nhất, ai bắt được phần nào chịu phần nấy, thế nhưng cũng có nhà chửi ầm lên vì thấy phần mình ít quá.
Tết Thanh Hóa hồi ấy hay có món cá kho và cá nướng, tùy vào thời gian tát ao cách tết bao ngày. Sát tết thì kho khô, xa tết thì nướng, mục đích là giữ được lâu. Nướng cũng công phu: rải một lớp rơm, đặt cá đã làm sạch vào, úp cái chảo gang hoặc cái chậu lên, rồi phủ rơm đốt. Cho nóng đều thì đổ trấu ủ suốt đêm, sáng ra miếng cá khô đều có thể để rất lâu được.
Thịt lợn cũng rất vui và... tết. Nguyên tắc để được thịt là đã phải hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Giàu thì ba bốn nhà, nghèo thì chục nhà chung nhau. Tôi là con cán bộ sơ tán về làng ấy thì tiếp phẩm xí nghiệp, thay vì xuống cửa hàng ở Văn Lộc, Hậu Lộc mua thịt phiếu, thì chú ấy xin lệnh bắt lợn trong làng, tự mổ, sẽ lời cái đầu và bộ lòng.
Nhưng đang kể cái đận đợi thịt lợn.
Chả cứ trẻ con háo hức mà người lớn cũng sẽ rất hân hoan. Trẻ con thì sẽ có cái... bong bóng để làm bóng, dù người lớn cũng xót lắm, cái ấy thả vào nồi cháo rồi thái cũng được một đĩa đấy.
Nhoáng cái con lợn đã sạch sẽ trắng hếu. Đếm người mà trải những tàu chuối ra, mỗi tàu chuối là một nhà. Nào, thủ mấy phần, chân mấy phần, mỡ mấy phần, bụng mấy phần, lưng mấy phần... người xẻo cứ xẻo, người đi bỏ vào từng ô lá chuối cứ bỏ, xong rồi cũng làm thăm. Khác với cá là phải mang rổ tới nhận, đây đa phần dùng lạt tre xâu thịt mang về.
Nhưng còn nồi nước sáo, có nơi gọi nước suýt.
Thì nó là bữa liên hoan ngay tại chỗ để... chào tết.
Là lòng với các thứ cần chia chín người ta cho vào cái chảo hoặc nồi nấu bánh chưng ấy, luộc sôi lên sùng sục rồi vớt ra thái chia, cái nồi nước cũng chia, nhà một ít mang xoong hoặc bát ô tô tới nhận, còn lại, hoặc là húp nước không thế, hoặc cho gạo vào, lại mỗi người một bát hỉ hả sụt soạt tại chỗ. Nếu “thống nhất cao” được thì còn có màn tiết canh ăn tại đấy, không thì tiết canh cũng chia, mang về nhà ăn.
Ở nhà lúc này các bà vợ và con gái đã chuẩn bị nếp, đậu, lá dong... chờ thịt về là gói bánh chưng. Làm gì thì làm, đói gì thì đói, tết là phải có bánh chưng. Và nồi bánh chưng thì trông cả vào cuộc mổ lợn ấy. Nên cái cuộc mổ lợn ấy, cũng phải tính sao để kịp gói bánh chưng, không sớm quá vì sợ... ăn mất, hoặc hỏng mất, nhưng muộn quá thì không kịp gói và nấu để có bánh cúng tối ba mươi. Thế mà có nhà phải trưa ba mươi mới gói bánh vì sáng ba mươi tết vẫn còn đi cấy. “Cấy cho kịp mà ăn tết” là câu cửa miệng của các bà các cô ngày ấy.
Thịt lợn, ngoài để làm bánh chưng thì còn gói giò. Ít có giò lụa, tức giò nạc, mà đa phần là giò thủ. Gọi thủ nhưng có khá nhiều mỡ, nên gói là phải người khỏe, bó rất kỹ rồi treo lên cho mỡ chảy, dùng xoong hứng. Mỡ ấy sau tết ăn với cơm. Phải treo ngay bởi trời rất lạnh, nó đông ngay, cái giò đầy mỡ.
Tất nhiên nhà ai cũng đã có vại dưa khổng lồ trong nhà rồi. Dưa và cà muối là món ăn thường trực của các gia đình thời bao cấp. Nhớ thầy Tĩnh hiệu trưởng trường cấp 2 Triệu Lộc thời ấy hay khoe: chúng tôi thường xuyên ăn dưa cải chấm... nước dưa cải là nhờ giáo viên trồng được rau cải. Nước dưa cho thêm muối cho mặn rồi chấm dưa, còn không cho muối thì dùng... chan cơm ăn.
Nhưng tết, dưa này nó rất hợp mới món giò thủ, mà thực chất là giò mỡ kia.
Còn trẻ con chúng tôi thì làm gì?
Ngoài việc háo hức thử quần áo mới, thử xong lại cất vì phải đúng sáng mùng một mới được mặc, chúng tôi làm... súng.
Lấy gỗ đẽo thành một cái hình dáng giống súng, lấy van xe đạp (thứ rất hiếm thời ấy, phải “nhà có điều kiện” mới có) làm nòng, một thanh thép làm kim hỏa, dây thun để buộc. Thế là có khẩu súng bắn diêm, nổ lép bép. Nói thêm, mẹ tôi làm nhà máy diêm nên sẵn thuốc diêm, tôi hay sẻ cho bọn bạn địa phương đổi lấy báng súng.
Rồi nữa, chuẩn bị tiền xu để đánh đáo. Đều là những thứ rất hiếm mà hiếm nhất là hòn cái. Kiếm các vỏ thuốc đánh răng, lấy chì ở đấy nung thành hòn cái. Mà hồi ấy, mười người thì có... hai người đánh răng bằng bàn chải và thuốc đánh răng, còn lại là dùng than và cau khô.
À còn một thứ, cái ống nứa cưa chéo một đường. Tết ai mừng tuổi tiền xu thì bỏ vào đấy. Khi nào cần thì chẻ ống nứa lấy tiền. Hồi ấy đã làm gì có lợn đất?
Cứ thế, tôi đã có những cái tết tuổi thơ trôi qua ở xứ Thanh, để giờ, ở một nơi rất xa, nghĩ tới vẫn bồi hồi...
Văn Công Hùng
{name} - {time}
-
2024-12-14 11:37:00
Giải thưởng Hành động vì cộng đồng 2024: Xây dựng “Cộng đồng kiến tạo” bền vững
-
2024-12-14 11:25:00
9x bỏ lương hàng chục triệu, về quê làm nông nghiệp
-
2024-02-07 14:58:00
Sắc xuân Châu Thường
Hậu Lộc: “Tết sẻ chia - Xuân ấm áp” tặng quà cho 95 trẻ mồ côi đặc biệt khó khăn
Sao Mai Group mang “Tết ấm” đến với hơn 1.000 hộ nghèo, khó khăn tỉnh Thanh Hóa
2 tuyến cao tốc qua Thanh Hoá chính thức được nâng tốc độ tối đa lên 90km/h
Thủ tướng chỉ thị tổ chức Tết trồng cây, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng
Xứ Thanh, chợ tết và văn hóa chợ tết
Thèm một xuân thơ mộng miền thượng du
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng chúc tết các bệnh viện
Sở Công Thương đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2023
Cận tết, nông dân Hoằng Hóa hối hả gieo cấy lúa xuân