Thủ tướng Anh Keir Starmer nỗ lực “đảo ngược” Brexit
Ngày 28/8, Thủ tướng Keir Starmer đã tới Đức, điểm đầu tiên trong chuyến công du châu Âu, và hội đàm với người đồng cấp Đức Olaf Scholz để hướng tới một thỏa thuận song phương toàn diện. Động thái cho thấy nỗ lực của Anh trong việc “đảo ngược” Brexit.
Theo Handelsblatt, chuyến thăm Đức lần đầu tiên của Thủ tướng Keir Starmer diễn ra trong bối cảnh cả hai nước đều đang gặp phải những khó khăn nhất định. Tình hình ở Đức sau 3 năm dưới sự lãnh đạo của “liên minh đèn giao thông” cũng đáng buồn như ở Anh sau 14 năm đảng Bảo thủ cầm quyền. Nền kinh tế của cả hai nước đều trì trệ, chủ nghĩa hoài nghi chiếm ưu thế trong xã hội.
Cũng không phải ngẫu nhiên khi ông Starmer chọn Đức là điểm đầu tiên trong chuyến công du tới châu Âu. Nguyên nhân là do Đức quan tâm nhiều đến việc khôi phục quan hệ với Anh hơn là Pháp hay các các nước châu Âu khác.
Theo Chính phủ Anh, Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là đối tác thương mại lớn thứ hai của Anh, chiếm 8,5% thương mại của nước này; trong khi Pháp đứng thứ tư trong danh sách các đối tác thương mại hàng đầu của Anh với 6%.
Thiết lập lại mối quan hệ sau Brexit là trọng tâm trong chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo. Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Olaf Scholz lưu ý rằng, London đã đưa ra một quyết định lịch sử khi rời khỏi EU, nhưng vẫn là “đối tác không thể thiếu” của Berlin, và do đó các nước sẵn sàng hợp tác để cải thiện sự tương tác.
Để đạt được mục tiêu này, Anh và Đức sẽ bắt đầu xây dựng một thỏa thuận toàn diện trong những tháng tới. Hiện các cuộc tham vấn liên chính phủ về vấn đề này đã được xúc tiến. Thủ tướng Keir Starmer gọi thỏa thuận này là “cơ hội ngàn năm có một”, và cho biết sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Được biết, thỏa thuận mới sẽ có tác động tích cực đến hầu hết các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, trọng tâm là kinh tế - thương mại, nền tảng là khoa học - công nghệ.
Thỏa thuận mới cũng nhằm mục đích tạo động lực cho hợp tác quân sự giữa hai nước, qua đó góp phần củng cố “trụ cột châu Âu của NATO”. Trước đó, cuối tháng 7, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh John Healy tới Berlin với mục đích tương tự. Ông John Healy và người đồng cấp Đức Boris Pistorius nhất trí hợp tác để tăng cường an ninh châu Âu, cũng như bảo đảm sự hỗ trợ cho Ukraine.
Một vấn đề chung khác đối với London và Berlin là cuộc khủng hoảng di cư. Trước chuyến thăm Đức của Thủ tướng Keir Starmer, nước Anh phải hứng chịu làn sóng bất ổn vào mùa hè do cái chết của ba đứa trẻ dưới bàn tay của một thanh niên có cha mẹ là từ Rwanda. Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Keir Starmer cho biết ông và người đồng cấp Đức Olaf Scholz đã quyết định phát triển một kế hoạch chung để chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp và tăng cường chia sẻ thông tin tình báo trong lĩnh vực này. Ông Starmer thừa nhận, Anh sẽ không thể đối phó với các nhóm tổ chức đưa người đến châu Âu nếu không có sự giúp đỡ của các đối tác.
Theo truyền thông châu Âu, chuyến công du châu Âu và điểm khởi đầu là Đức cho thấy nỗ lực của Thủ tướng Keir Starmer trong việc đảo ngược Brexit. Ưu tiên chính sách đối ngoại của ông Starmer là khôi phục mối quan hệ của Anh với Liên minh châu Âu (EU), vốn đã bị cản trở bởi thỏa thuận Brexit vào năm 2020. Sau Berlin, Thủ tướng Keir Starmer sẽ tới Paris và hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Cung điện Elysee. Ngay trước thềm chuyến thăm, ông Starmer nhấn mạnh, đây là thời điểm thích hợp để Anh thiết lập lại mối quan hệ với châu Âu và theo đuổi mối quan hệ đối tác chiến lược nhằm mang lại lợi ích cho người dân Anh.
Thực tế, không phải chỉ trong chuyến công du châu Âu lần này của Thủ tướng Keir Starmer, vấn đề “lật ngược tình thế Brexit và hàn gắn mối quan hệ Anh - châu Âu” mới được đưa ra. Các bên đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu lần thứ tư mà Anh đăng cai tổ chức vào tháng 7 vừa qua. Trong gần 2 tháng, ông Starmner đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz 5 lần và Tổng thống Pháp Macron 3 lần. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc hợp tác với Đức, Pháp nhằm bảo đảm những vấn đề lợi ích cốt lõi của Anh, nhất là kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước và giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp.
Theo Bloomberg, Thủ tướng Olaf Scholz có quan điểm gần gũi hơn với ông Starmer, đặc biệt trong các vấn đề chiến lược, quân sự, song giữa hai nước chưa có mối quan hệ quân sự chặt chẽ nào có thể so sánh với hiệp ước Lancaster House giữa Anh và Pháp được nhất trí vào năm 2010, với cam kết thành lập lực lượng chung và chia sẻ thiết bị, trung tâm nghiên cứu tên lửa hạt nhân. Vì vậy, hiệp ước phòng thủ Anh - Đức nếu đạt được có thể sẽ là điểm khởi đầu để London tăng cường hợp tác quốc phòng với toàn bộ Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc đàm phán một thỏa thuận quân sự có tình ràng buộc về mặt pháp lý giữa Anh với Đức hay các nước EU có thể sẽ mất nhiều năm và gặp nhiều rào cản.
Thứ nhất, Thủ tướng Keir Starmer hiện đang ưu tiên tiến hành đàm phán lại hiệp định thương mại giữa Anh và EU, được ký kết vào năm 2020 bên cạnh thỏa thuận Brexit. Đảng Lao động đặt mục tiêu cho ông Starmer giải quyết vấn đề này vào năm 2026.
Thứ hai, Đức hay các nước châu Âu sẽ có tâm lý cảnh giác cao khi kinh nghiệm đàm phán với chính phủ Bảo thủ ở Anh về Brexit và các vấn đề liên quan đang gây ra hậu quả cho EU.
Cuối cùng, EU hiện đang tập trung cho cuộc xung đột Nga - Ukraine và nối lại hợp tác với Anh không nằm trong ưu tiên chiến lược của EU hiện nay. Do đó, EU sẽ không vội trong đàm phán để ký kết các thỏa thuận thương mại, quân sự với Anh.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-14 09:05:00
Ukraine mất thế trận trên chiến trường, thoả thuận ngừng bắn còn mơ hồ
-
2025-01-13 07:00:00
Điều gì chờ đợi Trung Đông sau một năm đẫm máu?
-
2024-08-29 07:54:00
Tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza đối mặt nhiều thách thức
Tại sao Israel và Hezbollah quyết định tránh một cuộc chiến lớn?
Các nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang Đông Nam Á
Ứng viên độc lập Robert Kennedy Jr. rút lui, tạo bước ngoặt cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ?
Thách thức không nhỏ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu
Ấn Độ, Nhật Bản tăng cường hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Từ Trung Đông đến Ukraine: Trật tự thế giới mới đang được định hình
Khoảng lặng cần thiết đối với Tổng thống Macron
Chiến dịch quân sự của Ukraine tại khu vực Kursk đẩy xung đột Nga - Ukraine lên nấc thang mới
Nền kinh tế Liban đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn do xung đột