(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Thanh Hóa vẫn khẳng định vai trò là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ nền tảng vững chắc được kiến tạo qua nhiều năm. Nhiều doanh nghiệp (DN) lớn với những đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách Nhà nước, giúp Thanh Hóa dần vững bước trên lộ trình trở thành trung tâm công nghiệp trọng điểm của vùng Bắc Trung bộ.

Từ nền móng FDI vững chắc đến “cú hích” chuyển đổi công nghiệp xanh

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Thanh Hóa vẫn khẳng định vai trò là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ nền tảng vững chắc được kiến tạo qua nhiều năm. Nhiều doanh nghiệp (DN) lớn với những đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách Nhà nước, giúp Thanh Hóa dần vững bước trên lộ trình trở thành trung tâm công nghiệp trọng điểm của vùng Bắc Trung bộ.

Từ nền móng FDI vững chắc đến “cú hích” chuyển đổi công nghiệp xanh

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - động lực tăng trưởng công nghiệp và ngân sách tỉnh Thanh Hóa.

Nền tảng vững chắc

6 tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, tổng giá trị sản xuất tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) vẫn đạt hơn 133.800 tỷ đồng, bằng 96,1% so với cùng kỳ; doanh thu đạt trên 142.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,63 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Các DN FDI tiếp tục đóng vai trò then chốt trong thành quả này, tiêu biểu là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Công ty Xi măng Nghi Sơn... Duy trì đà tăng trưởng tích cực, các DN không chỉ đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100.000 lao động, mà đây còn là minh chứng khẳng định vị trí quan trọng của khu vực FDI trong nền kinh tế của tỉnh.

Đáng chú ý, tại NSRP, nhà máy đã vượt mốc 20 triệu giờ công an toàn vào cuối tháng 4/2025, duy trì hiệu suất vận hành trên 110% công suất thiết kế. Ông Kazutaka Yamato, Tổng Giám đốc NSRP chia sẻ: “Nhà máy vận hành ổn định, vượt công suất thiết kế, khẳng định uy tín trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây là thành quả của đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, kỹ sư giàu kinh nghiệm và hệ thống kiểm soát rủi ro nghiêm ngặt".

Ông Kazutaka Yamato cũng nhấn mạnh, chiến lược mở rộng vượt công suất giúp NSRP linh hoạt hơn trong sản xuất, đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường và hướng tới phát triển bền vững. NSRP cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đối tác để đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả, góp phần quan trọng vào an ninh năng lượng Việt Nam.

Tại KCN Bỉm Sơn, hiện có 24 DN FDI đang hoạt động trong các lĩnh vực đa dạng như may mặc, kim hoàn, sản xuất - gia công - lắp ráp linh kiện, phụ tùng ô tô (ghế xe, tựa đầu, bọc đệm...). Dù chịu áp lực đơn hàng từ thị trường quốc tế, các DN vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, tạo việc làm cho gần 3.200 lao động, với mức thu nhập trung bình 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, các tập đoàn lớn như Kuwait Petroleum International, Marubeni, Idemitsu Kosan, Mitsui Chemicals (Nhật Bản), KEPCO (Hàn Quốc), CMA-CGM (Pháp) đã và đang góp phần nâng tầm vị thế của Thanh Hóa trên bản đồ FDI toàn cầu. Theo Ban Quản lý KKTNS&CKCN, tổng vốn FDI vào khu vực này đã đạt hơn 13,5 tỷ USD, chiếm 92% tổng vốn FDI toàn tỉnh. Những con số này minh chứng sức hút mạnh mẽ của Thanh Hóa đối với các tập đoàn đa quốc gia, với những dự án chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ phức tạp.

“Cú hích” chuyển đổi công nghiệp xanh

Song hành với việc củng cố nền tảng, Thanh Hóa đang nỗ lực tạo dựng “cú hích” mới thông qua chuyển đổi sang mô hình công nghiệp xanh. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã thu hút thêm 2 dự án FDI có tổng vốn đăng ký 173,8 triệu USD. Trong đó, Dự án KCN Thăng Long Thanh Hóa (giai đoạn 1) do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư, quy mô 167ha, tổng vốn 115,8 triệu USD; Dự án KCN WHA Smart Technology 2 - Thanh Hóa do Tập đoàn WHA (Thái Lan) đầu tư, quy mô 174,9ha, vốn 58 triệu USD.

Từ nền móng FDI vững chắc đến “cú hích” chuyển đổi công nghiệp xanh

Bảo dưỡng thiết bị sản xuất tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.

KCN WHA Smart Technology 2 được định hướng phát triển theo mô hình KCN hiện đại, đồng bộ, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ có giá trị gia tăng lớn. Dự án này được kỳ vọng không chỉ góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hệ thống KCN trên địa bàn tỉnh mà còn thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Đặc biệt, việc hình thành các KCN có tính chất “xanh” và “thông minh” như WHA Smart Technology 2 là bước đi phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong dài hạn.

Trong giai đoạn 2020-2025, tại KKTNS&CKCN đã cấp giấy chứng nhận 21 dự án FDI với vốn đăng ký 231 triệu USD. Điểm nổi bật là cơ cấu dự án đã có sự chuyển dịch rõ rệt, không chỉ tập trung vào công nghiệp nặng như điện, xi măng hay thép mà mở rộng sang công nghệ cao, vật liệu xây dựng mới - phản ánh xu thế chuyển đổi sản xuất bền vững. Lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và định hướng nghiên cứu một cách bài bản. Điển hình như Tập đoàn Geo (CHLB Đức) đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc khảo sát và nghiên cứu đầu tư nhà máy điện gió tại KKTNS. Theo đó, tập đoàn này đang mong muốn phát triển dự án năng lượng gió quy mô lớn, đồng thời hợp tác xây dựng trung tâm đào tạo kỹ thuật điện gió nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ.

Theo đại diện Ban Quản lý KKTNS&CKCN, đơn vị đang tập trung đẩy mạnh các hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, từ xúc tiến tại chỗ đến quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng xúc tiến đầu tư chất lượng, có chọn lọc. Cùng với đó là cải cách thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, dịch vụ công trực tuyến toàn trình... nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và hiệu quả. Việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông - logistics cũng được đẩy mạnh nhằm tăng cường khả năng kết nối vùng và năng lực cạnh tranh trong thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới.

Với nền móng FDI vững chắc cùng định hướng phát triển xanh - thông minh, KKTNS&CKCN đang hội tụ đủ điều kiện để trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư quốc tế trong kỷ nguyên chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững. Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chiến lược hành động cụ thể, thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh trong việc kiến tạo một nền công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường và có sức lan tỏa lâu dài.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]