(Baothanhhoa.vn) - Đã từng được nghe đến di tích khảo cổ học Mái Đá Điều - nơi người Mường, người Thái ở thôn Khiêng, xã Hạ Trung, huyện Bá Thước xem như một biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, với những câu chuyện linh thiêng, kỳ bí nên trong chuyến công tác đến xã Hạ Trung lần này, chúng tôi nhờ anh Trương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Trung dẫn đến di tích này.

Bảo tồn di tích khảo cổ học Mái Đá Điều - cần “cú hích” đủ lực

Đã từng được nghe đến di tích khảo cổ học Mái Đá Điều - nơi người Mường, người Thái ở thôn Khiêng, xã Hạ Trung, huyện Bá Thước xem như một biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, với những câu chuyện linh thiêng, kỳ bí nên trong chuyến công tác đến xã Hạ Trung lần này, chúng tôi nhờ anh Trương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Trung dẫn đến di tích này.

Bảo tồn di tích khảo cổ học Mái Đá Điều - cần “cú hích” đủ lựcKhu vực các nhà khảo cổ học đào tìm hiện vật đang dần bị đất lấp đầy.

Di tích khảo cổ học Mái Đá Điều nằm ngay cạnh đường tỉnh 523D qua địa bàn thôn Khiêng, được tỉnh và huyện đầu tư xây dựng tường bao quanh, cửa sắt ra vào di tích được khóa rất cẩn thận, tránh việc người và súc vật vào làm biến dạng, phá vỡ cảnh quan môi trường khu di tích. Anh Trương Văn Hải cho biết: Di tích khảo cổ học này gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của xã Hạ Trung cách đây khoảng 3.000 năm. Khuôn viên khu di tích được UBND xã quy hoạch 4.500m2. Năm 2005, UBND tỉnh đã công nhận nơi đây là Di tích khảo cổ học cấp tỉnh.

Chỉ tay về phía chiếc hố sát chân núi, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Đây là chiếc hố mà các nhà khảo cổ học khai quật hiện vật. Trước đây nó sâu lắm nhưng nay đất bồi lấp gần hết rồi. Năm 1984, các nhà khảo cổ học bắt đầu thám sát khu vực Mái Đá Điều, chỉ trong 4m2 hố thám sát đã thu được hơn 300 hiện vật thuộc thời đại đồ đá cũ. Trong các năm 1986 - 1989 - 2014, do tầm quan trọng của di tích này, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã hợp tác với các nhà khảo cổ học Bulgaria tiến hành khai quật 4 lần. Kết quả thu được hàng nghìn hiện vật đá gồm công cụ kiểu văn hóa Sơn Vi, bàn nghiền... và nhiều nhất là mảnh tước, với bốn công cụ bằng xương thú. Ðặc biệt, tại đây đã tìm thấy 10 ngôi mộ cổ, trong đó có một ngôi mộ song táng, có hai bộ xương chớm hóa thạch còn tương đối nguyên vẹn mà chưa nơi nào ở Việt Nam phát hiện được di cốt nguyên vẹn như thế trong văn hóa Sơn Vi.

Còn ụ đất to kia là tổ mối. Trước kia nó cao lên chạm đến vách núi nhưng do mưa, bão nó bị trôi, sạt một phần. Có điều, nó không bao giờ mất đi mà nó cứ tự đẩy đất lên thành ụ to như thế. Theo các cụ cao niên trong làng, tổ mối có từ rất lâu rồi, nghe truyền lại là từ khi thành lập bản làng, vì thế người dân xem đây là biểu tượng tâm linh giữa con người và vạn vật, thể hiện sức mạnh cộng đồng giữa chốn rừng sâu. Ngay cả các đoàn khảo cổ học nước ngoài khi khai quật di tích Mái Đá Điều cũng tránh đụng chạm đến tổ mối. Với niềm tin tâm linh ấy, người dân đã lập miếu thờ tổ mối ngay cạnh Mái Đá Điều. Hằng năm, vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch, xã tổ chức lễ hội Mái Đá Điều, nhằm ghi nhớ lịch sử cha ông cách đây hàng vạn năm đã sinh cư, lập nghiệp, tạo dựng lên cuộc sống cho người Mường Ai và đây là nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Mường Ai.

Còn cái hốc nhỏ bên kia là đường vào hang bên trong Mái Đá Điều. Trong hang có những thạch nhũ rất đẹp, nhưng do đường vào hang hẹp, tối nên cũng ít người vào tham quan... Điều đáng nói ở đây là từ sau khi xếp hạng di tích đến nay, trải qua 17 năm, việc phát huy di tích chưa thực sự được quan tâm và đầu tư nên rất nhiều người chưa biết đến giá trị giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, ngoại trừ các nhà chuyên môn, nghiên cứu về khảo cổ, lịch sử, sinh vật... Vì vậy, xã đang đề nghị với các cấp có thẩm quyền công nhận Di tích khảo cổ học Mái Đá Điều là Di tích khảo cổ học cấp quốc gia; xã cũng rất mong được sự hỗ trợ về kinh phí của các tổ chức, doanh nghiệp để xã đầu tư trùng tu, tôn tạo, xây dựng một số hạng mục, như: nhà đón tiếp, nhà trưng bày, hố khai quật, nhà lưu niệm, khu vệ sinh, nhà bảo vệ, chòi nghỉ, hệ thống cấp thoát nước, điện, sân, vườn... với mục đích xây dựng khu di tích trở thành khu du lịch tâm linh, thu hút khách quốc tế và khách nội địa đến tham quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. "Nếu được các cấp có thẩm quyền quan tâm đề xuất, phê duyệt và hỗ trợ nguồn vốn đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích thì hơn 3.000 người dân ở xã Hạ Trung sẽ được hưởng lợi từ đây...” - anh Trương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Trung, nói.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Bá Thước có 55 di tích, trong đó có 9 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 9 di tích được lập quy hoạch. Có 2 di tích đã được bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp, nhưng để phát huy được giá trị hệ thống di tích thì huyện cần có một “cú hích” đủ lực cả về chính sách và nguồn lực tài chính cho việc bảo tồn. Bởi, theo đánh giá của UBND huyện Bá Thước hiện tại các di tích trên địa bàn huyện đều trong tình trạng xuống cấp hoặc bị lấn chiếm đất; kinh phí đầu tư tôn tạo di tích ít, dàn trải; nhiều di tích sau khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, không thể huy động đủ nguồn kinh phí khác như cam kết nên để tình trạng kéo dài nhiều năm không tu bổ được, dẫn đến di tích tiếp tục xuống cấp. Nhiều địa phương còn trông chờ, ỷ lại vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, thiếu sự chủ động, linh hoạt trong việc huy động nguồn xã hội hóa để đầu tư, tôn tạo chống xuống cấp di tích. Việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn và phát huy các giá trị di tích chưa được tiến hành thường xuyên và sâu rộng. Nguyên nhân quan trọng hơn cả là chiến lược đầu tư cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa chưa thỏa đáng.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]