Xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
Thực hiện Kế hoạch số 276/KH-UBND ngày 6/11/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh năm 2024 và các kế hoạch bảo đảm ATTP nhân những đợt cao điểm đấu tranh, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tăng cường phối hợp, bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm.
Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhân cao điểm về ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2024.
Trong cao điểm về ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2024, Công an TP Thanh Hóa đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan chức năng kiểm tra ATTP đối với hàng loạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn TP Thanh Hóa. Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng đã tiêu hủy gần 2 tấn nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ do nước ngoài sản xuất; đồng thời xử phạt hành chính hơn 100 triệu đồng.
Cùng với hoạt động kiểm soát liên ngành cấp tỉnh, các đội quản lý thị trường trực thuộc cũng tăng cường phối hợp, tham mưu cho ban chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh kế hoạch kiểm soát định kỳ và đột xuất. Tại địa bàn thị xã Bỉm Sơn, Đội Quản lý thị trường số 5 đã xây dựng phương án và các biện pháp thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong cao điểm về ATTP dịp Tết Trung thu năm 2024, trong thời gian từ 21/8 đến 16/9, đơn vị đã tham gia đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP do Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn thành lập tiến hành kiểm tra 8 cơ sở, trình Chủ tịch UBND thị xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 17,5 triệu đồng đối với 1 cơ sở sản xuất bánh về hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trực thuộc cũng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát tại các chốt kiểm dịch động vật nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại; kiểm soát việc thực hiện các quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đối với động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu và từ tỉnh ngoài đưa vào địa bàn Thanh Hóa tiêu thụ. Đã có 311 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực ATTP bị cơ quan chức năng phát giác và xử lý vi phạm hành chính số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2024, để ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh ATTP kinh doanh tại các khu vực quanh trường học, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương, ban chỉ đạo 389 huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiều biện pháp lồng ghép tuyên truyền thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đến người kinh doanh, người dân. Thông qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành chính sách, pháp luật trong kinh doanh thực phẩm phục vụ đối tượng học sinh.
Đơn vị cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành y tế, công an và các tổ chức, đoàn thể tổ chức các hội nghị, tọa đàm để tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh, giáo viên và học sinh cùng tham gia giám sát, phản ánh các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, giáo viên và học sinh kiến thức về ATTP, tác hại của việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là đối với sức khỏe của trẻ em.
Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Bước vào những tháng cuối năm, hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP thường có những diễn biến phức tạp. Do đó, các hoạt động đấu tranh sẽ tăng cường hướng tới với mục tiêu kiểm soát ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm tươi sống, gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm; bánh mứt kẹo, nước giải khát; sữa và các sản phẩm từ sữa; thực phẩm chế biến, dầu thực vật, thực phẩm công nghiệp, thực phẩm chức năng, chất phụ gia bảo quản, phẩm màu công nghiệp sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các lực lượng cũng sẽ chú trọng hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên tuyến biên giới, trong khâu lưu thông; tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh thuốc tân dược, trang thiết bị y tế, nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; đẩy mạnh giám sát, tuyên truyền đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Bài và ảnh: Bách Nguyên
{name} - {time}
-
2024-12-08 10:05:00
Sẵn sàng nguồn cung thực phẩm cho thị trường cuối năm
-
2024-12-07 10:35:00
Xây dựng xã an toàn thực phẩm nâng cao
-
2024-09-19 10:44:00
Hiểm họa mắc bệnh từ thực phẩm tái, sống
Nỗ lực bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng qua chuỗi thực phẩm an toàn
Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Kiểm soát an toàn thực phẩm
Chợ thực phẩm an toàn - cơ hội kết nối sản phẩm uy tín
Phát triển rau màu theo hướng hàng hóa
Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp
Nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024: Cần sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội
Những gian hàng giới thiệu nông sản an toàn