Về bản Na Mèo
Cách trung tâm huyện Quan Sơn hơn 50km, bản Na Mèo, xã Na Mèo đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình, người dân còn gìn giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Đây là điều kiện quan trọng để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm vùng đất này.
Đến bản Na Mèo du khách được trải nghiệm nét đặc sắc phiên chợ vùng cao.
Na Mèo là bản biên giới tiếp giáp huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Bản có 295 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Thái. Đến nơi đây du khách sẽ được hòa mình vào không gian hoang sơ, thoáng đãng, ngắm nhìn những dãy núi trùng điệp, thảm rừng xanh ngát; nghe tiếng róc rách của những con suối, thưởng thức những món ăn mang đậm văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái. Đặc biệt, đến nơi đây du khách còn được lưu trú trong những nếp nhà sàn truyền thống, khi màn đêm buông xuống được hòa mình vào những bài dân ca, điệu múa do chính những người dân bản Na Mèo biểu diễn.
Nhận thấy bản Na Mèo có nhiều điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua cấp ủy, các tổ chức đoàn thể của bản đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú để phát triển du lịch cộng đồng và tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời chú trọng nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Trong đó, bản Na Mèo khuyến khích duy trì nghề dệt thổ cẩm để làm ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Ông Phạm Văn Thánh - người tiên phong làm du lịch cộng đồng tại bản Na Mèo, cho biết: "Tôi ấp ủ làm du lịch cộng đồng từ nhiều năm trước đây nhưng do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên chưa thể thực hiện được. Cuối năm 2021, được sự quan tâm, khuyến khích của cấp ủy, chính quyền địa phương và anh em trong dòng họ, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 7 phòng khép kín, 2 căn nhà sàn, cải tạo cảnh quan, môi trường để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, trong quá trình làm du lịch cộng đồng gia đình luôn quan tâm tới việc giữ gìn phong tục tập quán, những món ăn truyền thống. Nhờ làm du lịch mà cuộc sống của gia đình được cải thiện, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương".
Đến bản Na Mèo du khách không chỉ được thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây, mà còn được trải nghiệm nét độc đáo của phiên chợ Na Mèo. Chợ được hình thành từ năm 1989. Năm 2004, chợ được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu buôn bán của tiểu thương và người dân địa phương. Từ năm 2014, Cửa khẩu Na Mèo được nâng cấp thành Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, chợ Na Mèo cũng ngày càng sầm uất, hàng hóa phong phú, thu hút nhiều người tham gia buôn bán.
Chợ Na Mèo mỗi tuần chỉ họp một lần nên số lượng người đến mua, bán rất đông, việc mua, bán diễn ra nhanh chóng, người bán, người mua đều cởi mở, thân thiện không có hiện tượng tăng giá. Các mặt hàng buôn bán, trao đổi tại chợ chủ yếu là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân. Trong đó, không thể thiếu các sản phẩm mang đặc trưng của vùng biên giới như nấm ngọc cẩu, dưa Lào, cá suối, rau, củ, quả, mắc khẻn, rêu đá... và các mặt hàng gia dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân.
Anh Phạm Ngọc Thắng ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa - người từng đến bản Na Mèo, cho biết: "Cảnh quan thiên nhiên nơi đây bình yên, thơ mộng, con người thân thiện, hiếu khách. Đến đây, tôi không chỉ được mua các sản vật địa phương tươi ngon, dân dã tại chợ Na Mèo, mà còn được trải nghiệm bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số của 2 nước Việt - Lào. Có điều kiện tôi sẽ trở lại bản Na Mèo".
Chủ tịch UBND xã Na Mèo Lương Văn Huân cho biết: Bản Na Mèo còn gìn giữ bản sắc hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ... Đây là điều kiện quan trọng để thu hút du khách về với bản tham quan, trải nghiệm. Mặc dù nhiều năm qua, xã luôn khuyến khích các hộ dân có điều kiện kinh tế đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ lưu trú, nhưng do nhận thức còn nhiều hạn chế nên bà con chưa mạnh dạn thay đổi tư duy phát triển kinh tế. Thời gian tới, xã sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch, gắn với bảo vệ môi trường; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Vận động các hộ dân tham gia các lớp tập huấn du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm; quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch... góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Bài và ảnh: Xuân Anh
{name} - {time}
-
2024-11-23 14:34:00
Hiệu quả mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự” ở xã Quang Trung
-
2024-11-23 12:38:00
Như Thanh: Đưa nước sinh hoạt về với đồng bào dân tộc thiểu số
-
2024-10-05 16:01:00
Thành lập Nghiệp đoàn Nghề mây tre đan tại thị trấn Lang Chánh
Đừng cố chứng tỏ khả năng tiếng tây
Những người Mông “đi ngược” tìm ấm no nơi biên viễn (Bài 3): Đảng viên tiên phong đưa ruộng về... bản
Chung tay xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
Quan Sơn nỗ lực xây dựng mái ấm cho hộ nghèo
Những người Mông “đi ngược” tìm ấm no nơi biên viễn (Bài 2): Chị Dợ vượt nỗi sợ định kiến
Truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội và trật tự an toàn giao thông
Thị xã Nghi Sơn khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đồi đất tại bản Cha Khót, xã Na Mèo và sụt lún đất, nứt khu dân cư bản Muỗng xã Trung Xuân (Quan Sơn)
BIDV hiện thực hóa ước mơ an cư cho người nghèo huyện Bá Thước