Thung lũng hồi sinh
Ở thôn Đông Bún, xã Xuân Du có một thung lũng nằm giữa bên đồi bên núi với 4 bề xanh ngút ngàn, cây trái quanh năm. Trong mô hình kinh tế tổng hợp ấy, những ao cá, trại gà được gây dựng, tạo nên một cơ ngơi trù phú trên chính vùng đất hoang hóa trước kia.
Ao cá trong khu thung lũng Xuân Du của anh Hà Văn Đông.
Quanh co theo những con đường làng còn tương đối nhỏ hẹp, chúng tôi mới tìm đến được thung lũng xa nhất ở xã Xuân Du. Từ xa đã dễ dàng nhận thấy một vùng núi phủ màu xanh mát bởi rừng keo, rừng luồng, cây ăn quả, những hàng đào cảnh và cả một triền đồi trồng riềng theo hướng hàng hóa. Trong bộ quần áo lao động cũ sờn, chủ mô hình kinh tế tổng hợp là anh Hà Văn Đông đã nhiệt tình dẫn những vị khách đi tham quan toàn khu sản xuất. Phía trên núi cao là cây lâm nghiệp theo mô hình rừng sản xuất được Nhà nước giao đất thầu 50 năm. Ở vùng đồi đất đỏ màu mỡ, những hàng mít, mắc ca, bưởi các loại đến nay đã tỏa tán, cho quả trĩu cành.
Anh còn dẫn chúng tôi đi thăm một trại gà công nghiệp được chăn nuôi theo hướng công nghệ cao ngay dưới chân núi quanh năm thoáng mát. Loại gà được nuôi là gà lông màu, được liên kết sản xuất theo hợp đồng với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam. Giống gà và thức ăn, các vật tư được phía công ty cung ứng, hướng dẫn kỹ thuật. Mỗi lứa gà 13.000 con nhưng thức ăn, nước uống cho gà chỉ cần 1 lao động đổ vào toa phía ngoài chuồng, hệ thống máy móc sẽ cung cấp đến từng dây chuyền để tránh tình trạng người ra vào mang theo mầm bệnh. Đứng ngay tại trại gà, gần như không có mùi hôi như trại truyền thống bởi nền trại được rải đệm lót sinh học, trộn men vi sinh khử mùi hôi. Sau mỗi lứa gà chừng 3 tháng, toàn bộ chất thải nền chuồng lại được ủ thành phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho các loại cây trồng trong trang trại. Theo anh Đông, chỉ 1.300m2 chuồng trại nhưng hoạt động nuôi gà này chính là khâu sản xuất cho thu nhập cao nhất trong trang trại, đạt khoảng 900 triệu đồng mỗi năm.
Lợi dụng nguồn nước từ con suối nhỏ chảy từ lòng núi, năm 2020, anh đắp đập, kè bờ tạo thành con đập tràn rộng 1ha để nuôi cá. Nguồn nước trong sạch, lại thừa thức ăn là cỏ cây nên mỗi năm, gia đình có thu hoạch 5 đến 7 tấn cá trắm, cá trôi. Đây cũng là nơi dự trữ nguồn nước tưới hàng ngày cho toàn bộ cây ăn quả và đồi riềng ở phía dưới qua hệ thống đường ống dẫn từ hồ nước.
Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay là cả một phần đời nỗ lực phấn đấu, khai hoang phục hóa thung lũng khô cằn của gia đình anh Hà Văn Đông. Theo anh, từ năm 1991-1992 Nhà nước có chính sách và kêu gọi trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, phát triển rừng sản xuất. Trong khi khảo sát, thấy nhiều diện tích đất hoang hóa ở vùng núi đồi Xuân Du vẫn chưa có người nhận khoán nên anh mạnh dạn đấu thầu để cải tạo.
“Khi còn trai tráng, tôi hào hứng làm giàu nên cùng 2 người bạn từ thị trấn Giắt, huyện Triệu Sơn (cũ) vào đây nhận thầu đất để lập nghiệp. Ban đầu không có đường, không điện, điều kiện vô cùng vất vả, lại chưa có nguồn thu. Được ít năm, 2 người bạn lần lượt bỏ về quê Triệu Sơn tìm nghề khác, còn mình tôi trụ lại. Thế rồi, hành trình trồng rừng, cải tạo đất đồi của tôi cứ miệt mài, tôi đưa cả gia đình vào dựng lều, phát triển sản xuất, chăn nuôi”, anh Đông nói.
Cũng theo anh Đông, do phải đầu tư đường sá, hạ tầng sản xuất quá nhiều làm cạn kiệt vốn, vay mượn đủ nơi, có thời điểm tưởng chừng phải bỏ cuộc. Đến năm 2007, anh phải tạm gác lại hành trình cải tạo đồi hoang để đi làm thuê hơn một năm, rồi lấy vốn trở về đầu tư tiếp. Những đàn vật nuôi thả trong thung lũng là nguồn thu hàng năm để anh và gia đình lấy ngắn nuôi dài, tiếp tục cải tạo vùng đất hoang hóa, phát triển sản xuất.
Hơn 30 năm hồi sinh vùng đất trống, đồi trọc hẻo lánh, đến nay, anh Hà Văn Đông đã có hàng chục ha đất lâm nghiệp phủ kín màu xanh, 3,5ha đất triền đồi thấp là khu vực phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Khu sản xuất bên đồi bên núi, giữa suối với rừng này đã trở thành mô hình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp điển hình ở xã Xuân Du. Những năm gần đây, anh đang xây dựng trang trại của mình theo hướng sản xuất hữu cơ tuần hoàn, cho ra các sản phẩm sạch để cạnh tranh đầu ra trên thị trường. Tất cả phân bón trong trang trại đều là phân hữu cơ từ quá trình chăn nuôi. Những lứa riềng từ đó cũng xanh tốt, mỗi năm thu nhập 2 lần, tổng doanh thu khoảng 400 triệu đồng. Vườn bưởi 8 năm tuổi cũng được các thương lái đến tận trại thu mua nhờ chất lượng quả ngon, ngọt đặc trưng. Trồng trọt không thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại, nên dưới tán cây ăn quả anh luôn duy trì từ 60 đến 100 đàn ong, thu về gần 100 triệu đồng mỗi năm nhờ nhân bán đàn và bán mật ong.
Theo hạch toán của chủ trang trại, tổng doanh thu hàng năm của gia đình hơn 3 tỷ đồng. Hiện, mô hình giải quyết việc làm cho 5 lao động ổn định với thu nhập 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng và khoảng 10 lao động thời vụ. Khi đã có được những thành công và kinh nghiệm, anh sẵn sàng chia sẻ, đồng thời hỗ trợ con giống, kỹ thuật cho những hộ phát triển trang trại trong vùng để liên kết thành chuỗi sản xuất lớn mạnh.
Bài và ảnh: Linh Trường
{name} - {time}
-
2025-07-03 08:08:00
Bảo đảm truyền tải điện an toàn, liên tục mùa nắng nóng
-
2025-07-02 20:15:00
Hiệu quả từ mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Châu
-
2025-07-02 20:09:00
Phát triển bền vững cây trồng khu vực miền núi
Triển vọng kinh tế từ mô hình phát triển du lịch cộng đồng
Quy định mới về lãi suất cho vay nhà ở xã hội
Bản tin Tài chính thị trường ngày 2/7/2025
Công ty sữa hàng đầu Việt Nam mở đơn tìm kiếm nhân lực tài năng trẻ
Hướng tới minh bạch và hiện đại hóa nền kinh tế
Ông Nguyễn Văn Thủy giữ chức Trưởng Thuế tỉnh Thanh Hóa
Giá xăng dầu đồng loạt giảm từ hôm nay 1/7 do giảm VAT
“Bay khắp thế giới, làm mới chất hè” cùng ưu đãi giá vé 77% từ Vietjet