Thương hiệu xanh - hướng đi tất yếu trong thị trường hiện đại
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu đang tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với sản xuất - tiêu dùng, khái niệm “thương hiệu xanh” ngày càng trở nên phổ biến và mang tính bắt buộc hơn là lựa chọn. Không chỉ là lời cam kết bảo vệ môi trường, thương hiệu xanh còn thể hiện tầm nhìn phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN). Tại Thanh Hóa, nhiều DN đã chủ động xây dựng chiến lược xanh hóa sản phẩm, quy trình sản xuất, tạo sức lan tỏa tích cực và khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trung tâm Nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ Tiến Nông đang tiếp tục phát triển các dòng phân bón hữu cơ, ứng dụng công nghệ nano nhằm giảm thiểu ô nhiễm đất và nước trong canh tác nông nghiệp.
Trên cánh đồng mía rộng lớn ở xứ Thanh, những cây mía sạch được gieo trồng bởi giống chọn lọc, tưới tiêu bằng hệ thống tiết kiệm nước, không sử dụng hóa chất độc hại. Hành trình từ cánh đồng đến sản phẩm cuối cùng được kiểm soát chặt chẽ theo chuẩn ISO, GlobalG.A.P, HACC... mà Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) kiểm soát chặt chẽ. Các nhà máy chế biến vận hành theo mô hình kinh tế tuần hoàn: tận dụng bã mía làm nhiên liệu sinh khối, nước rỉ mật làm phụ gia thực phẩm và thậm chí sản xuất phân hữu cơ phục vụ lại chính vùng nguyên liệu.
Đặc biệt, vùng nguyên liệu mía Lam Sơn đang tiến gần đến việc trở thành khu vực nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có thể bán tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế. Đây là kết quả của dự án hợp tác giữa Lasuco và hai đối tác đến từ Nhật Bản, nhằm xây dựng mô hình canh tác mía phát thải thấp. Dự án tập trung vào các phương pháp canh tác bền vững như không đốt lá mía sau thu hoạch, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân bón hóa học và kéo dài chu kỳ mía gốc để tăng tích lũy carbon trong đất. Đồng thời, hệ thống giám sát MRV (đo lường - báo cáo - xác minh) được triển khai, tích hợp công nghệ vệ tinh để theo dõi liên tục vùng nguyên liệu. Đây không chỉ là bước tiến quan trọng trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu NetZero mà còn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc Lasuco Lê Văn Quang nhấn mạnh: “Với tầm nhìn trở thành tập đoàn nông nghiệp - thực phẩm xanh hàng đầu Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế, Lasuco xác định thương hiệu DN cũng gắn liền với thương hiệu “xanh” và là tài sản vô giá, nền tảng cho mọi chiến lược phát triển dài hạn. Chúng tôi đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ vào quản lý từ vùng nguyên liệu đến sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp tăng hiệu quả, giảm phát thải và tạo ra sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó, DN đẩy mạnh các dòng sản phẩm mang bản sắc Việt như đường phèn tự nhiên, nước mía tắc, sữa gạo giàu protein, sản phẩm gạo... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Nếu Lasuco tạo dấu ấn ở nông nghiệp thì trong lĩnh vực công nghiệp nặng - vốn dễ bị gắn mác “gây ô nhiễm” - Tập đoàn VAS Nghi Sơn đã chứng minh điều ngược lại. Với tôn chỉ phát triển “thép xanh cho tương lai bền vững”, nhà máy luyện cán thép của VAS tại Khu Kinh tế Nghi Sơn đã đầu tư bài bản từ công nghệ đến quản lý môi trường. Điểm nổi bật của mô hình này là sử dụng nguyên liệu phế liệu thép thay cho quặng sắt khai thác, vừa giúp tái chế tài nguyên, vừa giảm phát thải khí CO2. Nhà máy còn trang bị hệ thống xử lý khí thải khép kín, hệ thống thu hồi nhiệt để tiết kiệm điện năng và giảm tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh. Theo đại diện VAS Nghi Sơn: “Câu chuyện thép xanh không chỉ dừng ở thiết bị hiện đại, mà còn ở văn hóa sản xuất. Chúng tôi đào tạo công nhân thực hành sản xuất sạch, kiểm soát chặt chẽ từng khâu nhằm đạt mục tiêu “xanh hóa" toàn diện từ đầu vào đến đầu ra”.
Công ty May 888 (Quảng Xương) sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn “xanh” của các thị trường cao cấp như EU và Nhật Bản.
Hiện nay, sản phẩm thép của VAS Nghi Sơn đã đạt các chứng nhận như ISO 14001 về quản lý môi trường, được xuất khẩu sang nhiều thị trường yêu cầu cao về tiêu chuẩn “sạch” như Hàn Quốc, Úc và Trung Đông. Không chỉ tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường, VAS còn là một trong số ít DN xây dựng “báo cáo phát triển bền vững” hàng năm, công khai mức tiêu thụ năng lượng, phát thải khí nhà kính và lộ trình giảm thiểu.
Ngoài hai mô hình tiêu biểu kể trên, Thanh Hóa còn ghi nhận nhiều DN tích cực chuyển đổi xanh. Đó là Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông phát triển các dòng phân bón hữu cơ, phân vi sinh và ứng dụng công nghệ nano nhằm giảm thiểu ô nhiễm đất, ô nhiễm nước trong canh tác nông nghiệp. HTX nông nghiệp Haca (Nghi Sơn) kết hợp sản xuất sạch với tiêu thụ qua nền tảng số, giảm chi phí và phát thải từ vận chuyển, tạo dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường. Xanh SM - dịch vụ taxi điện của VinFast góp phần thay đổi thói quen người tiêu dùng, hướng đến giao thông xanh và giảm ô nhiễm tại các đô thị lớn như TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn. Công ty May 888 (Quảng Xương) đầu tư hệ thống xử lý nước thải khép kín, năng lượng sạch, hướng đến tiêu chuẩn xanh của các thị trường xuất khẩu cao cấp như EU và Nhật Bản.
Thực tiễn cho thấy, thương hiệu xanh hiện nay không chỉ là lựa chọn, mà là lối đi tất yếu. Nhưng với những DN thay đổi, đó cũng chính là con đường ngắn nhất đi đến niềm tin và chinh phục thị trường hiện đại. Từng dòng sản phẩm, từng quy trình sản xuất, từng chiến lược phát triển được “xanh hóa” đã từng bước định hình một diện mạo mới cho thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN.
Tuy nhiên, để lan tỏa giá trị thương hiệu xanh, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ chính quyền trong việc hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng xanh, công nghệ sạch, cũng như quảng bá sản phẩm đạt chuẩn “xanh” ra thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, “tiêu dùng xanh”, tiêu dùng có trách nhiệm chính là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy xu hướng sản xuất này.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
{name} - {time}
-
2025-05-22 11:52:00
Ứng dụng KH&CN trong sản xuất lâm nghiệp
-
2025-05-22 11:44:00
Doanh nghiệp đồng hành cùng Chỉ thị 22
-
2025-05-22 07:00:00
Bản tin Tài chính 22/5: Giá vàng trong nước và thế giới tạo cơn sốt mới?
Viettel đấu giá thành công băng tần 700 MHz
Những đổi mới ở các HTX điện năng
Đảng bộ Agribank Nam Thanh Hóa: Chặng đường đầu tiên nhiều dấu ấn
Hãng hàng không vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ có quy mô như thế nào
Bản tin Tài chính 21/5: Giá vàng biến động, khả năng tăng giá vẫn “bỏ ngỏ”
Việt Nam có thêm một hãng hàng không mới
Trung Quốc nhập khẩu vàng cao nhất trong gần 1 năm
Xử lý thông tin “sầu riêng vẫn loay hoay giải quyết chất vàng O”
Phấn đấu khởi công Dự án Khu công nghiệp WHA Smart Technology 2 trong tháng 10/2025