Xây dựng đô thị thông minh dựa trên hạ tầng số và dữ liệu số
Xây dựng đô thị thông minh góp phần xây dựng cuộc sống hiện đại, tiện ích, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là một trong những mục tiêu mà TP Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện. Trong đó, chuyển đổi số (CĐS) được xác định là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu.
Người dân được hướng dẫn tận tình khi đến làm các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Đông Cương.
Đô thị thông minh là giải pháp để TP Thanh Hóa giải quyết các khó khăn, thách thức; tận dụng các cơ hội để phát triển bứt phá, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, gắn kết chặt chẽ với quá trình CĐS tại địa phương, lấy người dân làm trung tâm, người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia các hoạt động... Trên cơ sở đó, TP Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác CĐS tại tất cả các xã, phường trên địa bàn, trong đó đã triển khai mô hình “3 không” tại nhiều phường, xã.
Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Đông vệ (TP Thanh Hóa), rất nhiều mã QR được treo tại bảng niêm yết các thủ tục hành chính (TTHC) để người dân thuận lợi trong việc tra cứu thông tin TTHC. Người dân đến làm TTHC được cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn làm trực tuyến trên Cổng dịch vụ công đã được kết nối liên thông 3 cấp, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Anh Lê Trung Dũng ở phố Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Vệ cho biết: Việc thực hiện trực tuyến và trả kết quả trực tuyến TTHC rất thuận tiện cho người dân chúng tôi khi cần giao dịch. Việc cài đặt chữ ký số, cài đặt VNeID, mobile banking... khiến việc thực hiện các TTHC trực tuyến, thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, học phí cho con... trở nên rất thuận lợi, tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả công việc.
Cùng với việc đẩy mạnh chính quyền số, TP Thanh Hóa cũng tập trung phát triển kinh tế số, xã hội số với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, ứng dụng trên nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, an sinh xã hội... để mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân.
Anh Nguyễn Đức Long, công chức văn hóa phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Để cung cấp các dịch vụ thông minh cho người dân, doanh nghiệp dựa trên hạ tầng số và dữ liệu số, UBND phường đã tuyên truyền, phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất áp dụng các giải pháp công nghệ như: Tem điện tử; hóa đơn điện tử; công nghệ mã vạch, QR code, chip NFC, công nghệ blockchain... để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, phân biệt hàng thật, hàng giả. Đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp, marketing, logistics, tích hợp giải pháp thẻ thanh toán thương mại điện tử trên website của doanh nghiệp... Tuyên truyền cho các doanh nghiệp xây dựng mô hình chuỗi cung ứng thông minh, chuỗi cung ứng thương mại điện tử, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đến nay, đã có gần 30 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn phường đưa nhiều mặt hàng lên sàn thương mại điện tử như các sản phẩm trà của Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc; các sản phẩm sinh học của Công ty TNHH Fuwa Biotech; sản phẩm hoa, nem chua, đồ ăn... góp phần phát triển kinh tế số tại địa phương.
Xây dựng đô thị thông minh dựa trên nền tảng số và ứng dụng công nghệ thì hạ tầng số phải “đi trước”. TP Thanh Hóa là đơn vị hành chính có hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông chất lượng cao, đồng bộ và hiện đại, với nhiều tiện ích tiên tiến so với các địa phương trong tỉnh. Mạng cáp quang băng thông rộng đã được triển khai rộng khắp đến 100% phường, xã. Hạ tầng mạng thông tin di động được phủ sóng đến 100% trung tâm phường, xã; tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 100%... Việc triển khai diện rộng các trạm BTS công nghệ băng rộng di động 3G, 4G, 5G đã đảm bảo mức độ sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu ứng dụng CNTT của các cơ quan Đảng, Nhà nước và nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, internet chất lượng cao của các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn. Hạ tầng kỹ thuật CNTT trên địa bàn TP Thanh Hóa được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng việc ứng dụng CNTT, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố; đảm bảo cung cấp dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Để phát triển đô thị thông minh, TP Thanh Hóa đang tiếp tục thực hiện CĐS đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, chú trọng hàng đầu đến CĐS trong quản lý đô thị thông minh. Đây chính là cơ sở để TP Thanh Hóa tiến gần hơn với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh trong thời gian tới theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Bài và ảnh: Linh Hương
{name} - {time}
-
2025-01-15 14:41:00
“Chuyển đổi số không chỉ là cơ hội mà là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp”
-
2025-01-15 13:22:00
Chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân
-
2025-01-11 11:38:00
Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Quảng Xương đẩy mạnh chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục thường xuyên
Bước chuyển trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Nâng cao chất lượng hoạt động chuyển đổi số ở Như Xuân
Chuyển đổi số ở xã miền núi Cẩm Thạch
59 chỉ số đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hội phụ nữ
Phát triển kinh tế số: Chưa được như kỳ vọng
Hai kịch bản về cách AI tác động đến tăng trưởng thương mại toàn cầu
Sôi nổi Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số