(Baothanhhoa.vn) - Trong cuộc sống, để tìm một nửa hoàn hảo của mình đã là một điều rất khó khăn, với những người khuyết tật tìm kiếm mảnh ghép cuộc đời còn gian nan hơn rất nhiều. Thế nhưng, nhờ tình yêu đôi lứa, nhiều cặp vợ chồng khuyết tật đã viết lên câu chuyện cổ tích của đời mình.

Tình yêu viết nên câu chuyện cổ tích

Trong cuộc sống, để tìm một nửa hoàn hảo của mình đã là một điều rất khó khăn, với những người khuyết tật tìm kiếm mảnh ghép cuộc đời còn gian nan hơn rất nhiều. Thế nhưng, nhờ tình yêu đôi lứa, nhiều cặp vợ chồng khuyết tật đã viết lên câu chuyện cổ tích của đời mình.

Tình yêu viết nên câu chuyện cổ tích

Tổ ấm hạnh phúc của gia đình anh Đỗ Duy Hưng, thôn Tam Quy, xã Hà Tân (Hà Trung). (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chúng tôi đến thăm vợ chồng anh Đỗ Duy Hưng, thôn Tam Quy, xã Hà Tân (Hà Trung) khi gia đình anh mới đi giao lưu chương trình “Hạnh phúc vầng trăng khuyết” được tổ chức tại Hà Nội. Trong căn nhà nhỏ được bài trí gọn gàng, sạch sẽ, anh Hưng vừa pha trà mời khách, vừa vui vẻ tâm sự: “Gia đình tôi rất vui và vinh dự khi được chọn là gia đình tiêu biểu cho tỉnh Thanh Hóa tham dự chương trình “Hạnh phúc vầng trăng khuyết”. Đây là chương trình nhằm ca ngợi vẻ đẹp tình yêu, hạnh phúc gia đình của người khuyết tật; đây cũng là kênh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền bình đẳng trong cuộc sống người khuyết tật... Thế nhưng, để có được cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay có thể nói là cả một quá trình xây dựng và vun đắp của 2 vợ chồng tôi”.

Anh Hưng nhớ lại: Năm 1998, sau khi tốt nghiệp THPT, anh nhập ngũ và được đơn vị cho đi học Trường Sĩ quan Pháo binh tại Sơn Tây (Hà Nội). Sau nhiều năm phấn đấu học tập, anh được phân công về công tác tại Tiểu đoàn trinh sát pháo binh 703 đóng ở xã Quang Trung (thị xã Bỉm Sơn). Tuy nhiên, biến cố xảy ra khi một lần trên đường công tác trở về đơn vị, anh bị tai nạn giao thông mất đi một chân. Anh ra quân với kết quả giám định thương tật mất 71% sức khỏe. Lúc đấy anh mới 23 tuổi, trở về quê nhà trĩu nặng u buồn, vỡ vụn những giấc mơ, dự định trước đó.

Suốt hai năm liền anh Hưng đóng cửa, nhốt mình trong phòng tối và chỉ biết khóc thầm. Thế nhưng, nhờ sự động viên, an ủi từ người thân, bạn bè, niềm khao khát làm lại cuộc đời trong anh trỗi dậy, anh tự nhủ bản thân phải nỗ lực hơn nữa để không làm khổ người thân và phải là người có ích cho xã hội. Để không trở thành “phế nhân”, anh đã tập luyện để từng bước “bỏ gậy”, tập đi và giải phóng đôi tay. Nhờ sự mai mối của người hàng xóm tốt bụng, anh đã nên duyên cùng chị Đỗ Diệu Hương, khi ấy đang là cán bộ đoàn năng nổ, hiền lành, nhanh nhẹn. Chị Hương nhớ lại: “Ngay từ lần đầu gặp nhau, em đã có ấn tượng tốt đẹp đối với anh Hưng về nghị lực sống và tinh thần vượt khó vươn lên. Tuy nhiên, khi biết em yêu anh Hưng, gia đình đã phản đối kịch liệt. Lúc anh Hưng đến nhà thì người thân đóng cửa, không cho anh vào nhà. Thế nhưng, sức mạnh của tình yêu đã chiến thắng và cuối cùng gia đình cũng đồng ý tổ chức đám cưới cho chúng em”.

Chính tình yêu của chị Đỗ Diệu Hương đã vực anh dậy. Nắm chặt tay nhau, vợ chồng anh chị trải qua những khó khăn, vất vả. Anh Hưng quyết định lập nghiệp bằng nghề cắt tóc, bởi đây là nghề phù hợp với sức khỏe của bản thân. Ngoài ra, anh Hưng còn tận dụng lợi thế của địa phương là gần rừng sến Tam Quy để nuôi ong lấy mật. Với tính kiên trì, chịu thương, chịu khó, anh đã học hỏi thêm kinh nghiệm trên mạng, qua sách báo và người đi trước về nghề nuôi ong. Khởi đầu với 4 đàn, đến nay gia đình anh đã nhân lên thành 100 đàn ong. Không chỉ nuôi ong lấy mật, anh còn cung cấp giống cho người dân có nhu cầu. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình anh thu lãi được 150 - 180 triệu đồng. Từ thành công của bản thân, anh đã chuyển giao kỹ thuật nuôi ong cho người dân, trong đó có nhiều người bị khuyết tật, thương, bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam trong và ngoài huyện Hà Trung.

Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, dù khiếm khuyết về cơ thể nhưng họ không chịu khuất phục trước số phận. Bằng tình yêu thương, sự chia sẻ, nhiều gia đình khuyết tật luôn nỗ lực, phấn đấu, vươn lên khẳng định giá trị bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc và đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội.

Câu chuyện vượt khó vươn lên trong cuộc sống của vợ chồng anh Đinh Văn Ưng, chị Lưu Thị Quyên, thôn Trung Tâm, xã Yên Dương (Hà Trung) khiến nhiều người ngưỡng mộ. Không chỉ sưởi ấm cho nhau bằng tình yêu, hạnh phúc gia đình mà hơn chục năm qua vợ chồng anh còn tìm cách cưu mang, giúp đỡ cho hàng chục người cùng cảnh khuyết tật giống mình.

Anh Ưng bị khuyết tật sau một lần bị cảm biến chứng vào năm 12 tuổi, còn chị Quyên bị ốm nặng lúc mới 5 tuổi. Sau mũi tiêm của cô y tá xã nhà, chân bắt đầu teo đi. Anh chị quen nhau sau một lần đến nhà bạn chơi và hai người với tâm hồn đồng cảm đã tìm đến với nhau để chia sẻ những buồn, vui trong cuộc sống. Tình yêu đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để có được đám cưới vào năm 2010. Anh chị vẫn còn nhớ như in quãng thời gian năm 2015, khi ra Hà Nội đặt vấn đề làm đại lý cho một nhà phân phối hàng gia dụng, đồ điện, họ nhìn hai vợ chồng anh rồi lắc đầu từ chối. Không nản lòng, ngày anh Ưng ra Hà Nội nhận Bằng khen của Trung ương Hội Khuyết tật, anh ôm tấm bằng khen đến trước mặt chủ đại lý phân phối, xin người ta hãy tin mình một lần và anh đã thành công khi thuyết phục họ.

Bằng tinh thần chịu thương, chịu khó, sau nhiều năm khởi nghiệp, đến nay vợ chồng anh Ưng đã xây dựng được cơ sở sửa chữa, phân phối các mặt hàng điện gia dụng với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình anh Ưng không chỉ là gương điển hình trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo mà còn là người tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật ở địa phương.

Anh Ưng trải lòng: “Bản thân tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn mới có được cuộc sống như ngày hôm này. Vì vậy, giữa chúng tôi có sự đồng cảm với nhau. Bằng tất cả tâm huyết, tôi đều dạy nghề cho mọi người chưa bao giờ lấy một đồng tiền nào, nhiều người ở xa còn được lo nơi ăn, ngủ vì người khuyết tật đi học nghề rất vất vả. Tâm huyết của mình là làm sao để người khuyết tật có được nghề nuôi sống bản thân, để giúp họ là những người “tàn nhưng không phế” .

Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, dù khiếm khuyết về cơ thể nhưng họ không chịu khuất phục trước số phận. Bằng tình yêu thương, sự chia sẻ, nhiều gia đình khuyết tật luôn nỗ lực, phấn đấu, vươn lên khẳng định giá trị bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc và đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội.

Thu Thủy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]