(Baothanhhoa.vn) - ... Máu đào đã đổ cho non sông liền một dải. Tổ quốc hôm nay rạng rỡ những mùa xuân, là nhờ những người nằm lại phía sau chiến thắng. Tri ân không chỉ là bổn phận, mà là mạch nguồn đạo lý của dân tộc Việt Nam... Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử, nhưng trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là ở mảnh đất Thanh Hóa Anh hùng, ký ức về những người con đã ngã xuống cho độc lập dân tộc vẫn vẹn nguyên, sống động như mới hôm qua.

“Uống nước nhớ nguồn” - dòng chảy bất tận của nghĩa tình

... Máu đào đã đổ cho non sông liền một dải. Tổ quốc hôm nay rạng rỡ những mùa xuân, là nhờ những người nằm lại phía sau chiến thắng. Tri ân không chỉ là bổn phận, mà là mạch nguồn đạo lý của dân tộc Việt Nam... Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử, nhưng trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là ở mảnh đất Thanh Hóa Anh hùng, ký ức về những người con đã ngã xuống cho độc lập dân tộc vẫn vẹn nguyên, sống động như mới hôm qua.

“Uống nước nhớ nguồn” - dòng chảy bất tận của nghĩa tình

Thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Sầm Sơn.

Ký ức hào hùng, đạo lý không quên

Thanh Hóa - vùng đất địa linh nhân kiệt nơi đã tiễn hàng vạn người con ra đi vì độc lập, thống nhất. Với hơn 55.000 liệt sĩ, gần 44.000 thương binh, hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nơi đây không chỉ là địa chỉ đỏ trên bản đồ lịch sử mà còn là điểm tựa tinh thần cho bao thế hệ. Mỗi đài tưởng niệm, mỗi nghĩa trang liệt sĩ không chỉ là nơi lưu giữ tên tuổi những người đã khuất, mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần “sống vì mọi người, chết vì Tổ quốc”. Những ngày lễ lớn, đặc biệt là 27/7 hay dịp 30/4, hàng ngàn bước chân lặng lẽ tìm về những mộ phần, thắp lên nén hương - thắp cho người đã khuất, nhưng cũng là thắp cho chính mình một ngọn lửa nhớ ơn.

Cựu chiến binh Lê Mai Khoa (79 tuổi), ở phường Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) người từng vào sinh ra tử trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nghẹn ngào: “Các anh hy sinh tuổi hai mươi để chúng tôi sống đến hôm nay. Không ai được phép lãng quên điều đó.” Câu nói chân thành, mộc mạc nhưng đã chạm đến trái tim mỗi người. Không dừng ở cảm xúc, những hành động tri ân như chương trình “Bữa cơm tri ân - Ấm áp nghĩa tình” do Tỉnh đoàn Thanh Hóa phát động đã thắp lên tình thân giữa các thế hệ. Khi những đoàn viên tự tay đi chợ, nấu ăn, ngồi bên mâm cơm cùng Mẹ Việt Nam Anh hùng, cựu thanh niên xung phong... cũng là lúc tình yêu quê hương, trách nhiệm công dân và lòng biết ơn thấm vào từng lời ăn tiếng nói.

Có những giá trị không cần phải hô vang mà vẫn lan truyền mãnh liệt, sự biết ơn nếu được vun đắp bằng hành động nhỏ sẽ trở thành dòng chảy bền bỉ của lòng người. Và cũng bởi thế, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” chưa bao giờ là một khẩu hiệu khô cứng, mà luôn hiện diện trong nhịp sống thường nhật, trong lời kể của mẹ, bài giảng của thầy, ánh mắt xúc động của những người trẻ lần đầu đến nghĩa trang liệt sĩ. Em Phạm Ngọc Trâm, học sinh lớp 7, Trường THCS Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) nói trong xúc động: “Lần đầu được thắp nến tri ân, em thấy mình phải sống tốt hơn, không phụ lòng người đã ngã xuống”.

Thực tế cho thấy, chính những buổi thắp nến ấy đã gieo vào lòng thế hệ trẻ những xúc cảm thiêng liêng và niềm tự hào sâu sắc. Họ không chỉ tưởng nhớ người đã khuất, mà còn tự soi rọi vào chính mình, vào lối sống và lý tưởng mà mình đang theo đuổi. Giữa màn đêm nghĩa trang, ánh nến bập bùng không chỉ thắp sáng bia mộ, mà còn thắp sáng lòng biết ơn trong trái tim tuổi trẻ. Ở nhiều trường học, thầy cô giáo đã đưa việc tri ân liệt sĩ, kể chuyện lịch sử vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, các giờ giảng văn, giảng sử. Những câu chuyện về người lính cầm súng giữ biên cương, người thanh niên xung phong ngã xuống giữa bom đạn được kể bằng giọng nói nghẹn ngào và ánh mắt đầy xúc cảm. Đó là cách giáo dục bằng tâm hồn - thứ không thể thay thế bằng bất cứ trang sách nào.

Tri ân bằng hành động - thắp sáng đạo lý

Tri ân không chỉ bằng những giọt nước mắt hoài niệm, mà bằng cả những chính sách thiết thực, nhân văn. Giai đoạn 2021-2024, tỉnh Thanh Hóa đã chi hơn 5.300 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công và thân nhân. Những con số ấy không đơn thuần là ngân sách, mà là biểu hiện cụ thể của tình nghĩa, của sự tiếp nối trách nhiệm giữa các thế hệ. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo. Từng suất học bổng cho con liệt sĩ, từng viên gạch xây nhà tình nghĩa, từng đợt điều dưỡng sức khỏe cho hàng vạn người có công - tất cả là những “hành động biết ơn” được viết nên bằng tình người.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ hiện diện ở thành phố, thị xã mà còn lan tỏa tới những huyện miền núi xa xôi như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát - nơi điều kiện kinh tế còn nhiều thiếu thốn. Nhưng càng trong gian khó, nghĩa tình lại càng sáng rõ. Đó là khi cộng đồng cùng chung tay giúp các gia đình chính sách xây nhà, khám chữa bệnh, hỗ trợ sản xuất. Đó là lúc đạo lý dân tộc được khẳng định không bằng lời nói, mà bằng hành động sẻ chia chân thành.

Đặc biệt, công tác quy tập và xác minh hài cốt liệt sĩ cũng được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Trong ba năm qua, Thanh Hóa đã quy tập được 72 hài cốt, trong đó có 47 liệt sĩ hy sinh tại Lào; xác minh danh tính cho 241 trường hợp bằng phương pháp thực chứng. Mỗi hài cốt được đưa về, mỗi dòng chữ được khắc đúng trên bia mộ - là sự tri ân, nhắc nhớ chúng ta mãi mãi không quên sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tinh thần tri ân ấy cũng được thắp sáng trong từng hoạt động ở trường học, từng câu chuyện kể lại từ các cựu chiến binh, các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Không chỉ là bài học lịch sử, đó còn là cách giáo dục con người bằng cảm xúc, bằng ký ức chân thực, để thế hệ hôm nay hiểu rằng: Để có được hòa bình, đã có quá nhiều mất mát. Ông Trương Văn Viễn ở xã Hà Thanh (Hà Trung) - đại diện Ban liên lạc cựu chiến binh - Đại đội Trinh sát K21, E10, F4 - QK9 xúc động chia sẻ: “Chúng tôi đi qua chiến tranh để thấy hòa bình quý đến chừng nào. Thế hệ trẻ hôm nay hãy sống để xứng đáng với điều đó”.

50 năm sau ngày đất nước thu về một mối, tinh thần của ngày đại thắng vẫn nguyên vẹn trong lòng dân. Mỗi hành động hôm nay, từ lời thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng đến ngọn nến nhỏ giữa nghĩa trang đều là biểu hiện sinh động của lòng biết ơn. Tôn vinh người có công, tri ân liệt sĩ không chỉ là việc “đáp nghĩa”, mà còn là cách giữ gìn những giá trị đẹp đẽ nhất của dân tộc Việt Nam. Với Thanh Hóa, mảnh đất nghĩa tình, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đang được gìn giữ như một ngọn lửa không bao giờ tắt. Từ chính sách Nhà nước đến hành động cộng đồng, từ sự sẻ chia vật chất đến chăm chút tinh thần, tất cả đang cùng nhau thắp sáng niềm tin, rằng quá khứ không bị lãng quên, và tương lai sẽ luôn được viết tiếp bằng lòng biết ơn và trách nhiệm.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]