(Baothanhhoa.vn) - Nhiều dân công hỏa tuyến (DCHT) khi làm thủ tục đề nghị hưởng chế độ trợ cấp vẫn chưa thực sự bảo đảm đúng các yêu cầu như quy định. Thực tế, việc khó khăn nhất hiện nay chính là khó xác minh thời gian tham gia DCHT, vì thời gian qua đã lâu, không có hồ sơ lưu, số đối tượng có hồ sơ như quy định chỉ đếm trên đầu ngón tay, trên 90% là tự khai không có giấy tờ chứng minh...

Thực hiện chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia các cuộc kháng chiến: Cần giải pháp tháo gỡ bảo đảm thực hiện tốt Quyết định 49

Nhiều dân công hỏa tuyến (DCHT) khi làm thủ tục đề nghị hưởng chế độ trợ cấp vẫn chưa thực sự bảo đảm đúng các yêu cầu như quy định. Thực tế, việc khó khăn nhất hiện nay chính là khó xác minh thời gian tham gia DCHT, vì thời gian qua đã lâu, không có hồ sơ lưu, số đối tượng có hồ sơ như quy định chỉ đếm trên đầu ngón tay, trên 90% là tự khai không có giấy tờ chứng minh...

Thực hiện chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia các cuộc kháng chiến: Cần giải pháp tháo gỡ bảo đảm thực hiện tốt Quyết định 49Bộ CHQS tỉnh tổ chức thực hiện chi trả chế độ cho dân công hỏa tuyến theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Lê Phượng

Tin liên quan:
  • Thực hiện chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia các cuộc kháng chiến: Cần giải pháp tháo gỡ bảo đảm thực hiện tốt Quyết định 49
    Thực hiện chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia các cuộc kháng ...

    Từ năm 2015 trở về trước, dân công hỏa tuyến (DCHT) tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chưa được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách, khen thưởng nào. Bởi vậy, sau quá trình khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của lực lượng DCHT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 49) ngày 14-10-2015 về một số chế độ, chính sách đối với DCHT tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Theo đó, những người DCHT sẽ được hưởng các chế độ: trợ cấp một lần; bảo hiểm y tế; trợ cấp mai táng phí và được cấp “Giấy chứng nhận” tham gia DCHT.

Theo thông tư liên tịch ngày 16-12-2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 49) của Thủ tướng Chính phủ, để được hưởng trợ cấp một lần, đối tượng DCHT phải có bản chính hoặc bản sao có chứng thực của UBND cấp xã, một trong các giấy tờ thể hiện đã tham gia DCHT, gồm: lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên khai trước ngày Quyết định 49 có hiệu lực thi hành, thể hiện thời gian tham gia DCHT; danh sách các đợt huy động tham gia DCHT của địa phương; hồ sơ hưởng chính sách người có công, hưởng BHXH có khai thời gian tham gia DCHT hoặc giấy tờ tham gia DCHT (nếu có). Mức chi trả trợ cấp một lần cho DCHT qua các thời kỳ và làm nhiệm vụ quốc tế được tính như sau: thời gian tham gia dưới một năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng; đủ một năm đến dưới hai năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng; từ đủ hai năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng. Ngoài ra, còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp mai táng phí.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều DCHT khi làm thủ tục đề nghị hưởng chế độ trợ cấp vẫn chưa thực sự bảo đảm đúng các yêu cầu như quy định. Thực tế, việc khó khăn nhất hiện nay chính là khó xác minh thời gian tham gia DCHT, vì thời gian qua đã lâu, không có hồ sơ lưu, số đối tượng có hồ sơ như quy định chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết chỉ là tự khai không có giấy tờ chứng minh. Về vấn đề này, theo Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh: Theo thống kê, rà soát, trong số đối tượng được thụ hưởng chính sách, trên địa bàn tỉnh số lượng lớn đối tượng tham DCHT trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (nhưng đã mất). Với đối tượng này, thân nhân kê khai thường không nắm rõ thời gian tham gia DCHT từ ngày, tháng, năm nào. Với đối tượng còn sống thì đã già, yếu, trí nhớ suy giảm, cũng không xác định được cụ thể thời gian tham gia của bản thân. Cùng với đó, cũng có nhiều đối tượng cư trú khác địa bàn, dẫn đến tình trạng các địa phương khó xác nhận. Các đối tượng đứng khai cho thân nhân tuổi cũng đã ngoài 60 nên việc ghi chép, làm hồ sơ cũng phải nhờ con cháu thiết lập hộ, ký hộ, do vậy khai không đúng về thời gian, địa điểm, nhiệm vụ dẫn đến việc hồ sơ thời gian đầu bị trả làm lại nhiều. Đơn cử như trường hợp của bà Hoàng Thị T., sinh năm 1937 (TP Thanh Hóa) là DCHT tham gia chống Pháp. Trong bản khai cá nhân đề nghị hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định 49 của bà T., ghi rõ: Hồ sơ, giấy tờ liên quan chứng minh tham gia DCHT đã mất; đợt 1 (ngày đi 20-2-1953, ngày về 15-3-1954; nhiệm vụ được giao là gánh gạo lên Thượng Lào. Như vậy, thời gian kê khai tham gia DCHT là quá dài so với quy định. Bởi, DCHT gánh gạo thời gian dài nhất chỉ có 6 tháng). Đợt 2, bà T. khai, ngày đi DCHT là 10-12-1954, ngày về 15-11-1955. Như vậy, theo Quyết định 49, bà T. không đủ điều kiện được hưởng trợ cấp. Bởi, DCHT tham gia kháng chiến chống Pháp chỉ tính đến ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ là 20-7-1954. Trong khi, thời gian đi DCHT của bà T. là sau kháng chiến chống Pháp, miền Bắc đã lập lại hòa bình. Theo đó, đối với trường hợp của bà T. và những trường hợp như bà T., Bộ CHQS tỉnh trả lại hồ sơ để gia đình kê khai lại. Đồng thời, để xác minh, chứng thực các hồ sơ của đối tượng, tại các địa phương, tổ tư vấn, tổ giúp việc thực hiện việc niêm yết danh sách tham gia DCHT ở thôn, xã, phường, nơi công cộng, phát trên hệ thống truyền thanh thôn để người dân xem, biết đối tượng tham gia DCHT có đúng hay không.

Vừa qua, tại hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Thọ Xuân, cử tri các xã Xuân Phong, Thọ Lộc đã kiến nghị huyện làm rõ việc giải quyết chế độ theo Quyết định 49, nhất là việc chậm giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng DCHT. Về vấn đề này, theo Ban CHQS huyện, đến tháng 12-2020, Ban CHQS huyện đã tiếp nhận và gửi hồ sơ đề nghị Bộ CHQS tỉnh 20.547 đối tượng, trong đó 18.206 đối tượng đã được nhận chế độ 1 lần, còn 2.341 đối tượng đang chờ quyết định. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ tại các xã, thị trấn vẫn còn một số sai sót, do đó đến nay vẫn còn một số đối tượng chưa được nhận hỗ trợ theo quy định. Đây cũng là thực trạng chung tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tại huyện Thiệu Hóa, theo khảo sát ban đầu toàn huyện có khoảng 17.000 đối tượng DCHT, sau khi lọc hồ sơ, toàn huyện còn khoảng 14.000 đối tượng. Theo Ban CHQS huyện, trong quá trình xác minh hồ sơ, ngoài các hồ sơ khai chưa đảm bảo quy định về thời gian, địa điểm, nhiệm vụ Ban CHQS huyện phải trả lại để bổ sung, hoàn thiện, Ban CHQS huyện cũng trả lại khoảng 1.000 hồ sơ không đúng đối tượng thụ hưởng. Đây phần lớn đều là dân công 202 (dân công tham gia thực hiện các công trình xã hội, kiên thiết đất nước như đắp đê, xây cầu, làm đường, các công trình thủy lợi). Đơn cử như trường hợp bản khai cá nhân của bà Lê Thị L., sinh năm 1955, khai: Đợt 1 đi năm 1972, ngày về tháng 12-1973, nhiệm vụ được giao, bạt núi ve đường; địa bàn thực hiện nhiệm vụ Lang Chánh, đường 217 đi Lào. Theo Ban CHQS huyện, đây là trường hợp thuộc dân công 202, không thuộc đối tượng thụ hưởng theo Quyết định 49. Cũng theo Ban CHQS huyện, đến thời điểm hiện tại, tuy địa phương không có đơn, thư kiến nghị trong công tác giải quyết chế độ, chính sách theo quyết định, nhưng địa phương vẫn còn hơn 200 đối tượng đang trong giai đoạn hoàn thiện, bổ sung hồ sơ để xét duyệt.

Theo Bộ CHQS tỉnh, sở dĩ vẫn còn một số lượng lớn hồ sơ tồn đọng, phát sinh là bởi nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, phải kể đến nguyên nhân khó xác minh thông tin, phải mất nhiều thời gian sàng lọc các thông tin do Thanh Hóa là địa bàn rộng, số lượng đối tượng lớn, một số huyện miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đường sá đi lại khó khăn, nên gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền chủ trương, chế độ, chính sách. Một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn bổ sung của trên chậm, hồ sơ phải trả về để bổ sung nhiều lần nên gây bức xúc cho đối tượng.

Ngoài ra, cũng theo quy định về điều kiện đối tượng được hưởng: Người đã từ trần thì vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo mức thống nhất tương ứng. Tuy vậy, theo ghi nhận của phóng viên, không ít trường hợp cho thấy bất cập: Người đã từ trần, bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, con trai đã mất, chỉ còn con dâu duy nhất và cháu nội duy nhất thờ cúng nhưng theo quy định thì con dâu hoặc cháu nội không được hưởng... Hoặc dưới 16 -17 tuổi tham gia DCHT không được thụ hưởng. Trong khi đó, theo thực tế hồ sơ tại các địa phương, có không ít DCHT dưới 18 tuổi đã tham gia DCHT. Hay các đối tượng thuyền nan... Đây cũng chính là một trong những khó khăn, bất cập khi các địa phương triển khai thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước. Bởi, đã có không ít thân nhân các đối tượng thắc mắc và có kiến nghị. Bộ CHQS tỉnh sau khi thống kê, rà soát các hồ sơ và bản khai cá nhân đã có những đề xuất, kiến nghị để được xem xét.

Quyết định số 49 về thực hiện chế độ, chính sách đối với DCHT tham gia các cuộc kháng chiến là một chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước nhằm ghi nhận, tôn vinh những người có công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, để chính sách đi vào thực tiễn, bảo đảm chính xác, kịp thời, những người từng tham gia DCHT đều mong muốn Nhà nước có giải pháp thực hiện đơn giản mà hiệu quả, không bỏ sót đối tượng mà vẫn ngăn ngừa được tình trạng khai man hay trục lợi từ chính sách. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải nâng cao trách nhiệm trong tổ chức. Tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát việc thực hiện, không để xảy ra sai sót và chủ động giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh.

Lê Phượng


Lê Phượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]