(Baothanhhoa.vn) - Kết thúc giai đoạn cao điểm của mùa du lịch nghỉ dưỡng biển, huyện Hoằng Hóa đón được hơn 1,3 triệu lượt khách (gần đạt mục tiêu 1,35 triệu lượt khách/năm 2018), mang về doanh thu trên 1.200 tỷ đồng và có trên 5.000 phòng lưu trú đã được đưa vào khai thác. Những con số kể trên là một bước phát triển mới so với năm 2017 (đón 1,2 triệu lượt khách) và là kết quả từ sự nỗ lực của chính quyền địa phương trên nhiều phương diện, trong đó có việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Hoằng Hóa tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch

Kết thúc giai đoạn cao điểm của mùa du lịch nghỉ dưỡng biển, huyện Hoằng Hóa đón được hơn 1,3 triệu lượt khách (gần đạt mục tiêu 1,35 triệu lượt khách/năm 2018), mang về doanh thu trên 1.200 tỷ đồng và có trên 5.000 phòng lưu trú đã được đưa vào khai thác. Những con số kể trên là một bước phát triển mới so với năm 2017 (đón 1,2 triệu lượt khách) và là kết quả từ sự nỗ lực của chính quyền địa phương trên nhiều phương diện, trong đó có việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch.

Còn nhiều khó khăn trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường tại Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến.

Để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch từ đầu năm đến nay, giải pháp trước mắt được huyện Hoằng Hóa triển khai là tích cực đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất du lịch trong Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, nhằm bảo đảm các điều kiện tốt nhất để đón và phục vụ du khách. Đồng thời, tổ chức thành công Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2018, tạo được ấn tượng tốt đối với khách du lịch. Song, đây cũng là kết quả từ sự chuẩn bị lâu dài và khá bài bản của địa phương nhằm khai thác tiềm năng và đón đầu lợi thế. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Quyết định số 63-QĐ/HU ngày 1-12-2015, về Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ huyện Hoằng Hóa giai đọan 2016-2020. Đồng thời, tổ chức quán triệt các nội dung chương trình đến các xã, thị trấn, các phòng chuyên môn và các doanh nghiệp trên địa bàn, để tổ chức thực hiện. Cùng với đó, địa phương cũng đã phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 27-4-2015, phê duyệt Quy hoạch vùng ven biển huyện Hoằng Hóa và quy hoạch chung đô thị du lịch Hải Tiến. Đây là căn cứ quan trọng để địa phương thực hiện các bước tiếp theo như hoàn thiện hồ sơ triển khai quy hoạch; tập trung nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư về với Hoằng Hóa.

Tính đến nay, ngoài 6 nhà đầu tư lớn đã và đang triển khai thực hiện các dự án kinh doanh du lịch (gồm Công ty Đầu tư và du lịch Hải Tiến, Công ty EURO, Công ty Phương Trang, Công ty Xứ Đoài - 126, Công ty Ngân Hạnh, Công ty TNHH Thanh Vân); Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến cũng đã có gần 30 nhà đầu tư thứ cấp, đang triển khai xây dựng các công trình nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, sân tennis, đường giao thông, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống kè biển chống xói mòn... với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Cùng với đó, hàng năm, ngân sách huyện đã dành một phần kinh phí đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch như đường giao thông, điện, cấp thoát nước, xử lý rác thải và tổ chức các hoạt động du lịch. Trong quá trình triển khai các dự án, các phòng, ban chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm về trật tự xây dựng; giám sát việc quản lý và thực hiện quy hoạch; giám sát tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư và đề nghị thu hồi đất theo luật định đối với các chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về lộ trình thực hiện dự án.

Những năm qua, nhờ tranh thủ được các nguồn lực từ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan đến phát triển du lịch, huyện Hoằng Hóa đã từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật du lịch trên địa bàn, mà tập trung là Hải Tiến. Ngoài ra, với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng, địa phương đã tiến hành trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, như: Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường, đền thờ Tô Hiến Thành (xã Hoằng Tiến), chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh), đền thờ Triệu Việt Vương (xã Hoằng Trung)... Chú trọng khôi phục và duy trì nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc như hát chèo, múa trống hội cung đình, múa chèo chải, nấu cơm thi, chạy thẻ, múa sanh ngô, múa đội đèn; tổ chức các lễ hội cầu ngư Hoằng Trường, lễ kỳ phúc đền thờ Tô Hiến Thành, lễ hội Đồng Cổ... từ đó góp phần làm đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển.

Hiện, nhân lực phục vụ tại các công ty, doanh nghiệp trong Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến là khoảng 3.000 nhân viên, chủ yếu là con em địa phương. Trong đó, 40% đã qua đào tạo từ cao đẳng trở lên, 35% đã được đào tạo nghiệp vụ các lớp ngắn hạn từ 3 – 6 tháng. Nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, địa phương thường xuyên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng, cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân tham gia các hoạt động dịch vụ, kinh doanh tại Hải Tiến. Đồng thời tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ chuyên môn cho 50 người làm công tác thuyết minh, hướng dẫn phục vụ tại các khu du lịch và tour du lịch trọng điểm. Để công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; huyện cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh; cũng như phối hợp với Trung tâm xúc tiến du lịch – thương mại tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến, giới thiệu hình ảnh, con người du lịch Hoằng Hóa đến với bạn bè trong ngoài tỉnh. Ngoài ra, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... cũng được địa phương quan tâm thực hiện, hướng đến bảo đảm an toàn cho khách du lịch khi về với Hải Tiến mỗi mùa du lịch.

Thành quả sau một mùa du lịch là tổng hòa của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, song, thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động du lịch nói chung, công tác quản lý Nhà nước về du lịch nói riêng, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa vẫn đang cho thấy nhiều bất cập. Trong đó, tính mùa vụ của du lịch biển là rất rõ, trong khi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng còn đơn điệu và thiếu các dịch vụ bổ trợ, nhằm giữ chân du khách lưu trú lâu hơn. Nguồn nhân lực mặc dù được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, song chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, văn hóa ứng xử giao tiếp... chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch hiện nay. Công tác quản lý các hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ, nhất là quản lý giá cả hàng hóa, dịch vụ trong đợt cao điểm; quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng còn nhiều bất cập. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa đồng bộ; vệ sinh môi trường, nhất là xử lý rác thải, nước thải còn hạn chế... Đây cũng là những vấn đề đặt ra đối với chính quyền huyện Hoằng Hóa, nếu không muốn những hạn chế, khó khăn ấy cản trở sự phát triển của du lịch địa phương những năm tới.


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]