Vì sao điểm chuẩn đại học năm 2024 tăng mạnh so với năm 2023?
Theo các chuyên gia, điểm chuẩn tăng do điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông cao hơn, số lượng thí sinh tăng trong khi chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm kỳ thi này lại giảm.
Thí sinh kiểm tra thông tin tại điểm thi ở tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
Công bố điểm chuẩn của các trường đại học cho thấy điểm chuẩn năm 2024 tăng mạnh so với năm 2023 ở hầu hết các ngành, trường và lĩnh vực; trong đó có những ngành tăng đến gần 5 điểm.
Theo các chuyên gia, điểm chuẩn tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân cơ bản như điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông tăng và số lượng học sinh đăng ký xét tuyển đại học cũng tăng so với năm 2023 dẫn đến nguồn tuyển dồi dào hơn.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay có hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm mầm non trên hệ thống tuyển sinh chung của bộ, tương đương 68,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi Tốt nghiệp trung học phổ thông, tăng 73.000 em so với năm 2023.
Về điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết phân tích trên dữ liệu điểm các môn thi cho thấy tỷ lệ thí sinh đạt điểm giỏi, tức từ 8 điểm (riêng môn Ngữ văn tính từ 7 điểm do tính đặc thù) ở hầu hết các môn đều tăng so với năm 2023.
Cụ thể, môn Toán, số bài thi đạt điểm 8 trở lên đạt 18,97%, cao hơn gần 4% so với tỷ lệ 15,1% của năm 2023. Tỷ lệ này ở môn Vật lý tăng 7,3% (từ 21,31% lên 28,68%). Môn Hóa học cũng có 26,93% bài thi đạt điểm 8 trở lên và “được mùa” điểm 10, với 1.278 điểm 10, trong khi năm ngoái chỉ có 137 bài đạt điểm 10.
Tỷ lệ điểm giỏi môn Lịch sử tăng 6,6%. Môn Địa lý thậm chí còn có sự đột biến khi tỷ lệ bài thi điểm giỏi chiếm tới 31% trong khi năm 2023 chỉ là 6,6%. Môn Địa lý còn có “cơn mưa” điểm 10 với 3.175 bài thi môn Địa lý đạt điểm tuyệt đối trong trong khi 2023 chỉ có vỏn vẹn 35 bài đạt điểm 10.
Môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên chiếm tỷ lệ 64,57%, cao kỷ lục từ trước tới nay, tăng gần 18,67% so với tỷ lệ tỷ lệ 45,9% của năm 2023.
Môn Giáo dục Công dân vẫn tiếp tục “phát huy” số lượng bài điểm giỏi ở mức “khủng” như các năm qua với tỷ lệ 65,83%, tăng gần 5% so với tỷ lệ 61% của năm 2023.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho hay với phân tích trên, việc điểm chuẩn đại học năm nay sẽ tăng từ 1 đến 3 điểm là điều đã được dự đoán trước ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi.
Niềm vui của các thí sinh khi hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia năm 2024. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Tuy nhiên, theo Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhìn ở góc độ quản lý tổng quan, ngoài hai nguyên nhân trên, việc điểm chuẩn đại học năm nay tăng ở nhiều ngành còn có nguyên nhân quan trọng là các trường đại học dành nhiều chỉ tiêu hơn cho các phương thức xét tuyển sớm, giảm chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, dẫn đến điểm chuẩn theo phương thức này tăng lên.
Đây là xu hướng diễn ra ngày càng mạnh ở nhiều trường trong những năm qua khi trường được tự chủ tuyển sinh. Mới đây nhất, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố năm 2025 trường chỉ dành 15% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. Theo đó, trong vòng 5 năm gần đây, tỷ lệ chỉ tiêu trường dành cho phương thức xét tuyển này đã giảm rất mạnh, từ hơn 70% xuống còn 15%.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hiện các trường có hơn 20 phương thức xét tuyển khác nhau, trong đó phương thức xét theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông chiếm khoảng 65% chỉ tiêu.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, việc xét tuyển từ điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, giúp giảm tốn kém cho xã hội, đặc biệt là giúp học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, không có điều kiện đi lại hay tham gia vào nhiều cuộc thi khác nhưng vẫn có cơ hội xét tuyển đại học. Vì vậy, thời gian tới, bộ sẽ đề nghị các trường tăng chỉ tiêu cho phương thức này.
Đầu tháng Tám vừa qua, tại Hội nghị Giáo dục Đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này khi cho rằng các phương thức tuyển sinh đang quá nhiều, quá phức tạp.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, việc trúng tuyển sớm có thể khiến học sinh lơ là học hành trong giai đoạn cuối năm học lớp 12. Bên cạnh đó, việc chỉ còn ít chỉ tiêu tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông dẫn đến điểm chuẩn cao cũng làm giảm cơ hội của thí sinh, nhất là vào các trường tốp đầu.
Theo đó, tư lệnh ngành giáo dục cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc vấn đề này để đưa vào trong định hướng công tác tuyển sinh đại học của năm sau.
Khẳng định các trường đại học được tự chủ tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định và vì việc này, có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải tăng thêm một số khung, chế tài để điều tiết.”/.
Theo Vietnam+
- 2024-09-19 14:14:00
Ứng phó bão số 4: Các địa phương cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết
- 2024-09-19 09:46:00
Trao 74 giải tập thể, cá nhân tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX năm 2024
- 2024-08-18 10:29:00
Thí sinh trúng tuyển đại học phải xác nhận nhập học trực tuyến trước chiều 27/8
Những trường đại học đầu tiên công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2024
Các trường đại học tại Thanh Hóa công bố điểm chuẩn
Từ 17h chiều nay, các trường đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn nguyện vọng 1
Cảnh báo trang mạng xã hội giả mạo Ocean Edu lừa đảo phụ huynh và học sinh
Sôi động thị trường đồ dùng học tập trước thềm năm học mới: Hàng Việt chiếm ưu thế
Bộ Chính trị chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất
Học sinh lớp 1 tựu trường vào ngày 21/8
Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố đề thi minh họa, quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025
TP Thanh Hóa: Chất lượng giáo dục toàn diện dẫn đầu toàn tỉnh