Xây dựng Triệu Sơn trở thành đô thị văn minh, hiện đại
Phát huy truyền thống của vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Triệu Sơn luôn nỗ lực phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Một góc thị trấn Triệu Sơn.
Mạch nguồn lịch sử
Về Triệu Sơn những ngày đầu xuân, người người, nhà nhà với khí thế khẩn trương, sôi nổi chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện và công bố huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024.
Ngược dòng lịch sử, mảnh đất Triệu Sơn từng là một phần của bộ Cửu Chân – một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Đến thời Trần, Triệu Sơn chính thức nằm trong huyện “Nông Cống”, thuộc lộ Thanh Hóa. Thời Lê, địa bàn Triệu Sơn thuộc huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên (phần đất thuộc huyện Thọ Xuân và huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Ninh (sử còn chép là phủ Tĩnh Gia). Đầu thế kỷ XX, huyện Lôi Dương đổi thành phủ Thọ Xuân, địa bàn Triệu Sơn thuộc phủ Thọ Xuân và huyện Nông Cống. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, địa giới hành chính các xã của Triệu Sơn thuộc địa bàn huyện Nông Cống và Thọ Xuân. Đến ngày 25/2/1965, huyện Triệu Sơn được thành lập trên cơ sở tách một phần đơn vị hành chính của huyện Thọ Xuân và huyện Nông Cống.
Huyện Triệu Sơn được thành lập khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang trong giai đoạn quyết liệt, cũng là thời điểm đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân huyện Triệu Sơn vừa sản xuất vừa chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Trải qua các thời kỳ, huyện tiếp tục được điều chỉnh địa giới và mở rộng, nổi bật là việc thành lập thị trấn Triệu Sơn năm 1988. Đến năm 2024, huyện Triệu Sơn thực hiện Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025, đưa tổng số đơn vị hành chính của huyện xuống còn 32 đơn vị (30 xã và 2 thị trấn).
Trải qua hàng thế kỷ biến đổi, Triệu Sơn không chỉ là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử mà còn vươn lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Trong suốt tiến trình lịch sử, các thế hệ người Triệu Sơn đã chung sức, đồng lòng, dũng cảm trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cần cù sáng tạo trong lao động để xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp. Đây được xem là sức mạnh “nội sinh” tạo nên những giá trị quý báu, để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Triệu Sơn phát huy trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Động lực cho phát triển
Truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử đã trở thành mạch nguồn nội lực của sự đoàn kết, sáng tạo trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương; phát huy truyền thống cách mạng, dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, Đảng bộ huyện Triệu Sơn luôn giữ vững vai trò lãnh đạo, tập hợp được mọi thành phần, tầng lớp Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã bám sát thực hiện các chủ trương của Đảng với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, được các ngành Trung ương và tỉnh đánh giá cao. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2020-2025, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đảng bộ huyện đã phát huy sức mạnh đoàn kết, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Triệu Sơn đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, khẳng định sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng bộ và sự đồng thuận, nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 ước đạt 10,85%, xếp thứ 7/26 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; riêng năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 19,74% (đứng thứ 3 toàn tỉnh). Quy mô tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện tăng lên từng năm, năm 2025 ước đạt 26.184 tỷ đồng, gấp 1,91 lần so với năm 2020. Cơ cấu các ngành trong tổng giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 21,7% năm 2020 xuống còn 15,28% năm 2025; công nghiệp, xây dựng tăng từ 52,70% lên 60,49%; dịch vụ là 24,23%. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh qua từng năm, năm 2025 ước đạt 75,04 triệu đồng, gấp 1,75 lần năm 2020, vượt mục tiêu 75 triệu đồng, đứng 7/26 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tăng 8 bậc so với năm 2020 (năm 2020 xếp thứ 15/27).
Năm 2021, huyện đạt chuẩn NTM, về đích trước mục tiêu nghị quyết đại hội 1 năm (mục tiêu 2022); năm 2024, huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, là một trong 3 huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và là huyện thứ 15 của cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2021-2025, đã thu hút được 21 dự án đầu tư mới, có 549 doanh nghiệp thành lập mới, đứng thứ 6 toàn tỉnh, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 737 doanh nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho trên 28.000 lao động.
Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã có 21.674 hộ gia đình tham gia tình nguyện hiến trên 87,8ha đất để mở rộng, nâng cấp trên 586km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn được cứng hóa đạt 100%. Vận động được trên 10 tỷ đồng để xây dựng 107 nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện theo Chỉ thị 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm và chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Số đảng viên mới kết nạp giai đoạn 2021-2025 đạt 1.574 đảng viên, vượt mục tiêu (mục tiêu 750 đảng viên) và gấp 1,24 lần nhiệm kỳ 2015-2020. Hoạt động của MTTQ và các tổ chức đoàn thể có nhiều chuyển biến rõ nét, nhiều phong trào thiết thực hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng.
Những thành tựu đạt được không chỉ là kết quả của tinh thần lao động bền bỉ, sáng tạo của Nhân dân trong huyện; ý thức trách nhiệm và sự kiên trì, quyết liệt thực hiện mục tiêu đề ra của nhiều thế hệ lãnh đạo huyện; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, mà còn là sự kết tinh truyền thống hào hùng của ông cha được hun đúc qua những thăng trầm của lịch sử. Đó cũng là tiền đề vững chắc để Đảng bộ huyện Triệu Sơn quyết tâm thực hiện thắng lợi tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra; phấn đấu trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2030.
Để xây dựng Triệu Sơn trở thành đô thị văn minh, hiện đại, huyện đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững với các chỉ tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ 2025-2030. Cụ thể, huyện phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản phẩm bình quân hằng năm, giai đoạn 2026-2030 từ 12% trở lên, nâng quy mô nền kinh tế lên trên 41.000 tỷ đồng vào năm 2030; thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 110 triệu đồng. Quyết tâm hoàn thành mục tiêu trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2030, với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có ít nhất 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Song song với đó, Triệu Sơn chú trọng phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh chuyển đổi số, với mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85 - 90%, hoàn thành số hóa toàn bộ dữ liệu hành chính, kinh tế - xã hội trước năm 2028 và triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Huyện cũng sẽ tập trung thu hút đầu tư, hoàn thiện ít nhất 3 cụm công nghiệp hiện đại, tạo việc làm mới cho khoảng 20.000 lao động, tổng huy động vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 5 năm, giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 35.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, hạ tầng giao thông, kỹ thuật và môi trường được đặc biệt quan tâm, với mục tiêu 100% mạng lưới giao thông đạt chuẩn đô thị hóa, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước sạch theo quy định đạt 85% trở lên và 100% ở đô thị. Các chính sách an sinh xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 0,2% và hỗ trợ xây dựng ít nhất 300 nhà ở cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và hộ khó khăn...
Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, tin tưởng rằng, huyện Triệu Sơn sẽ trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, hội tụ đầy đủ các yếu tố phát triển bền vững, xứng đáng với vị thế của một đô thị kiểu mẫu trong tương lai.
Bài và ảnh: Thùy Linh
{name} - {time}
-
2025-02-22 13:08:00
Hải Lĩnh thi đua xây dựng phường kiểu mẫu
-
2025-02-22 10:44:00
Hoằng Quỳ đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu
-
2025-02-21 11:57:00
Hiện thực hóa khát vọng trở thành miền quê đáng sống
Xã Đông Yên đón nhận quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao
Dấu ấn xây dựng nông thôn mới ở xã Ái Thượng
Xây dựng tiêu chí nông thôn mới nâng cao ở xã Lam Sơn
Chia nhỏ các chuyên đề thực hiện mục tiêu lớn
Thành Sơn xây dựng nông thôn mới
Diện mạo mới ở xã miền núi Cẩm Thạch
Khơi dậy sức dân trong XDNTM - Cách làm ở Như Xuân
Tuổi trẻ vùng biên chung tay xây dựng nông thôn mới
Vĩnh Phúc hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao