Di sản văn hóa (DSVH) Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của DSVH nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Di sản văn hóa (DSVH) Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của DSVH nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Nhân Ngày DSVH Việt Nam (23-11), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam xung quanh vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

PGS, TS Đỗ Văn Trụ.

Phóng viên (PV): DSVH được xác định là một trong những nguồn lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Biểu hiện cụ thể của nội dung này là gì, thưa ông?

PGS, TS Đỗ Văn Trụ: DSVH bao gồm di sản vật thể, di sản phi vật thể, di sản ký ức, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được hình thành, xây dựng và vun đắp từ thế hệ này qua thế hệ khác, là sự kết nối liên tục giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Không có đất nước nào xây dựng nền văn hóa mà lại không cần đến lịch sử. Giá trị của DSVH được tích tụ từ truyền thống mang đến sức mạnh về tinh thần, trở thành những tinh hoa để phát triển nền văn hóa mới, xã hội mới phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh đó, DSVH là nguồn lực quảng bá đất nước và con người Việt Nam ra quốc tế. Bạn bè quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều không phải chủ yếu để chiêm ngưỡng những công trình hiện đại, mà muốn đến để nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa Việt Nam, DSVH Việt Nam. Họ muốn đi tìm câu trả lời rằng, tại sao một Việt Nam đất không rộng, người không đông, nhưng vẫn đứng vững trước nhiều cuộc xâm lược, vẫn bảo vệ được bản sắc văn hóa?

DSVH là tài nguyên của du lịch. Trên thực tế, Vịnh Hạ Long, di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội... nhờ có DSVH đã thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19), riêng 8 DSVH và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón hơn 21 triệu lượt khách, trong đó có gần 11 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu từ bán vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

PV: Trong xã hội đương đại, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH ở nước ta có những thuận lợi và khó khăn gì?

PGS, TS Đỗ Văn Trụ: Đảng và Nhà nước luôn coi trọng, quan tâm đến DSVH, xác định DSVH là bản sắc của văn hóa dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, là một nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Bởi vậy, bảo tồn DSVH là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn xã hội. Ngay từ Sắc lệnh số 65/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23-11-1945 đã khẳng định: “Việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Sau này, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách và có nhiều biện pháp cụ thể để bảo tồn DSVH. Vì vậỵ, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH đạt được nhiều thành tựu.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Du khách quốc tế tham quan tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: HOA LƯ.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà chúng ta đã, đang và sẽ gặp phải là việc giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn DSVH và phát triển kinh tế-xã hội. Thực trạng xâm hại di sản, “trẻ hóa” di tích... đang đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp ủy, chính quyền trong việc bảo vệ DSVH. Dù chúng ta đã có luật pháp ngày càng tiến bộ, tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, song một số vấn đề liên quan đến DSVH vẫn chưa được giải quyết. Việc đấu giá cổ vật thế nào, đưa cổ vật về nước ra sao vẫn còn vướng mắc. Quy định về hoạt động của sưu tập tư nhân, bảo tàng ngoài công lập, chế độ bảo vệ các bảo vật quốc gia... vẫn chưa thống nhất. Hiện nay, luật pháp Việt Nam mới chỉ quy định về DSVH vật thể và phi vật thể, còn mảng rất lớn là di sản ký ức thì chưa được đề cập tới. Luật DSVH hiện nay vẫn còn những vấn đề chưa cập nhật, chưa phù hợp với thực tế bảo vệ, bảo tồn DSVH. Sự chuyển biến, quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương về DSVH còn nhiều hạn chế. Thế nên mới có chuyện, việc xâm phạm di tích xảy ra ở địa phương mình nhưng chính quyền coi như không biết. Ý thức chấp hành pháp luật về DSVH trong cộng đồng còn nhiều hạn chế, dẫn đến hậu quả, ngay tại Thủ đô Hà Nội vẫn xảy ra trường hợp xâm phạm, lấn chiếm di tích, mất cắp cổ vật hay “trẻ hóa” di tích...

Ngoài ra, chế độ đãi ngộ đối với những người tâm huyết bảo tồn và truyền dạy lĩnh vực DSVH phi vật thể còn nhiều bất cập. Chúng ta phải coi những nghệ nhân là “báu vật sống” để khai thác được kinh nghiệm của họ.

PV: Những năm qua, Hội DSVH Việt Nam đã tư vấn những vấn đề gì cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để góp phần "đánh thức" tiềm năng, khai thác và nâng tầm giá trị DSVH?

PGS, TS Đỗ Văn Trụ: Trách nhiệm của Hội DSVH Việt Nam trong những năm qua là tập hợp các công dân Việt Nam yêu mến DSVH; tham gia tư vấn, phản biện nhiều vấn đề về DSVH; góp ý, xây dựng những vấn đề liên quan đến kiểm kê di tích, DSVH phi vật thể. Ví dụ, Hội DSVH Việt Nam đã tham gia góp ý "Nghi thức chém lợn của Ném Thượng" để không còn phản cảm như trước nhưng vẫn giữ được nét văn hóa; góp ý giải quyết hiện tượng xây dựng không phép trên núi đá tại Tràng An, Mã Pí Lèng... Gần nhất, Hội DSVH Việt Nam tham gia Hội thảo góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật DSVH (sửa đổi), với những nội dung quan trọng, như: Bãi bỏ quy định cho phép mua bán, trao đổi, tặng cho và thừa kế ở nước ngoài đối với di vật, cổ vật không thuộc sở hữu Nhà nước; sự tham gia của các tổ chức xã hội với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể...

PV: Theo ông, các địa phương cần chú trọng những vấn đề gì để thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa nói riêng?

PGS, TS Đỗ Văn Trụ: Tôi cho rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có những chương trình, kế hoạch cụ thể để bảo vệ, phát huy giá trị DSVH, gắn với phát triển kinh tế-xã hội, du lịch tại mỗi địa phương; cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt chứ không ra nghị quyết cho hay. Kinh nghiệm cho thấy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quan tâm đến DSVH thì địa phương đó làm rất tốt. Điều quan trọng là chúng ta phải quan tâm đến việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị DSVH trong cộng đồng dưới nhiều hình thức. Phải có hình thức động viên các tổ chức xã hội, cá nhân đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của để bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Chúng ta đã có những trường hợp di tích quốc gia được xã hội hóa đầu tư gần 100% trong quá trình tu bổ, tôn tạo, bảo vệ, vì thế cần có chính sách khen thưởng hợp lý để huy động trí tuệ, công sức, tiền bạc trong xã hội tham gia công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH.

Điều tôi trăn trở nhất hiện nay là đạo đức xã hội đang bị xuống cấp, những truyền thống tốt đẹp của cha ông được đúc kết qua ngàn đời đang dần bị mai một. Xã hội văn minh là phát triển kinh tế nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa, phải “người yêu người, sống để yêu nhau”, thì mới là yếu tố tiên quyết để bảo vệ, phát huy giá trị DSVH-những tài sản quý báu của dân tộc ta.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo QĐND


Theo Báo QĐND

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]