(Baothanhhoa.vn) - Mang trên mình những khiếm khuyết khác nhau, song những người khuyết tật (NKT) đều có chung một ý chí, đem nghị lực sống và tài năng của mình để vượt qua khó khăn, thách thức vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Tỏa sáng nghị lực của những “vầng trăng khuyết”

Mang trên mình những khiếm khuyết khác nhau, song những người khuyết tật (NKT) đều có chung một ý chí, đem nghị lực sống và tài năng của mình để vượt qua khó khăn, thách thức vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Tỏa sáng nghị lực của những “vầng trăng khuyết”Anh Vũ Văn Hoàng ở thôn Lâm Thành, thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) chăm sóc cây mía.

Nghị lực vượt khó

Từng là một cậu bé thông minh, khỏe mạnh, chỉ sau lần nô đùa rồi đau chân tưởng vô nguy, nào ngờ lại là định mệnh bất hạnh khiến chặng đường nối tiếp của cậu bé ấy phải vật lộn với ốm đau, bệnh tật và rồi tàn tật tới mức không thể đi lại... Những tưởng chặng đời còn lại là phần đời sống phụ thuộc, vô nghĩa, nhưng với nghị lực phi thường, niềm đam mê học tập, cậu bé ấy đã tạo nên những điều kỳ diệu, được xem là một “thần đồng toán học” và là một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó. Cậu bé ấy nay đã là người thầy ngồi xe lăn lên bục giảng - thầy Lê Hữu Tuấn (sinh năm 1983), ở xã Đông Thịnh (Đông Sơn). Kết thúc ba năm học THPT, Tuấn tiếp tục dự thi vào lớp học tài năng Khoa Công nghệ Thông tin (Trường Đại học Hồng Đức) và là thủ khoa của kỳ thi. Ra trường, nhiều đơn vị mời Tuấn về làm việc và giảng dạy, nhưng Tuấn đã từ chối. Bởi trong thời gian đó, nhiều em học sinh đến nhờ Tuấn dạy kèm để luyện thi đại học và rồi ý tưởng lóe lên trong anh. “Khi đó, tôi tự nhủ rằng mình có thể làm thầy giáo theo đúng mong ước và ngay tại nhà”, thầy Tuấn chia sẻ.

Bao năm qua, hình ảnh người thầy với chiếc xe lăn lên lớp đã nức tiếng gần xa. Không chỉ nổi tiếng nhờ nghị lực phi thường của người thầy mà lớp học của thầy Tuấn còn được biết tới về số lượng học sinh đến lớp (từ khắp các xã, huyện, vùng lân cận thậm chí cả tỉnh khác), nhất là số lượng các học sinh thầy dạy thi đỗ vào đại học.

Người xưa từng nói “giàu hai con mắt, có hai bàn tay”, tuy đã mất đi cánh tay phải (tai nạn do máy nghiền mía) nhưng anh Vũ Văn Hoàng ở thôn Lâm Thành, thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) đã không đầu hàng trước số phận, vươn lên phát triển kinh tế. Anh Hoàng chia sẻ: "Ban đầu tôi khá lúng túng không biết phải làm gì để có thể nuôi nổi vợ cùng hai đứa con thơ dại. Thậm chí phải mất một năm đầu tiên, tôi không thể làm nổi bất kỳ việc gì để giúp đỡ gia đình. Nhìn hai đứa con thơ, tôi nhiều lần ứa nước mắt, xót xa cho số phận không may mắn của mình". Với quyết tâm và nghị lực kiên cường, anh đã nỗ lực cố gắng, xóa bỏ mặc cảm, mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, duy trì và phát triển nghề sản xuất mật; tự trồng và chăm sóc hàng chục ha mía ép nước phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh. Ngoài những thành tích đã đạt được trong phát triển kinh tế, anh Hoàng còn là một trưởng thôn gương mẫu, luôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Cũng như anh Tuấn, anh Hoàng, ông Hà Văn Quang, xã Phú Sơn (Quan Hóa), là NKT vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, từ hai bàn tay trắng, ông đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua 5 cặp bò sinh sản, 6 con trâu, nuôi lợn và trồng luồng... để phát triển kinh tế hộ. Đến nay, trừ chi phí, thu nhập gia đình ông Quang luôn duy trì ở mức 90 đến 100 triệu đồng/năm. Bản thân ông Quang và gia đình luôn gương mẫu, chấp hành tốt quy định của pháp luật tại địa phương.

Trên đây chỉ là ba trong số hàng trăm tấm gương NKT tiêu biểu đã vươn lên chiến thắng hoàn cảnh khó khăn. Với họ, để gây dựng được cuộc sống mới cần phải có nghị lực mạnh mẽ. Chính sự tự tin, lòng kiên nhẫn đã giúp họ đứng vững và vượt lên số phận, hòa nhập cộng đồng.

Sự chung tay của cộng đồng

Theo số liệu thống kê của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi (NKT&TMC) tỉnh, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 200 nghìn NKT. Để trợ giúp NKT ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách vận động toàn dân chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với NKT. Nổi bật là các phong trào nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu NKT; xây dựng quỹ bảo trợ, quỹ xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ làm nhà, tặng xe lăn, xe lắc, xe bại não; phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng; chương trình khuyến học, khuyến tài... Đặc biệt là từ khi có Pháp lệnh về người tàn tật thì mục tiêu hỗ trợ sinh kế cho NKT được xác định là nhiệm vụ quan trọng cần sự chung tay của toàn xã hội.

Với phương châm xã hội hóa công tác chăm sóc và trợ giúp NKT, Hội Bảo trợ NKT&TMC các cấp trên địa bàn tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia công tác từ thiện - nhân đạo. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Hội Bảo trợ NKT&TMC đã thực hiện hiệu quả chương trình chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho gần 460 lượt NKT; khám và phẫu thuật, thay thủy tinh thể cho gần 10 nghìn người; dạy nghề và tạo việc làm sinh kế cho trên 3 nghìn người; vận động tài trợ trên 2 nghìn xe đạp cho các cháu học sinh khuyết tật, mồ côi vượt khó vươn lên trong học tập. Đặc biệt, với mục tiêu NKT phải đảm bảo được “có nghề, có việc làm, có thu nhập”, hội đã tranh thủ sự tài trợ của các nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế, các cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho gần 3 nghìn người, với các nghề chủ yếu là may công nghiệp, may dân dụng, chế biến cói... Hội cũng triển khai các hoạt động sinh kế cho NKT và gia đình có NKT như: Chương trình bò vàng sinh kế hỗ trợ 320 con bò giống sinh sản, hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn, dê và gia súc... Nhờ đó, hàng nghìn lượt NKT đã được trợ cấp khó khăn, giúp họ vượt qua bệnh tật, xóa bỏ mặc cảm, tự ti; đồng thời, tạo điều kiện giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Để NKT&TMC có được nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm cũng như các hoạt động hỗ trợ khác thì bên cạnh các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước rất cần sự giúp đỡ thường xuyên của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh để họ có thêm cơ hội làm việc và nâng cao trình độ văn hóa cũng như chuyên môn, có thu nhập ổn định. Đối với NKT, để có việc làm và thu nhập, bên cạnh sự hỗ trợ của các chính sách xã hội, tổ chức nhân đạo, cũng cần phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn và rèn luyện, phấn đấu vượt lên số phận, khẳng định mình là những người có ích cho xã hội.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]