Thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương khuyến khích người dân xây dựng những mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của thị trường. Bước đầu, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần hướng tới sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.
Diện tích sản xuất nho sữa Hàn Quốc của gia đình anh Hoàng Văn Tuấn ở xã Xuân Du (Như Thanh) được áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường.
Theo phân tích của các chuyên gia, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, người dân sử dụng nhiều hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y... gây ra những tác động nặng nề, làm ô nhiễm đất, nguồn nước và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng không bảo đảm. Do đó, để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, các HTX, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường. Tiêu biểu như Mô hình lúa - cá tại huyện Hà Trung đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 200ha; mô hình lúa - rươi tại huyện Quảng Xương và Nông Cống với diện tích 13ha; bưởi hữu cơ tại huyện Yên Định, rau hữu cơ tại huyện Đông Sơn...
Là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao tại xã Xuân Du (Như Thanh), trang trại TS Farm của anh Hoàng Văn Tuấn ở thôn 14 đã áp dụng nghiêm ngặt những biện pháp sản xuất thân thiện với môi trường để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Được biết, từ tháng 1/2022, sau khi nghiên cứu thị trường và tích luỹ được số kinh nghiệm trong phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, gia đình anh đã quyết định đưa cây nho sữa Hàn Quốc về trồng trên diện tích hơn 1ha. Để sản xuất đạt hiệu quả cao, trang trại đã được lắp đặt hệ thống nhà màng, tưới nước nhỏ giọt và áp dụng các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo hướng “thuận tự nhiên”, tôn trọng hệ sinh thái vườn và không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học...
Anh Tuấn cho biết: “Sản xuất xanh, sản xuất thuận tự nhiên đang là một trong những giải pháp bảo vệ môi trường được sử dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Việc áp dụng sản xuất an toàn không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm so với những sản phẩm cùng loại sản xuất theo hướng đại trà, mà còn bảo vệ sức khỏe của người trực tiếp sản xuất và tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp bền vững”.
Với định hướng sản xuất bảo vệ môi trường, sau hơn 2 năm phát triển, đến nay trang trại TS Farm của anh Tuấn đã có khoảng 2ha trồng nho, sản lượng hơn 3 tấn/vụ. Với giá bán từ 200-450 nghìn đồng/kg tùy loại, doanh thu có thể đạt 2 tỷ đồng/năm.
Đã hơn 10 năm phát triển trang trại chăn nuôi lợn gia công, ông Ngô Văn Lãm ở xã Thiệu Thành (Thiệu Hóa) luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau khi mở rộng quy mô nuôi lên 1.000 con lợn thịt/lứa cộng với hệ thống xử lý chất thải của trang trại đã xuống cấp do được xây dựng từ lâu, trang trại chăn nuôi của gia đình ông đã gây ảnh hưởng đến môi trường. Sau khi phát hiện sự cố, gia đình đã thực hiện các biện pháp như xây dựng thêm hố lắng, cải tạo bể biogas tương xứng với quy mô chăn nuôi...
Ông Lãm cho biết: "Hiện nay, chất lượng, giá trị của sản xuất nông nghiệp không chỉ dừng ở năng suất, sản lượng, mà còn được đánh giá ở quy trình sản xuất và sự thân thiện với môi trường. Do đó, để sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn tốt nhất, gia đình tôi không chỉ sử dụng thức ăn hỗn hợp được ủ lên men, uống nước lọc theo quy chuẩn, mà khu chuồng nuôi luôn đảm bảo vệ sinh từ máng ăn, vòi uống, nền chuồng. Ngoài ra, chất thải chăn nuôi được thu gom tập trung đưa vào bể tách phân, phần nước sẽ được lọc qua ao sinh thái; phần bã được tận dụng làm phân bón hữu cơ. Một phần khác từ chất thải chăn nuôi còn được chuyển xuống khu hầm biogas dạng lỏng"...
Trang trại của gia đình anh Ngô Văn Lãm (Thiệu Thành) xây dựng bể bioga để xửa lý chất thải chăn nuôi.
Hiện nay, thông qua cuộc vận động, chương trình của các hội, đoàn thể đã khuyến khích Nhân dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi theo hướng hữu cơ, bảo đảm sức khỏe người dân. Đến nay, trong lĩnh vực trồng trọt, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình và ứng dụng sản xuất tuần hoàn, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên diện tích 6.900ha lúa và 1.400ha rau các loại. Trong đó tập trung vào ứng dụng công nghệ sinh học trong việc cung cấp dinh dưỡng, xử lý tàn dư thực vật trên đồng ruộng. Từ đó, đảm bảo sản phẩm an toàn, môi trường đất, nước không bị ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã có 75% trang trại chăn nuôi lợn, 72% trang trại chăn nuôi gia cầm và 100% trang trại bò sữa áp dụng quy trình VietGAP, an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh đảm bảo hiệu quả, tạo ra sản phẩm chất lượng cao...
Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn gắn với bảo vệ môi trường thường có chi phí rất cao, gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất. Do đó, để phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp cùng các ngành chức năng, địa phương tuyên truyền kinh nghiệm hay, phương pháp và cách làm sáng tạo, hiệu quả để người dân học tập. Đồng thời, các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh cũng thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ các HTX nông nghiệp, chủ trang trại hoàn thiện phương án kinh doanh; cơ cấu tổ chức, bộ máy; đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị; hỗ trợ điều chỉnh hoàn thiện sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đồng thời, hỗ trợ người sản xuất áp dụng các biện pháp tái sử dụng và tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó, góp phần từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất truyền thống, từ chưa quan tâm đến nguồn phụ phẩm và môi trường sang sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng tài nguyên hiệu quả và bền vững gắn với nhu cầu thị trường trong Nhân dân.
Bài và ảnh: Lê Thanh
{name} - {time}
-
2025-01-19 06:26:00
Dự báo thời tiết Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
-
2025-01-19 06:12:00
Dự báo thời tiết 19/1: Bắc Bộ và Thanh Hóa sáng sớm có sương mù, trời rét
-
2024-11-16 06:30:00
Dự báo thời tiết ngày 16/11: Cả nước nắng đẹp, phù hợp cho hoạt động vui chơi, giải trí và nghỉ ngơi cuối tuần
Bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Dự báo thời tiết 15/11: Thanh Hóa ngày nắng, sáng sớm có sương mù nhẹ
Dự báo thời tiết ngày 14/11: Thanh Hóa tiếp tục nắng, đêm và sáng trời lạnh
Bão số 8 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, gió giật cấp 11
Dự báo thời tiết ngày 13/11: Thanh Hóa nắng đẹp, Trung bộ và Tây Nguyên kết thúc đợt mưa
Dự báo thời tiết 12/11: Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc ngày nắng, đêm lạnh
Bão số 7 giảm cường độ, di chuyển theo hướng Tây Nam
Dự báo thời tiết ngày 11/11 : Các địa phương chủ động ứng phó bão đôi
Bão số 7 di chuyển chậm hướng Tây, biển động dữ dội