(Baothanhhoa.vn) - Truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc đưa chính sách, pháp luật nhanh chóng được thực thi trong cuộc sống. Đồng thời, góp phần tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất yêu cầu từ thực tiễn.

Truyền thông chính sách góp phần tạo đồng thuận xã hội

Truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc đưa chính sách, pháp luật nhanh chóng được thực thi trong cuộc sống. Đồng thời, góp phần tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất yêu cầu từ thực tiễn.

Truyền thông chính sách góp phần tạo đồng thuận xã hội

Công tác truyền thông chính sách phải hướng đến mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Ảnh: Khôi Nguyên

Có lẽ chưa khi nào mà việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ lại được Đảng, Nhà nước tiến hành một cách quyết liệt, khẩn trương như thời điểm này. Bởi, sự vận hành hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy đóng vai trò quyết định đối với công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối và hiệu lực, hiệu quả hoạt động có lúc, có nơi chưa cao. Đặc biệt, đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay, việc tinh gọn tổ chức bộ máy càng phải trở thành nhiệm vụ cấp bách, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ.

Để làm được điều đó, công tác truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng, với trọng tâm là tuyên truyền đầy đủ, kịp thời tinh thần, nội dung và các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua đó, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội đối với “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy hiện nay.

Đặc biệt, bắt đầu từ bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” (ngày 5/11/2024), chủ đề về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đã thực sự trở thành “dòng chủ lưu lớn” trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Chủ đề này đã được tổ chức tuyên truyền một cách kịp thời, bài bản, chất lượng, hiệu quả, với góc nhìn đa chiều, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Để đến thời điểm này, “tinh gọn bộ máy” đã không còn là nhiệm vụ nằm trên các văn bản, hay là nhiệm vụ của cấp nào, ngành nào. Ngược lại, nó đang được hiện thực hóa một cách nhanh chóng, quyết liệt, khẩn trương gắn với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” và có tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đến thời điểm này, có vai trò không thể phủ nhận của công tác truyền thông chính sách. Đặc biệt, đối với một vấn đề vốn được xem là khó và nhạy cảm như tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, thì việc truyền thông chính sách “đi trước một bước”, đã và đang góp phần “đả thông” tư tưởng, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, góp phần tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội và tạo ra một “tấm lá chắn” thông tin cực kỳ hữu hiệu, nhằm đấu tranh phản bác mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cố tình chống phá, chia rẽ nội bộ.

Xác định rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách, ngày 30/3/ 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”. Trong đó nhấn mạnh rõ sự cần thiết của việc tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách hiện nay, công tác truyền thông chính sách đã được quan tâm triển khai. Tuy nhiên, nhân lực và nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách vẫn chưa được bố trí đầy đủ, phù hợp cũng đang khiến cho công tác này chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Đồng thời, việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông, cũng là nguyên nhân gây ra những sự cố truyền thông, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn đời sống.

Trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu được tiếp cận kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách của người dân và doanh nghiệp đang trở nên ngày càng bức thiết, thì truyền thông chính sách càng phải được chú trọng. Muốn vậy, quá trình tổ chức truyền thông chính sách cần sự tham gia trách nhiệm, hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Nội dung truyền thông cần bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu; hình thức truyền thông cần phong phú, sinh động, hấp dẫn... Trong đó, nhấn mạnh vai trò và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, truyền thông như một phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện truyền thông chính sách. Thông qua xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề và các chiến dịch truyền thông lớn..., báo chí sẽ tạo ra sự tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách và các cơ quan thực thi chính sách. Đồng thời, cần sự tham gia của các cơ quan quản lý báo chí để những thông tin chính thống, tích cực về đời sống xã hội trên báo chí trở thành dòng chảy chính. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong thực thi chính sách; cũng như tạo sự đồng thuận và ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Không thể phủ nhận, có những chính sách đúng đắn, nhưng do công tác truyền thông không tốt nên đã không tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Hoặc có những chính sách khi đưa vào thực hiện chưa “ăn khớp” với thực tiễn và thông qua công tác truyền thông đã giúp các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách kịp thời nắm bắt và có sự điều chỉnh cho phù hợp. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, xây dựng chính sách phải hướng đến người dân và truyền thông chính sách phải đến được với người dân. Muốn vậy, mọi thông tin về chính sách phải chính thống và được truyền thông một cách công khai, minh bạch, đầy đủ, chính xác, kịp thời, nhằm hướng đến cái đích cuối cùng là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]