(Baothanhhoa.vn) - Không đưa người chết vào quan tài là hủ tục trong tang ma của đồng bào Mông. Từ việc tiên phong “xé rào” đưa thi thể chú ruột vào quan tài của các ông Lâu Gia Pó, Lâu Minh Pó, đã mở ra hướng đi cho cuộc “cách mạng” xóa bỏ những hủ tục trong tang ma đã “ăn sâu, bám rễ” trong nếp nghĩ của nhiều thế hệ đồng bào Mông.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xóa bỏ “Phép vua thua lệ làng” nơi Cổng Trời: Bài 2 - Không để “con ma hủ tục” có đất sống

Không đưa người chết vào quan tài là hủ tục trong tang ma của đồng bào Mông. Từ việc tiên phong “xé rào” đưa thi thể chú ruột vào quan tài của các ông Lâu Gia Pó, Lâu Minh Pó, đã mở ra hướng đi cho cuộc “cách mạng” xóa bỏ những hủ tục trong tang ma đã “ăn sâu, bám rễ” trong nếp nghĩ của nhiều thế hệ đồng bào Mông.

Xóa bỏ “Phép vua thua lệ làng” nơi Cổng Trời: Bài 2 - Không để “con ma hủ tục” có đất sống

Hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Mông, xã Pù Nhi (Mường Lát). Ảnh: P.V

Tang ma và món nợ truyền kiếp

Cách trung tâm huyện Mường Lát khoảng 12km về phía Tây, bản Pù Toong, xã Pù Nhi có 74 hộ dân, với 324 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông. Giống với nhiều bản đồng bào Mông của huyện Mường Lát, Pù Toong cũng có thời gian “mịt mùng” trong đói nghèo. Ngoài các công trình hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư đồng bộ, điều kiện sản xuất, sinh hoạt của đồng bào thiếu thốn trăm bề, thì những tập tục lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận người dân, đã bưng bít lối thoát đói nghèo của bà con. Từ chỗ khó khăn, bằng lòng quyết tâm, tinh thần đoàn kết, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Pù Toong đã làm nên “kỳ tích” khi trở thành bản đồng bào Mông đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa “về đích” nông thôn mới. Đằng sau “kỳ tích” ấy là câu chuyện dài về những cán bộ, đảng viên tiên phong đưa nếp sống văn hóa mới trong tang lễ về các bản đồng bào Mông trong xã.

Chúng tôi gặp lại ông Lâu Gia Pó, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi - người dành nhiều tâm huyết cho việc xóa bỏ những hủ tục trong tang ma vùng đồng bào Mông địa phương. Theo ông Lâu Gia Pó, đồng bào Mông quan niệm, mỗi khi có người qua đời mà khi sống có uy tín thì sẽ được người trong gia đình ra sân bắn súng báo hiệu cho dân bản biết. Nếu là nữ được bắn theo số chẵn từ 6 đến 8 tiếng súng. Nếu là nam được bắn theo số lẻ từ 7 đến 9 tiếng súng. Thực hiện Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cấp ủy đảng, chính quyền và Công an xã Pù Nhi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến bà con việc tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là vi phạm pháp luật. Hiểu được về tác hại, những nguy cơ của việc tàng trữ, sử dụng súng, đại đa số đồng bào Mông, xã Pù Nhi đã xóa bỏ tập tục trên. Lúc còn công tác, ông Lâu Gia Pó luôn dành thời gian để nghiên cứu về lịch sử, truyền thống văn hóa và những tập tục của dân tộc mình. Ông Lâu Gia Pó khẳng định: “Giống như cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam, xa xưa đồng bào Mông cũng thực hiện các nghi thức đưa người chết vào quan tài. Nhưng vì tập quán di cư nên trong quá trình đi nơi này đến nơi khác, khi có người chết không tổ chức tang lễ được chu toàn, do đó, đồng bào Mông đã cải biến đưa lên cáng rồi quàng vào các gốc cây, hang đá để tiện cho việc thờ cúng. Hơn 200 năm qua, việc cải biên đưa người chết nằm trên cáng đã trở thành thói quen, tập tục mang tính tâm linh của đồng bào Mông”.

Đồng bào Mông cũng quan niệm, nếu gia đình người thân chết mà bỏ vào quan tài là trái với tục lệ, sau khi chôn cất tổ tiên sẽ gây phiền hà cho người đang sống như bệnh tật, ốm đau... Bên cạnh đó, người mới qua đời không được chôn cất trùng ngày với người trong dòng họ đã mất trước, phải chờ con cháu đi làm ăn, lấy vợ, lấy chồng xa về phúng viếng rồi mới đem đi chôn cất. Suốt trong thời gian người chết chưa được đem đi chôn cất, gia đình tang chủ tổ chức lễ cúng linh đình để con, cháu thể hiện lòng hiếu nghĩa. Nhiều trâu, bò, lợn, gia cầm cũng được giết mổ phục vụ cho lễ cúng. Số lượng trâu, bò được giết mổ trong đám tang phụ thuộc vào số lượng con cái của người đã mất. Nếu người chết có 3 người con, đồng nghĩa sẽ có 3 con trâu hoặc bò sẽ bị giết thịt để dâng cúng. Khi đã giết mổ hết số trâu, bò của con cái đóng góp, lúc đó người ta mới khênh xác người chết đưa xuống huyệt mộ, rồi làm các nghi lễ chôn cất.

Nơi chôn cất người chết thường do gia đình, dòng họ lựa chọn, vì vậy phần lớn các bản đồng bào Mông không có nghĩa trang tập trung. Việc không đưa người chết vào quan tài ngay sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, sức khỏe những người xung quanh. Đặc biệt, người chết do các căn bệnh xã hội nếu để trần nhiều ngày xác chết sẽ bị phân hủy, rất dễ lây lan dịch bệnh. Phần lớn các gia đình đồng bào Mông trên địa bàn huyện Mường Lát nói chung, xã Pù Nhi nói riêng đều là hộ nghèo, nên việc tổ chức ăn uống nhiều ngày linh đình, phải giết nhiều trâu, bò, lợn, gà gây tốn kém về kinh tế. Nhiều năm trước đây, có không ít đám tang tốn kém cả trăm triệu đồng và trở thành gánh nặng cho con cháu.

Cách đây 5 năm về trước, bà Lâu Thị Dính - vợ ông Hơ Xáy Sinh ở bản Cá Tớp qua đời. Theo tục lệ, gia đình để thi thể trên chiếc cáng, treo trong nhà gần một tuần. Ngày nào gia đình ông Hơ Xáy Sinh cũng mổ trâu, mổ bò, lợn, gà để cúng tế và mời anh em dòng họ, bà con dân bản đến ăn uống linh đình ngay bên cạnh xác chết bị phân hủy với mùi hôi thối nồng nặc. Như quan niệm, đây là dịp để con cháu trong gia đình báo hiếu với người đã mất. Thế nhưng, sau đám tang của bà Lâu Thị Dính, ông Hơ Xáy Sinh đã gánh khoản nợ 3 con trâu, 4 con lợn, 50 con gà... không biết làm đến lúc nào mới trả hết được.

“Từ những nghiên cứu về lịch sử đồng bào Mông, chúng tôi nhận thấy cần xóa bỏ hủ tục trong tang ma. Muốn vậy, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước để khơi thông tư tưởng, nhận thức của đồng bào Mông về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ. Và chính những cán bộ, đảng viên người Mông phải vận động người thân, gia đình, dòng họ “đi trước, làm trước” đưa người chết vào quan tài để bà con thấy được thực tiễn, dần dần nghe theo, rồi sẽ tự giác xóa bỏ những hủ tục lạc hậu” - ông Lâu Gia Pó trao đổi với chúng tôi.

Để xóa bỏ hủ tục trong tang ma của đồng bào Mông, giữa năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Giai đoạn I từ 2013-2015, được triển khai thí điểm tại 7 bản đồng bào Mông của xã Pù Nhi. Giai đoạn II từ năm 2016-2020, triển khai sâu rộng trên địa bàn 37 bản có đồng bào Mông, thuộc các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn.

Cuộc “cách mạng” đưa xác chết vào quan tài

Là người con ưu tú của đồng bào Mông, sinh ra và lớn lên ở dãy núi Pha Đén, xã Pù Nhi, ông Lâu Minh Pó - nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát đã quen với những tục lệ của làng bản, dòng họ mình. Dẫu vậy, cái ám ảnh nhất trong ông là mỗi lần đến dự đám tang của đồng bào mình và chứng kiến cảnh xác chết để sau 3 ngày trên cáng không đưa vào quan tài, mùi hôi thối bốc lên. Hiểu rõ những hủ tục trong tang ma chính là “lực cản” khiến đồng bào Mông ở quê hương Pù Nhi nói riêng, huyện Mường Lát nói chung khó thoát cảnh đói nghèo, vì vậy, từ hồi còn là thầy giáo, rồi đến khi là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và nghỉ hưu, ông Lâu Minh Pó luôn chủ động tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ những hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới. Không chỉ lặn lội đi khắp các bản có đồng bào Mông trong huyện Mường Lát để tuyên truyền, vận động cho mọi người dân xóa bỏ hủ tục trong tang ma, gia đình ông Lâu Minh Pó còn tiên phong mở đầu cho cuộc “cách mạng” đưa người chết vào quan tài. Ông Lâu Minh Pó nhớ lại, năm 2013, ông nhận tin báo chú ruột là cụ Lâu Chứ Dơ, ở bản Pha Đén, xã Pù Nhi không may qua đời. Khi ông về đến bản thì cũng là lúc mọi người đang chuẩn bị cáng tre treo thi hài cụ lên vách nhà. Thấy vậy, ông Lâu Minh Pó đã cố gắng thuyết phục những người thân trong dòng họ, gia đình đưa xác cụ Dơ vào quan tài giống như đồng bào các dân tộc khác thường làm. Nhiều người trong dòng họ, gia đình đã phản đối ý kiến của ông. Ngay chính cụ thân sinh của ông Lâu Minh Pó là người phản đối quyết liệt nhất. Hai cha con đã đấu tranh tư tưởng rất căng thẳng với nhau. Sau một đêm thuyết phục cha mình và những “bô lão” trong dòng họ, ông Lâu Minh Pó cùng một số cán bộ xã Pù Nhi đã thành công trong việc đưa thi thể cụ Lâu Chứ Dơ vào quan tài theo nếp sống văn hóa mới trong tang lễ. Đây là đám tang đầu tiên của đồng bào Mông ở khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, người chết được đưa vào quan tài, mở ra cuộc “cách mạng” mới trong tang lễ vùng đồng bào Mông.

Sau đám tang ông Lâu Chứ Dơ ở bản Pha Đén, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với huyện Mường Lát triển khai giai đoạn I của Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” tại 7 bản đồng bào Mông, xã Pù Nhi. Với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã Pù Nhi đã cùng vào cuộc đi đến từng bản để tuyên truyền, vận động các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và bà con thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong tang lễ. Kết quả, 12 hội nghị và 162 cuộc tuyên truyền được triển khai trên địa bàn xã Pù Nhi đã từng bước khơi thông tư tưởng, thay đổi nhận thức của đồng bào Mông về thực hiện tang lễ theo nếp sống mới không ảnh hưởng đến làm ăn, sinh sống hay gặp chuyện chẳng lành như quan niệm lâu nay, mà mở ra một “trang mới” trong việc ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi bản làng và từng gia đình, dòng họ. Thiết thực hơn, thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa, 7 bản đồng bào Mông đã hoàn thành việc quy hoạch nghĩa trang tập trung, có đường giao thông đi lại thuận lợi. Bên cạnh đó, gia đình có người qua đời thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ được hỗ trợ 1 cỗ quan tài gỗ nhóm 3 trở lên, tương đương với 5 triệu đồng và 3 triệu đồng tiền mặt.

Từ cách làm riêng, sát thực tiễn đã tạo được sự đồng thuận trong các dòng họ và từng hộ gia đình đồng bào Mông về tổ chức tang lễ theo nếp sống văn hóa mới. Kết thúc giai đoạn I, tại 7 bản đồng bào Mông, xã Pù Nhi có hơn 70% hộ gia đình khi người thân qua đời đã thực hiện thủ tục khai tử với chính quyền địa phương theo quy định và khâm liệm, đưa vào quan tài, chôn cất tại nghĩa trang tập trung của bản. Ngoài ra, 7/7 bản thực hiện quy ước nếp sống văn hóa trong tang lễ; 70% già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ và người có uy tín ký cam kết thực hiện theo đúng nội dung đề án. Từ những tín hiệu vui trong cuộc “cách mạng” xóa bỏ những hủ tục trong tang ma ở 7 bản đồng bào Mông, xã Pù Nhi, từ năm 2016, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai sâu rộng Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” tại 37 bản có đồng bào Mông sinh sống, thuộc các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Với nền tảng vững chắc là tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở các bản đồng bào Mông được củng cố, tăng cường, cùng với đội ngũ cán bộ, đảng viên “hùng hậu” nên công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông đã cho thấy hiệu quả. Tại 37 bản đã có 380/409 đám tang đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ. Trong đó, có 378 đám tang thực hiện khâm liệm và đưa người chết vào quan tài trong thời gian khoảng 6 - 12 giờ sau khi chết; 402 người chết đã được thực hiện thủ tục khai tử với chính quyền địa phương theo quy định; 141 người chết đưa vào chôn cất tại nghĩa trang bản.

Sau 7 năm thực hiện, Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” đã có được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên việc thực hiện nếp sống văn hóa mới, xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn còn nhiều khó khăn do sự tồn tại của những hủ tục lạc hậu đã duy trì qua nhiều thế hệ, ăn sâu trong nếp suy nghĩ, trong đời sống và niềm tin của cộng đồng dân tộc Mông. Cho nên để duy trì việc “đưa xác chết vào quan tài” cần phải phát huy tính tiền phong, gương mẫu, uy tín và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trưởng dòng họ, người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu thực hiện nếp sống văn hóa mới.

Bài cuối: Có Đảng dẫn đường - đồng bào Mông xây dựng cuộc sống mới không đói nghèo.

Trần Thanh - Minh Hiếu


Trần Thanh - Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]