(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức đã coi nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, giữ vị trí đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín, vị thế, thương hiệu của nhà trường.

Trường Đại học Hồng Đức chú trọng công tác nghiên cứu khoa học

Những năm qua, Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức đã coi nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, giữ vị trí đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín, vị thế, thương hiệu của nhà trường.

Trường Đại học Hồng Đức chú trọng công tác nghiên cứu khoa họcĐại diện lãnh đạo Trường Đại học Hồng Đức trao giấy khen của hiệu trưởng nhà trường cho đại diện các nhóm sinh viên NCKH đạt giải nhì cấp trường.

Bởi vậy, nhà trường đã có nhiều giải pháp như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, giảng viên (CBGV) đáp ứng yêu cầu giảng dạy và NCKH; tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, thư viện khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu NCKH của CBGV và sinh viên (SV). Hàng năm, nhà trường đều tổ chức các hội thảo khoa học, hội thi sáng tạo, tuyên truyền, vận động, khuyến khích CBGV, SV tham gia NCKH. Cùng với đó, nhà trường còn có cơ chế, chính sách hỗ trợ thường xuyên, tạo điều kiện cho CBGV, SV tham gia tuyển chọn, xét chọn các đề tài khoa học; tổ chức khen thưởng, động viên các cá nhân có thành tích trong NCKH.

Nhờ đó, hoạt động NCKH của CBGV, SV trong trường ngày càng đa dạng và được triển khai ở hầu hết các lĩnh vực đào tạo của nhà trường. Chất lượng các đề tài ngày càng được nâng cao, sản phẩm đề tài gắn kết với thực tế sản xuất và đời sống. Trong đó, có nhiều đề tài, dự án của CBGV có phạm vi, quy mô lớn, nội dung liên ngành, giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra như: nghề chạm khắc đá làng Nhồi dưới cái nhìn lịch sử - văn hóa - nghệ thuật; một số kỹ thuật dạy đọc nhạc cho học sinh tiểu học theo chương trình sách giáo khoa mới; phân tích đặc điểm tài nguyên đất lãnh thổ lưu vực sông Mã tỉnh Thanh Hóa...

So với các năm học trước, năm học 2022-2023, hoạt động NCKH của SV tại trường tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Các khoa đã quan tâm nhiều hơn đến việc định hướng nghiên cứu phù hợp, bám sát kế hoạch, lựa chọn giáo viên hướng dẫn, các đề tài được thông qua hội đồng khoa học, bộ môn thẩm định, góp ý một cách chặt chẽ, nghiêm túc, chất lượng, nhiều đề tài mang tính ứng dụng thực tiễn. Theo báo cáo, trong năm học 2022-2023, toàn trường có 108/110 đề tài NCKH SV đã được thực hiện (đạt 98,18% kế hoạch đã được phê duyệt). Trong đó, có 59 đề tài cấp khoa, 49 đề tài dự thi cấp trường. Toàn trường có 11/12 khoa có SV tham gia NCKH cấp trường. Tiêu biểu như các khoa: Khoa học tự nhiên (6 đề tài); Khoa học giáo dục - ngoại ngữ (10 đề tài); Khoa học xã hội và nhân văn (10 đề tài); Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Ngư nghiệp (4 đề tài); Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Chính trị và Pháp luật (13 đề tài); Kỹ thuật công nghệ - Công nghệ thông tin và Truyền thông (6 đề tài).

Trong số các đề tài NCKH của SV năm học 2022-2023, có nhiều đề tài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mang lại hiệu quả cao như: nghiên cứu phân lập và ứng dụng nấm mốc Asperillus Oryzae trong sản xuất sữa gạo lên men; điều tra xác định bệnh nấm và tuyến trùng gây hại trên rễ cây có múi tại vùng trồng cam xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An); nghiên cứu ảnh hưởng của các mức bổ sung giun quế đến khả năng sinh trưởng của lợn rừng nuôi bán chăn thả tại Thanh Hóa; nghiên cứu sự ủng hộ của cư dân địa phương với phát triển du lịch tại làng cổ Đông Sơn (Thanh Hóa)...

Ngoài ra, để tạo “sân chơi” NCKH cho SV, nhà trường đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức nhiều hội thi nghiệp vụ, các cuộc thi khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo, câu lạc bộ học thuật, tiêu biểu như các hội thi: Tin học trẻ năm 2023, Olympic Tiếng Anh, Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh mang tên “Ánh sáng soi đường” lần thứ V, năm 2023... Qua các hội thi đã giúp SV nhận thức hơn về các vấn đề đào tạo và định hướng nghề nghiệp, tạo những sân chơi học thuật bổ ích, giúp SV vừa lĩnh hội kiến thức, vừa có cơ hội rèn nghề, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

Hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu của mỗi trường ĐH trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH của nhà trường. Do đó, nhà trường không ngừng chú trọng thúc đẩy trong hợp tác với các trường ĐH, các viện nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước để phát huy được khả năng sáng tạo, tiềm lực khoa học và công nghệ của đội ngũ các nhà khoa học trong nhà trường. Thời gian qua, nhà trường đã mở rộng hợp tác với hàng chục đối tác tại nhiều quốc gia như CHLB Đức, Pháp, Singapore, Ba Lan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc... với nhiều chương trình hợp tác về đào tạo, NCKH, trao đổi CBGV, SV...

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu mới và hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ NCKH của đội ngũ CBGV. Đồng thời vận dụng và khai thác tốt tiềm năng NCKH của SV nhằm tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng các công trình NCKH; đẩy mạnh phong trào sáng tạo trẻ, phong trào khởi nghiệp rộng khắp toàn trường... Từ đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường và phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]