Tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Theo dự báo, số mắc ĐTĐ của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất thế giới, số người bị tiền ĐTĐ cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh. Đáng lo ngại, bệnh có xu hướng gia tăng rõ rệt và ngày càng trẻ hóa.
Truyền thông tư vấn cho người dân thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) về phòng chống bệnh ĐTĐ.
Hàng năm, ngày 14/11 được Liên hợp quốc thống nhất lựa chọn là ngày ĐTĐ thế giới - kỷ niệm ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra Insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân ĐTĐ vào năm 1922. Chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống ĐTĐ giai đoạn 2021 - 2023 là “Tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh đái tháo đường”.
Theo Liên đoàn ĐTĐ thế giới (IDF) công bố năm 2021, cả thế giới có tới 537 triệu người mắc ĐTĐ, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20 - 79 tuổi có 1 người mắc ĐTĐ; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi ĐTĐ trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc ĐTĐ mà không được chẩn đoán. Kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc ĐTĐ tại Việt Nam ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh ĐTĐ. Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%; có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc ĐTĐ đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận... ĐTĐ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt.
Thống kê tại Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa, 9 tháng năm 2023, có gần 6.200 bệnh nhân ĐTĐ đến khám, điều trị bệnh; tăng khoảng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, có tới trên 80% bệnh nhân phát hiện bệnh ĐTĐ khi đã có biến chứng nguy hiểm như: suy thận, tổn thương mạch máu, giảm thị lực, ảnh hưởng đến thần kinh, tê bì chân tay, tổn thương bàn chân. Một thực trạng đáng báo động nữa đó là người mắc bệnh ĐTĐ ngày càng trẻ hóa, nhiều người mắc bệnh khi mới 25 đến 40 tuổi, thậm chí là lứa tuổi thiếu niên.
Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống ĐTĐ, ngành y tế đã tập trung tuyên truyền các thông điệp về bệnh ĐTĐ để người dân biết và chủ động phòng tránh. Tại các khu đông dân cư như chợ, các khu vực công cộng đều treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày thế giới phòng, chống bệnh ĐTĐ, nhằm giúp người dân hiểu cách phòng và điều trị bệnh ĐTĐ. Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa đã tổ chức đoàn khám, tư vấn và xét nghiệm miễn phí tầm soát ĐTĐ cho 6.735 đối tượng tại 3 huyện Nga Sơn, Bá Thước, Thạch Thành (mỗi huyện 10 xã), qua đó phát hiện 513 người mắc ĐTĐ, 452 người tiền ĐTĐ.
Các bác sĩ cho biết, ĐTĐ là một bệnh mạn tính, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, hoặc khi cơ thể không sử dụng hiệu quả insulin mà nó tạo ra. Điều này dẫn đến tăng nồng độ glucose trong máu. Bệnh ĐTĐ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tính mạng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nguyên nhân gây ra ĐTĐ rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh, sẽ giúp phòng ngừa mắc ĐTĐ tới 70% số trường hợp. Đồng thời, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó. ĐTĐ là bệnh lý phức tạp, liên quan nhiều chức năng trong cơ thể, nếu không được điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gia tăng tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, bệnh ĐTĐ vẫn có thể dự phòng và ngăn chặn thông qua hoạt động thể chất thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, khoa học, như: ăn giảm muối, ăn nhiều rau xanh, ăn đủ lượng kali, ăn nhiều cá, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nước có ga, chất kích thích bia, rượu; dành thời gian nghỉ ngơi tránh căng thẳng.
Để phòng tránh bệnh ĐTĐ, người dân cần chủ động đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng nặng có thể xảy ra. Đối với những người mắc bệnh ĐTĐ cần được chăm sóc và hỗ trợ liên tục để kiểm soát bệnh và tránh các biến chứng; người bệnh cần được khám, đánh giá và có biện pháp dự phòng biến chứng bàn chân do ĐTĐ, nên khám sàng lọc biến chứng bàn chân ĐTĐ mỗi năm. Nếu có nguy cơ loét bàn chân do ĐTĐ ở mức thấp, bệnh nhân phải theo dõi khám sàng lọc mỗi lần trong khoảng 6 - 12 tháng; nếu nguy cơ loét ở mức trung bình, cần khám sàng lọc mỗi lần trong khoảng 3 - 6 tháng; nguy cơ loét ở mức cao thì việc khám sàng lọc theo dõi thực hiện từ 1 - 3 tháng. Với những bạn trẻ làm công việc văn phòng nên hạn chế việc sử dụng thang máy, thay vào đó nên chọn đi cầu thang bộ và tránh ngồi quá lâu; mỗi 1 tiếng nên đứng lên, đi lại nhẹ nhàng trong phòng làm việc để làm tăng sự nhạy cảm của insulin...
Bài và ảnh: Tô Hà
- 2024-11-02 07:21:00
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh
- 2024-11-01 08:25:00
Người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo cần được lên thẳng tuyến trên
- 2023-11-13 11:04:00
Bạn nên biết: Mức thanh toán trực tiếp tiền khám chữa bệnh BHYT
Phòng khám Chuyên khoa Y học cổ truyền Phúc Hải Đường: Thêm địa chỉ mới cho người bệnh lựa chọn
Mỹ phê duyệt vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa virus Chikungunya
Đề xuất 8 bệnh truyền nhiễm được ưu tiên ngân sách khám, chữa bệnh
Triển khai quy tắc 5S tại Sở Y tế Thanh Hoá
Bộ Y tế cảnh báo mầm bệnh Đậu mùa Khỉ đã xâm nhập trong cộng đồng
Nỗ lực cải thiện kỹ năng giao tiếp ứng xử theo mô hình AIDET cho nhân viên y tế
Quảng Xương quản lý bệnh không lây nhiễm
Hiệu quả điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV
Thị xã Nghi Sơn nỗ lực kiểm soát dịch sốt xuất huyết