Xử lý ô nhiễm môi trường: Đâu là giải pháp?
Chưa bao giờ vấn đề môi trường và sự tác động đến môi trường do hoạt động sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn và tình trạng quá tải ở nhiều bãi rác khu vực nông thôn lại thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội như hiện nay. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này không phải là câu hỏi mới, nhưng để có câu trả lời thì không phải dễ. Do đó, tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 (dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 14/12/2024), đây sẽ là một trong những nội dung chất vấn trọng tâm.
Khu vực xử lý nước thải của Trang trại chăn nuôi lợn tại xã Thanh Xuân (Như Xuân) thuộc Công ty TNHH Thương mại Song Dương. Ảnh: Phong Sắc
Nỗ lực từ cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng
Môi trường đóng vai trò là nền tảng bảo đảm sự sống của con người, đồng thời, mang đến cho con người những tài nguyên để phát triển. Do đó, bảo vệ môi trường (BVMT) là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân. Tuy nhiên, chính những hoạt động của con người, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Trước yêu cầu thực tiễn, công tác BVMT nói chung, nhất là BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi trang trại trên địa bàn tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng những văn bản pháp lý và những hành động cụ thể. Ví như, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 18/8/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND, ngày 15/9/2016 về thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU và Kế hoạch số 25/KH-UBND, ngày 2/02/2021 về thực hiện Kết luận số 2073-KL/TU, ngày 7/9/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU...
Cùng với đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật BVMT, truyền thông môi trường ngày càng được nhân rộng với sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư. Các cơ sở sản xuất đáp ứng yêu cầu về BVMT ngày càng tăng. Đến nay, 100% các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp thẩm định và ban hành các quyết định theo quy định. Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 25 cơ sở truyền dữ liệu quan trắc chất thải tự động về Sở TN&MT bằng việc đưa vào hoạt động 94 trạm quan trắc, góp phần tăng hiệu quả giám sát chất lượng chất thải trước khi thải ra môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Sau khi chạy thử nghiệm, hiện Dự án Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam (Đông Sơn) vẫn chưa đi vào hoạt động.
Ngoài ra, Sở TN&MT, các đơn vị chức năng, các địa phương cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm; đồng thời phát động các phong trào, duy trì, nhân rộng các mô hình BVMT. Ví như trên địa bàn huyện Nông Cống đã, đang duy trì mô hình phân loại rác thải tại nguồn kết hợp chống rác thải nhựa do Hội LHPN huyện tổ chức với hàng trăm hộ dân tham gia tại các xã Trường Sơn, Vạn Hòa, Vạn Thắng, Tượng Văn, Tân Thọ,...; huyện Hoằng Hóa xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình; Nga Sơn nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình ở 4 xã, thị trấn; thị xã Nghi Sơn có mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón với gần 100 hộ dân trên địa bàn thị xã tham gia... Việc xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh cũng được tỉnh, ngành chức năng quan tâm thực hiện. Đến nay toàn tỉnh đã xử lý triệt để 37/82 cơ sở, điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: 23 bệnh viện, 13 điểm tồn lưu hóa chất BVTV và 1 khu vực Hồ Thành. Trong công tác thu gom, xử lý rác thải cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Qua thống kê, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 92,1%...
Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế
Mới đây, qua quá trình kiểm tra, giám sát, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã phát hiện trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Thương mại Song Dương tại xã Thanh Xuân (Như Xuân) có hành vi xả nước thải chăn nuôi ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép. Trên cơ sở xác minh thực tế, Sở TN&MT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty, số tiền hơn 400 triệu đồng. Ông Trịnh Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: “Trên địa bàn xã có 4 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và 2 trang trại thuộc địa bàn xã Thanh Sơn có ảnh hưởng đến địa phương. Thời gian gần đây nhiều hộ dân sinh sống gần các trang trại đã phản ánh về tình trạng bốc mùi hôi thối từ các trang trại và ô nhiễm nguồn nước ngầm. Qua phản ánh của người dân cũng như kiểm tra thực tế, chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại với người dân và chủ các trang trại, yêu cầu các trang trại thực hiện nghiêm cam kết BVMT trong hoạt động sản xuất. Hiện tình trạng ô nhiễm môi trường xuất phát từ các trang trại chăn nuôi trên địa bàn cơ bản được khắc phục”.
Khu vực chứa nước thải của Trang trại chăn nuôi lợn tại xã Thanh Xuân (Như Xuân) thuộc Công ty TNHH Thương mại Song Dương chưa được đầu tư kiên cố có nguy cơ rò rỉ nước ra môi trường.
Trước đó tại huyện Lang Chánh người dân xã Tân Phúc cũng đã có những phản ánh gay gắt về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã do Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina gây ra. Sự việc này cũng đã được chính quyền địa phương, ngành chức năng vào cuộc xử lý. Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã trực tiếp kiểm tra và yêu cầu đình chỉ hoạt động Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Tân Phúc của Công ty Agri-Vina từ ngày 30/7/2024.
Không chỉ trên địa bàn huyện Như Xuân hay Lang Chánh, theo báo cáo của Sở TN&MT, tình trạng gây ô nhiễm môi trường do một số cơ sở sản xuất, chăn nuôi còn xảy ra ở một số địa phương khác trong tỉnh như tại trang trại chăn nuôi tại xã Thạch Tượng (Thạch Thành) của Công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa và một số trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ ở các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Hậu Lộc...
Liên quan đến hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, Chi cục BVMT, Sở TN&MT đã chỉ rõ không ít tồn tại, hạn chế. Trong đó đáng chú ý là nhiều bãi rác đã quá tải so với công suất thiết kế ban đầu, một số bãi chôn lấp rác thải đang gây ô nhiễm môi trường cục bộ và ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực xung quanh... Điển hình có bãi chôn lấp rác thải xã Đông Nam (Đông Sơn); bãi chôn lấp rác thải phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn); bãi chôn lấp rác thải phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn).
Bãi chôn lấp rác thải xã Đông Nam có công suất thiết kế 230 tấn/ngày, thực tế tiếp nhận 450 tấn/ngày. Hiện 4 ô chôn lấp theo thiết kế đã chứa đầy rác, phải đầu tư thêm ô chôn lấp số 5, 6 và số 7 để tiếp tục xử lý. Theo ông Lê Anh Đức, Giám đốc Xí nghiệp xử lý môi trường, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, để giảm thiểu mùi phát tán ra môi trường, xí nghiệp đang thực hiện các biện pháp che bạt, phun hóa chất khử mùi; đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền đẩy nhanh việc triển khai ô chôn lấp số 7, có giải pháp để Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam nhanh chóng đi vào hoạt động.
Đối với bãi chôn lấp rác thải phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) có công suất thiết kế 40 tấn/ngày, thực tế tiếp nhận 60 tấn/ngày, hiện không còn khả năng tiếp nhận nhưng chưa thể đóng cửa bãi rác. Tương tự, bãi chôn lấp rác thải phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn) có công suất thiết kế 90 tấn/ngày, thực tế tiếp nhận 143 tấn/ngày, hiện không còn khả năng tiếp nhận nhưng chưa thể đóng cửa bãi rác...
Trong khi nhiều bãi rác thải đã quá tải, nhưng tiến độ thực hiện đầu tư và đưa dự án xử lý rác thải đi vào hoạt động lại chậm so với yêu cầu, nhất là các dự án trọng điểm như: Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam; Nhà máy đốt rác phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn; Lò đốt rác thải sinh hoạt tại khu xử lý rác thải thị trấn Yên Cát (Như Xuân)... Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa từ phía chính quyền, ngành chức năng và các đơn vị có liên quan.
Đâu là giải pháp?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, chăn nuôi gây ra và sự ứ đọng, gây ô nhiễm ở các bãi rác thải khu vực nông thôn. Giải quyết vấn đề này không còn là trách nhiệm chung của xã hội, mà là chính ý thức của mỗi tổ chức và cá nhân mỗi người dân. Với sự ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng như hiện nay thì việc chúng ta bắt tay cải thiện vẫn chưa thật sự quá muộn. Liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, chăn nuôi, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần rà soát lại quy trình và việc đầu tư, vận hành các công trình xử lý chất thải của công ty, doanh nghiệp. Đặc biệt, khi thẩm định các dự án đầu tư các đơn vị chức năng phải có trách nhiệm xem xét tất cả các yếu tố tác động đến môi trường. Kiên quyết không đưa vào xây dựng, vận hành, khai thác khi chưa đáp ứng các yêu cầu về BVMT.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, tập trung trọng điểm vào các nhóm cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, trang trại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân cần tăng cường giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn; chủ động phản ánh các trường hợp cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, gây ô nhiễm môi trường về cơ quan quản lý Nhà nước để được giải quyết, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
Khu vực chứa nước thải của Trang trại chăn nuôi lợn tại xã Thanh Xuân (Như Xuân) thuộc Công ty TNHH Thương mại Song Dương chưa được đầu tư kiên cố có nguy cơ rò rỉ nước ra môi trường.
Đối với thực trạng quá tải ở các bãi rác thải vấn đề trước mắt là phải thay đổi thói quen vứt bỏ các loại rác một cách bừa bãi của người dân; xây dựng ý thức phân loại rác ngay tại nguồn để có giải pháp xử lý phù hợp và thói quen tiêu dùng thiếu thân thiện với môi trường. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị được giao quản lý, vận hành các bãi chôn lấp rác thực hiện đúng quy trình xử lý rác thải, định kỳ đầm nén, che phủ bề mặt các ô chôn lấp, phun hóa chất để giảm thiểu mùi, thu gom, xử lý nước rỉ rác đúng quy định; kiểm soát lượng rác thải về bãi chôn lấp đảm bảo đúng phạm vi thu gom, loại chất thải.
Thực tế, BVMT không chỉ là giải quyết yêu cầu trước mắt mà phải bảo đảm tính lâu dài. Do đó, chủ trương đầu tư cho các dự án xử lý rác thải là hết sức cần thiết. Về vấn đề này, Sở TN&MT cần tiếp tục phối hợp với các sở tăng cường đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư các dự án Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam (Đông Sơn), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn) khẩn trương hoàn thành đưa nhà máy đi vào hoạt động để đóng cửa các bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Đối với những tổ chức, cá nhân thiếu ý thức trong việc BVMT và thực thi nhiệm vụ được giao cần phải xem xét và quy trách nhiệm cụ thể để “bài toán” xử lý ô nhiễm môi trường sớm có lời giải.
Phong Sắc
{name} - {time}
-
2025-01-12 10:21:00
Nhiều nơi tại Thanh Hóa ghi nhận nhiệt độ dưới 10 độ C
-
2025-01-12 06:30:00
Dự báo thời tiết 12/1: Thanh Hóa không mưa, trời rét đậm
-
2024-12-11 08:05:00
Dự báo thời tiết 11/12: Không khí lạnh tăng cường, miền Bắc rét, miền Trung mưa
Cơ quan giám sát khí hậu châu Âu: 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử
Dự báo thời tiết 10/12: Miền Bắc trời rét, miền Nam mưa rải rác
Từ đêm 12/12, không khí lạnh tiếp tục tăng cường
Dự báo thời tiết 9/12: Bắc bộ, Trung bộ vẫn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh
Dự báo thời tiết 8/12: Bắc Bộ trời rét, nhiệt độ xuống thấp kèm mưa rải rác
Dự báo thời tiết 7/12: Cả nước mưa dông, miền Bắc trời chuyển rét
Không khí lạnh đã ảnh hưởng nhưng cường độ yếu
Dự báo thời tiết 6/12: Bắc và Trung Bộ sẽ chuyển rét từ ngày mai
Dự báo thời tiết 5/12: Mưa dông rải rác trước đợt không khí lạnh