(Baothanhhoa.vn) - Mô hình kinh tế V-A-C (vườn - ao - chuồng) được coi là những khu sản xuất tổng hợp phát huy được giá trị đất vườn, đất đồi rừng. Tuy nhiên, những mô hình có phần sơ khai, mang tính chất quảng canh ấy đã được “nâng tầm” bởi những vườn hộ, vườn mẫu mà Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM đang khuyến khích.

Từ V-A-C đến vườn hộ, vườn mẫu

Mô hình kinh tế V-A-C (vườn - ao - chuồng) được coi là những khu sản xuất tổng hợp phát huy được giá trị đất vườn, đất đồi rừng. Tuy nhiên, những mô hình có phần sơ khai, mang tính chất quảng canh ấy đã được “nâng tầm” bởi những vườn hộ, vườn mẫu mà Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM đang khuyến khích.

Từ V-A-C đến vườn hộ, vườn mẫuVườn mẫu gia đình ông Mai Văn Hào, xã Nga Thành (Nga Sơn) trồng dược liệu và phát triển nhà lưới sản xuất dưa vàng.

Mô hình V-A-C được phát động và khuyến khích từ những năm 90 của thế kỷ trước, rồi duy trì đến những năm gần đây. Xét trong hoàn cảnh lịch sử, đó là bước tiến trong sản xuất kinh tế vườn bởi từ nhiều đời trước, rồi đến thời gian bao cấp gian khó, những vườn nhà rộng lớn nhưng đa phần rậm rạp, nhiều cây tạp. Trong ký ức của nhiều người, hình ảnh những cây gạo và nhiều loài cây cổ thụ ngay trong vườn vẫn được duy trì để lấy lá ủ phân mỗi năm. Những cây sung, cây ăn quả cao lớn ngay trong vườn mà không được cắt tỉa, che rợp bóng cả một khu đất rộng lớn. Những cây khác được trồng xen ghép dưới bóng rợp, cũng không mang lại năng suất đáng kể.

Từ đó mà V-A-C được khuyến khích - là bước tiến trong cải tạo vườn tạp để hình thành các mô hình phát triển kinh tế hộ, giải quyết cái đói và thu nhập cho Nhân dân vùng nông thôn. Ở đó, “V” để sản xuất trồng trọt, “A” để nuôi trồng thủy sản và “C” là để phát triển chăn nuôi ngay trong vườn nhà. Đây cũng được coi là hệ thống sản xuất có tính tuần hoàn, khép kín, bởi nguồn phân trong chăn nuôi được tận dụng làm phân bón cho cây trồng, làm thức ăn cho cá. Nguồn nước từ ao và bùn đất nạo vét ao để tưới và bón cho cây trồng. Phụ phẩm từ trồng trọt như các loại rau củ được sử dùng làm thức ăn chăn nuôi. Một thời gian dài, mô hình này phát huy tác dụng trong xóa đói giảm nghèo, sau còn có nhiều “biến thể” như: V-A-C-R (vườn - ao - chuồng - rừng), V-A-H (vườn - ao - hồ), V-A-C-B (vườn - ao - chuồng - bi ô ga)...

Tuy nhiên, với sự đổi thay của thực tiễn, nhiều mô hình V-A-C đã không còn thích hợp. Đầu tiên là việc phát triển chăn nuôi trong vườn nhà gây ô nhiễm trong cộng đồng dân cư, cuộc sống mới cần phải thay đổi. Các mô hình vẫn mang tính tự cấp tự túc, cần phải chuyên canh hóa để có sản phẩm đầu ra gắn với thị trường bền vững. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, rồi xây dựng các nhà lưới sản xuất nông nghệp theo hướng công nghệ cao ngày càng trở nên cần thiết, ngay cả trong vườn nhà...

Khắc phục những tồn tại ấy, tiêu chí “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” của Chương trình XDNTM đã quy định các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu phải có ít nhất 30% số vườn nhà được xây dựng thành vườn hộ, vườn mẫu, trong đó vườn mẫu phải có diện tích từ 500m2 trở lên và cải tạo vườn tạp để hình thành các “vườn hộ” nhằm phát huy quỹ đất vườn trong phát triển kinh tế. Riêng các vườn mẫu phải có ứng dụng khoa học - kỹ thuật, có thiết kế, quy hoạch, có sản phẩm được tiêu thụ ổn định... Trong quá trình triển khai tại Thanh Hóa, nhiều xã đã phát triển vượt chỉ tiêu với hàng chục vườn mẫu. Ở khắp nơi, những vườn tạp được cải tạo thành những nhà lưới trồng dưa vàng, trồng hoa công nghệ cao, chuyên canh dược liệu... với thu nhập có khi lên tới cả tỷ đồng/ha/năm.

Điển hình như tại huyện Nga Sơn, các xã Nga Thành, Nga Tân, Nga Phượng... đều hình thành được từ 10 đến 20 vườn mẫu, hàng chục vườn hộ. Ở tuổi 68, nhưng ông Mai Văn Hào ở thôn Hồ Đông, xã Nga Thành đã đồng hành cùng chính quyền trong XDNTM, biến vườn nhà thành khu trồng dược liệu, các loại cây ăn quả tầm thấp như na, thanh long, bưởi đường... Đáng nói nhất là khu nhà lưới trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu 1.200m2 ngay sau nhà đem lại lợi nhuận khoảng 220 triệu đồng mỗi năm, nâng tổng thu nhập của khu vườn mẫu đạt 550 triệu đồng/năm.

Tại thôn Chính Đa, xã Quảng Chính (Quảng Xương) chỉ với hơn 1.000m2 vườn tính cả dải đất trước và hông nhà, nhưng ông Mai Ngọc Huệ đã bố trí thành khu sản xuất hiện đại. Khu đất được ông tôn cao nền, dựng hệ thống khung sắt, che lưới để sản xuất giống rau và luân canh các loại rau ăn lá quanh năm. Đáng nói, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại được ông áp dụng ngay trong vườn nhà với hệ thống tưới phun mưa thông minh, dùng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ để sản xuất an toàn. Những dải đất ngay ven sân và hông nhà cũng được ông vun ụ để trồng đào hoa kép - giống cây trồng bản địa của địa phương đang được đông đảo người chơi khắp nơi mua trong dịp tết. Trên sân nhà là hệ thống giàn phong lan, cũng góp phần nâng thu nhập đáng kể cho gia đình.

Rau được chuyên canh với hệ số xoay vòng đất rất cao, cộng với kinh nghiệm chăm sóc đào được đúc kết, mỗi năm ông có tổng thu nhập gần 150 triệu đồng từ mảnh vườn không lớn. Theo ông, mỗi dịp gần Tết Nguyên đán, khách đến tận vườn hỏi mua đào, có nhiều gốc bán với giá 8 đến 10 triệu đồng, trung bình khoảng 5 triệu đồng mỗi gốc nên riêng đào và hoa lan, hàng năm cho thu nhập tới 70 triệu đồng. Ngoại trừ những năm có dịch COVID-19, còn lại lợi nhuận từ khu vườn đều duy trì ổn định.

Theo ông Huệ, đây là khu vườn mẫu được UBND xã Quảng Chính vận động hình thành vào năm 2018 để thực hiện tiêu chí sản xuất trong XDNTM. Khi đó, gia đình đã mạnh dạn chặt bỏ hết cây tạp, xây lại tường bao cho thông thoáng để toàn bộ khu vườn có ánh nắng quanh năm. Tình trạng ngập nước của khu vườn cũng được giải quyết triệt để khi gia đình quyết tâm đầu tư đổ thêm đất màu tôn cao vườn và xây dựng hệ thống thoát nước khoa học.

Sau hơn nửa thập kỷ vận hành sản xuất khu vườn mẫu do mình gây dựng, ông Huệ đúc kết ra sự khác biệt so với khu vườn trước kia chính là tư duy sản xuất. Vườn mẫu giúp ông thay đổi cách nghĩ, cách làm. Sản xuất nông nghiệp phải đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật và phải hướng đến sự chuyên canh một vài loại cây trồng để có đầu ra ổn định, không ôm đồm cây gì, con gì cũng muốn được.

Phong trào xây dựng vườn hộ, vườn mẫu trên địa bàn tỉnh những năm gần đây phát triển mạnh. Chính Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh cũng chưa có con số chính xác về số lượng, nhưng nhiều người ước đoán phải hàng nghìn khu vườn sản xuất quy mô hộ gia đình. Những vườn mẫu cơ bản đáp ứng được vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có đầu ra sản phẩm bền vững và thu nhập khá ổn định.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]