Xã Quảng Trường gìn giữ nghề dệt chiếu cói
Các thôn Châu Sơn, Trường Thành, xã Quảng Trường (Quảng Xương) từ lâu nổi tiếng với nghề sản xuất chiếu cói truyền thống. Trải qua nhiều biến động của thị trường, làng nghề lúc hưng thịnh, khi kém phần sôi động nhưng nhiều người dân hai thôn này vẫn miệt mài bên khung cửi, chủ động cải tiến mẫu mã sản phẩm, năng động trong tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, vừa gìn giữ phát triển nghề truyền thống của cha ông vừa nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Cơ sở sản xuất chiếu cói của gia đình ông Trịnh Văn Vinh ở thôn Châu Sơn, xã Quảng Trường (Quảng Xương).
Xã Quảng Trường là vùng đất chiêm trũng, phù hợp cho phát triển cây cói, nên bà con nơi đây đã gắn bó lâu đời với nghề trồng và sản xuất các sản phẩm thủ công từ cói. Người dân làng nghề chiếu cói Quảng Trường chủ yếu dệt nhiều loại chiếu, khổ rộng, khổ hẹp từ 1,1m đến 1,8m. Sợi cói đơn sơ nhưng qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người làm nghề đã trở thành những chiếc chiếu mềm mại, có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản phẩm được nhiều khách hàng tìm đến tận các cơ sở sản xuất để đặt hàng. Dù dệt bằng phương pháp thủ công truyền thống hay bằng máy thì chiếu cói ở các thôn Châu Sơn, Trường Thành được tạo nên từ những công đoạn khá công phu. Cói thu hoạch xong được chẻ ngay, sau đó mới phơi khô, loại bỏ phụ phẩm; rồi đến khâu chọn cói, cói phải được phân loại cho thật đều, theo từng sợi to nhỏ, ngắn dài khác nhau thì khi dệt chiếu mới bền, đẹp. Tiếp theo, khi cho cói vào máy để dệt, đòi hỏi người dệt phải thật tinh ý, sao cho các đường bẻ mép, bắt biên phải gọn gàng mới làm nên những chiếc chiếu bền, đẹp, chắc chắn...
Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cói, xã Quảng Trường đã khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ gia đình đầu tư mua mới, cải tạo máy dệt chiếu, nâng cao năng suất, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Gia đình ông Trịnh Văn Vinh ở thôn Châu Sơn - một trong những hộ làm chiếu có quy mô sản xuất lớn trong thôn cho biết: “Có nhiều người dân trong thôn gắn bó gần như cả đời người với nghề trồng cói. Khi còn nhỏ thì phơi cói, phơi đay, cắt riềm chiếu; lớn lên chút nữa thì căng đay, lên khung dệt; đến tuổi trưởng thành thì dệt hoàn thiện lá chiếu rồi in ấn, trang trí hoa văn... Nhưng những năm gần đây, các sản phẩm thủ công không thể cạnh tranh được với các sản phẩm từ máy móc công nghiệp. Nhiều gia đình không còn mặn mà với công việc này nữa vì vừa vất vả mà thù lao chẳng đáng là bao. Trước thực trạng đó, gia đình tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua 6 máy dệt chiếu. So với dệt thủ công thì dệt bằng máy có ưu điểm là nhanh hơn rất nhiều, chất lượng chiếu đồng đều và có thể đáp ứng những hợp đồng mua chiếu thành phẩm với số lượng lớn trong thời gian ngắn. Trung bình một ngày máy có thể dệt được 30 đôi chiếu. Mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán ra thị trường hơn 1.000 tấm chiếu, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 4 lao động”.
Được biết, xã Quảng Trường có gần 10ha trồng cói, sản lượng cói bình quân đạt khoảng gần 700 tấn/năm. Lúc cao điểm toàn xã có khoảng 150 máy dệt chiếu, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động địa phương. Tuy nhiên, đời sống kinh tế phát triển, người dân có điều kiện tiếp cận với nhiều loại nguyên liệu và các dòng sản phẩm khác nhau nên nhu cầu dùng chiếu cói cho sinh hoạt hàng ngày giảm đi đáng kể. Đến nay, toàn xã chỉ còn hơn 60 máy dệt chiếu tập trung ở các thôn Châu Sơn và Trường Thành. Để tạo thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều hộ dân đã chuyển sang làm chiếu chất lượng cao như: chiếu in màu, in hoa, chiếu đặt có giá thành cao hơn.
Để khuyến khích người dân làng nghề dệt chiếu cói truyền thống duy trì phát triển làng nghề, cấp ủy, chính quyền xã Quảng Trường đang chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, kỹ năng phát triển thị trường và giới thiệu sản phẩm qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, tận dụng, cải tạo đất hoang hóa, để trồng cói, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trồng các giống cói chất lượng cao, nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm từ cói.
Bài và ảnh: Lương Khánh
{name} - {time}
-
2025-01-15 16:36:00
BMS Vina tham quan Đà Nẵng và Dentium cùng DANAGO
-
2025-01-15 16:22:00
Khẩn trương thi công tu bổ xung yếu hệ thống đê điều Thanh Hóa
-
2024-05-18 10:25:00
Xã Hoằng Tiến đón nhận quyết định đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu
Bản tin Tài chính 18/5: Giá vàng thế giới tăng mạnh, trong nước ổn định
Đơn vị kinh doanh vàng không có hóa đơn điện tử sẽ bị rút giấy phép
Ngân hàng Nhà nước chính thức thanh tra hoạt động kinh doanh vàng
Vườn bậc thang trên đất sỏi
DDCI: “Chìa khóa” tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cấp cơ sở
Xây dựng chính sách xứng tầm làm “bệ đỡ” cho công nghiệp chế biến, chế tạo
Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ xuân
Nhiều ưu đãi nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Viettel
Bộ Tài chính thực hiện công khai các dự án đầu tư công giải ngân 0% kế hoạch