(Baothanhhoa.vn) - Với lợi thế rừng tự nhiên phong phú, rừng trồng ngày càng mở rộng, tỉnh ta đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng, bảo vệ tài nguyên và tạo ra các chuỗi giá trị kinh tế hiệu quả.

Ứng dụng KH&CN trong sản xuất lâm nghiệp

Với lợi thế rừng tự nhiên phong phú, rừng trồng ngày càng mở rộng, tỉnh ta đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng, bảo vệ tài nguyên và tạo ra các chuỗi giá trị kinh tế hiệu quả.

Ứng dụng KH&CN trong sản xuất lâm nghiệp

Chuẩn bị giống cây chất lượng cho mùa trồng rừng mới.

Những năm gần đây, tỉnh ta đã tập trung triển khai các mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng cây keo lai mô và các loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao. Việc áp dụng đồng bộ khoa học - kỹ thuật như công nghệ nuôi cấy mô, tuyển chọn cây trội, nhân giống vô tính, sử dụng giống cao sản... đã tạo ra bước chuyển lớn trong chất lượng rừng trồng. Việc ứng dụng công nghệ viễn thám đã tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng quản lý rừng hiệu quả hơn. Từ cuối năm 2021, dựa trên nền tảng GGE, Thanh Hóa đã sử dụng ảnh vệ tinh Sentinel và Landsat để giải đoán, theo dõi và xác định các biến động rừng. Đây là bước tiến quan trọng trong số hóa công tác quản lý, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Cùng với đó, các ứng dụng mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm nhận dạng nhanh các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm đã được triển khai, góp phần hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ công tác điều tra rừng hiệu quả hơn. Nhiều cơ sở sản xuất giống đã ứng dụng công nghệ sinh học, tự động hóa nhằm nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp, giảm chi phí, rút ngắn chu kỳ sản xuất.

Kết quả, trong 3 năm gần đây, tỉnh đã xây dựng được 15 nguồn giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, tuyển chọn được 5.000 cây trội thuộc 12 loài. Đặc biệt, có tới 90% diện tích rừng trồng được sử dụng giống năng suất, chất lượng cao. Cơ giới hóa trong làm đất, chăm sóc và thu hoạch cũng đạt kết quả tích cực, với 70% diện tích được thu hoạch cơ giới, 50% diện tích được chăm sóc bằng máy móc hiện đại. Song song đó, toàn tỉnh đã trồng mới và trồng lại sau khai thác được khoảng 5.200ha rừng tập trung bằng cây nuôi cấy mô; hình thành 7 chuỗi liên kết giữa chủ rừng (hộ gia đình, nhóm hộ) với các doanh nghiệp chế biến gỗ, nhà máy chế biến sâu; có 36.418 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC tại 8 huyện (Thạch Thành, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy và Như Thanh) với sự tham gia của hơn 5.000 hộ, nhóm hộ. Các chuỗi liên kết không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định, mà còn mở ra hướng phát triển bền vững. Ngoài ra, các đề tài nghiên cứu KH&CN được tỉnh hỗ trợ triển khai mạnh mẽ, như trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gắn với bảo tồn nguồn gen cây quý hiếm và phát triển du lịch sinh thái. Việc khảo nghiệm và trồng thử nghiệm các loại cây có giá trị kinh tế cao được chú trọng, gắn với nhu cầu của công nghiệp chế biến lâm sản.

Với tầm nhìn chiến lược và định hướng phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, các ngành chức năng đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao giá trị kinh tế rừng, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển lâm nghiệp và ứng dụng KH&CN hiện đại. Theo kế hoạch đặt ra, đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu nâng tổng diện tích rừng trồng sản xuất toàn tỉnh lên 125.000ha, trong đó rừng gỗ lớn chiếm 56.000ha. Đặc biệt, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng giống cây trồng, với mục tiêu có ít nhất 90% diện tích rừng được trồng bằng giống đã được công nhận, góp phần gia tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Năng suất rừng thâm canh đặt mục tiêu đạt 20m3/ha/năm, trong khi rừng trồng công nghệ cao sẽ được phát triển trên quy mô 13.000ha, đạt giá trị sản xuất từ 100 đến 200 triệu đồng/ha/chu kỳ sản xuất. Hướng tới năm 2030, tỉnh tiếp tục mở rộng quy mô rừng trồng công nghệ cao lên 32.500ha, nâng giá trị sản xuất đạt mức 120 đến 250 triệu đồng/ha/chu kỳ; mở rộng lên 19 chuỗi rừng gỗ lớn với tổng diện tích 32.000ha, cung ứng sản lượng khoảng 500.000m3 gỗ mỗi năm, tạo động lực thúc đẩy ngành lâm nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Có thể nói, những mục tiêu và giải pháp đề ra không chỉ thể hiện tầm nhìn dài hạn, mà còn cho thấy sự đúng đắn trong cách tiếp cận phát triển lâm nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, hình thành các chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ từ trồng đến tiêu thụ đã và đang tạo nền tảng vững chắc để ngành lâm nghiệp chuyển mình mạnh mẽ. Đây chính là hướng đi phù hợp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh.

Để tháo gỡ những rào cản trong phát triển lâm nghiệp bền vững, thời gian tới, các ngành chức năng và địa phương cần tập trung tăng cường đầu tư vào hạ tầng chế biến gỗ hiện đại, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng thiết bị tự động hóa, công nghệ sấy và xử lý chống mối mọt nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ trồng rừng thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến lâm thiết thực, hiệu quả. Việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật cần được thực hiện đồng bộ, gắn với xây dựng các mô hình trình diễn ngay tại cơ sở để tăng tính thực tiễn và khả năng nhân rộng. Đồng thời, mở rộng cấp chứng chỉ rừng bền vững như FSC, PEFC sẽ góp phần nâng cao giá trị rừng trồng và mở rộng thị trường xuất khẩu. Một nhiệm vụ quan trọng khác là triển khai số hóa công tác quản lý rừng, tích hợp hệ thống thiết bị giám sát từ xa và cảnh báo sớm cháy rừng, qua đó từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng hiện đại, bền vững.

Việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất lâm nghiệp không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, hiệu quả. Với những định hướng rõ ràng, những giải pháp quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, tỉnh Thanh Hóa đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu nâng cao giá trị rừng trồng, phát triển chuỗi giá trị lâm sản, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và ổn định sinh kế lâu dài cho người dân.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]