(Baothanhhoa.vn) - Lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xây dựng một nghị quyết, một chuyên đề riêng về quy hoạch phát triển đô thị. Thường trực Ban Bí thư đã tham gia trực tiếp vào chương trình, cho thấy sự quan tâm của Đảng ta về phát triển đô thị trong tình hình mới.

Quy hoạch, phát triển đô thị đảm bảo tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại

Lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xây dựng một nghị quyết, một chuyên đề riêng về quy hoạch phát triển đô thị. Thường trực Ban Bí thư đã tham gia trực tiếp vào chương trình, cho thấy sự quan tâm của Đảng ta về phát triển đô thị trong tình hình mới.

Quy hoạch, phát triển đô thị đảm bảo tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại

Một góc TP Thanh Hóa - đô thị đang được xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại.

Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong lộ trình đưa đất nước ta ngày càng giàu mạnh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ sinh thời từng căn dặn. Với tỉnh Thanh Hóa - địa phương đang phát triển năng động với những đô thị đổi thay từng ngày, Nghị quyết chính là sự “chắp cánh” để tỉnh phát triển các đô thị động lực, đẩy mạnh đô thị hóa, thực hiện nhiều nhiệm vụ theo Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05-8-2020 của Bộ Chính trị.

Từ thuở dựng nước và giữ nước, cha ông ta luôn phải đấu tranh với ngoại bang để giành lại từng tấc đất, khai khẩn để mở mang bờ cõi. Sau khi ổn định từng tấc vàng lãnh thổ, các triều đại phong kiến đều lựa chọn những vị trí “địa lợi, nhân hòa” để đặt kinh đô. Đó chính là hình thức manh nha phát triển đô thị để xây dựng những khu vực phát triển về nhiều mặt, tạo nên những trung tâm kinh tế, chính trị. Xuyên suốt quá trình phát triển đất nước qua nhiều thời kỳ lịch sử, ngoài các kinh đô, những huyện lỵ, tỉnh lỵ tiếp tục được hình thành và phát triển, tạo nền móng cho phát triển đô thị ngày nay.

Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc “Cách mạng Công nghiệp 4.0”, trong đó tập trung về khoa học - kỹ thuật và công nghệ, đã giúp các đô thị có những bước chuyển mình nhanh chóng, đẩy mạnh sự giao thoa phát triển. Một ‘thế giới phẳng” đã và đang được thiết lập, đem lại cơ hội học hỏi kinh nghiệm, áp dụng những tiến bộ trong phát triển đô thị trên khắp thế giới. Đô thị hóa đang là xu thế tất yếu để phát triển, nếu Việt Nam không theo kịp thế giới về phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sẽ bị tụt hậu. Đó chính là lý do để Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời.

Quy hoạch, phát triển đô thị đảm bảo tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại

Huyện Triệu Sơn tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trước kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu 1 ngày, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt và triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiều nội dung liên quan đến phát triển đô thị trong hoàn cảnh, điều kiện mới đã được quán triệt đến lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ điểm cầu Trung ương, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã khẳng định “đô thị hóa, phát triển đô thị là tất yếu khách quan, là động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Quan điểm phát triển đô thị theo Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị là lấy con người, chất lượng cuộc sống làm trung tâm, đồng thời cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý xã hội. Đô thị hóa sẽ được gắn với xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống công trình công cộng phục vụ người dân. Điều này cũng đặt ra việc đổi mới tư duy, lý luận, công tác quản lý đô thị của lãnh đạo cơ quan Trung ương, các địa phương trong nước”.

Tại hội nghị, các tham luận của đại diện các bộ, ngành Trung ương, nhiều tỉnh, thành phố đều bày tỏ vui mừng, hào hứng đón nhận một nghị quyết có tính thực tiễn, hợp xu thế phát triển. Đây được coi là “kim chỉ nam”, là định hướng để các địa phương trong cả nước xây dựng và phát triển hệ thống đô thị hiện đại.

Nhiều tham luận của các tỉnh, thành phố có giá trị tham khảo rất lớn bởi có tính tương đồng với quá trình phát triển đô thị của tỉnh Thanh Hóa. Đại diện TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ kinh nghiệm phát triển thành phố hai bên sông - bước đi mà Thanh Hóa đang triển khai cho TP Thanh Hóa định hướng phát triển bám sát đôi bờ sông Mã. Còn lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nói rõ về quá trình hình thành và phát triển các đô thị thông minh mà xứ Thanh đã và đang xây dựng. Những định hướng chung cho xây dựng các đô thị hiện đại cũng được đại diện nhiều bộ, ngành ở Trung ương phổ biến, làm tư liệu tham khảo quan trọng cho các địa phương nói chung, Thanh Hóa nói riêng trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết.

Quy hoạch, phát triển đô thị đảm bảo tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại

Điểm cầu hội nghị tiếp nhận nghị quyết tại huyện Ngọc Lặc.

Nhận xét về vai trò quan trọng của Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, ông Phan Lê Quang, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa, cho rằng: “Tôi thấy Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò đặc biệt của phát triển đô thị bởi hiện nay kinh tế ở đô thị đang đóng góp khoảng 70% GDP đất nước. Nhiệm vụ phát triển đô thị được Nghị quyết đề ra, không chỉ tạo ra không gian sống tốt cho người dân, mà còn là động lực để phát triển kinh tế - chính trị đất nước. Khi quy hoạch phát triển đô thị chú trọng đến hạ tầng công cộng, nhà ở, an sinh xã hội, tạo ra giá trị kinh tế, việc làm, đó chính là đích phát triển của sự thịnh vượng”.

Với tỉnh Thanh Hóa, theo ông Quang: Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Thanh Hóa hiện mới đạt 36%, thấp hơn trung bình chung cả nước là 40% nên Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa lớn để tỉnh đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Đây cũng là cơ hội để tỉnh cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05-8-2020 của Bộ Chính trị bởi các cực tăng trưởng của tỉnh được xác định tại Nghị quyết này đều là các đô thị lớn. Nhiệm vụ phát triển “tứ sơn” - các trung tâm động lực của tỉnh cũng chính là phát triển các đô thị Bìm Sơn, Nghi Sơn, Sầm Sơn và Lam Sơn - Sao Vàng.

Ghi nhận tại điểm cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành đơn vị cấp tỉnh đã nghiêm túc học tập, tiếp nhận các nội dung thông tin của Nghị quyết 06-NQ/TW.

Với Thanh Hóa, đây chính là điều kiện, định hướng quan trọng để tỉnh đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị bền vững. Nghị quyết được triển khai cũng chính là dịp để tỉnh hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu về nhà ở và nhu cầu hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị của tỉnh.

Quy hoạch, phát triển đô thị đảm bảo tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại

Lãnh đạo, cán bộ huyện Quan Hóa học tập, tiếp thu các nội dung Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nhận thức sâu sắc được vai trò của phát triển đô thị trong xu thế phát triển hiện nay, ngay từ khi Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị mới được ban hành, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Kế hoạch số 57-KH/TU để quán triệt thực hiện. Ngoài các mục tiêu chung, Tỉnh ủy Thanh Hóa còn đề ra nhiều mục tiêu tổng quát như: Phát triển đô thị có kiến trúc hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa xứ Thanh theo đúng quy hoạch. Nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được đề ra trên cơ sở phân tích hiện trạng và điều kiện phát triển đô thị hiện tại. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 40% trở lên, đến năm 2030 đạt trên 50%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích tự nhiên đến năm 2030 dự kiến đạt từ 1,9 đến 2,3%.

Theo quy hoạch xây dựng, số lượng đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 khoảng 45 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP của tỉnh đến 2025 phấn đấu đạt 75%, đến năm 2030 phấn đấu đạt 85% của toàn tỉnh. Lộ trình đến 2030, tỉnh sẽ xây dựng các thành phố Thanh Hóa và Sầm Sơn, các thị xã Bỉm Sơn và Nghi Sơn thành đô thị thông minh, kết nối các đô thị thông minh của khu vực và quốc gia.

Trên thực tế, Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung Bộ. “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển là trách nhiệm của tỉnh Thanh Hóa và cả nước nhằm hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh Thanh Hóa”. Nhiệm vụ tổng quát ấy càng có cơ sở để hiện thực hóa khi Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời, áp dụng vào thực tiễn tại Thanh Hóa.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Kế hoạch số 275/KH-UBND về phát triển hệ thống đô thị nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa, phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; đảm bảo đến năm 2025 đạt mục tiêu đô thị hóa 40% trở lên. Theo đó, đến 2025 Thanh Hóa sẽ phát triển 1 đô thị loại I là TP Thanh Hóa (sáp nhập TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn); 2 đô thị loại III gồm TP Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn; 1 đô thị loại IV là thị xã Nghi Sơn và 29 thị trấn là đô thị loại V, gồm: Tân Phong, Nông Cống, Triệu Sơn, Nưa, Nga Sơn, Quán Lào, Thống Nhất, Yên Lâm, Quý Lộc, Vạn Hà, Bút Sơn, Hậu Lộc, Bến Sung, Vĩnh Lộc, Kim Tân, Vân Du, Phong Sơn, Lang Chánh, Yên Cát, Thường Xuân, Cành Nàng, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Thọ Xuân, Lam Sơn, Sao Vàng, Ngọc Lặc, Hà Trung. Trên lộ trình ấy, tỉnh cũng thành lập 13 đô thị mới, gồm: Diêm Phố, Cầu Quan, Bồng, Kiểu, Tiên Trang, Gốm, Hải Tiến, Hà Long, Hà Lĩnh, Ba Si, Luận Thành, Thạch Quảng, Xuân Thiên.

Quy hoạch, phát triển đô thị đảm bảo tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại

Đô thị công nghiệp Nghi Sơn đang phát triển năng động.

Gần đây, nhiều người có sự quan tâm đặc biệt đến thông tin sáp nhập huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa thành đô thị tỉnh lỵ quy mô lớn của xứ Thanh. Cuối tháng 1-2022 Bộ Xây dựng đã tổ chức thẩm định đồ án Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 với phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Thanh Hóa và toàn bộ địa giới hành chính huyện Đông Sơn, quy mô diện tích hơn 228 km2, dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 780.000 người, đến năm 2040 khoảng 1 triệu người.

Thông tin từ Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa cho biết, quy hoạch nhằm nâng cao vai trò, vị thế của đô thị Thanh Hóa thịnh vượng, hiện đại, sinh thái, giàu bản sắc, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, phát huy truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn. Tầm nhìn của đô thị hướng tới một “Thành phố hội tụ, kết nối phát triển” với vai trò là một trung tâm liên kết vùng Bắc Trung Bộ với đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào.

Hướng phát triển đô thị TP Thanh Hóa theo mô hình “vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm”, lấy trục đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm, lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị. Đến nay TP Thanh Hóa là một trong những đô thị hấp dẫn, năng động nhất khu vực Bắc Trung bộ và Nam Đồng bằng Sông Hồng, là đô thị loại I, cùng với TP. Vinh và TP. Huế là 1 trong 3 đô thị có quy mô dân số, diện tích lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ. Hiện nay đã xuất hiện nhiều yếu tố mới mang tính động lực phát triển cho thành phố như các hạ tầng giao thông mới của quốc gia và sự tăng trưởng mạnh của khu vực ven biển Thanh Hóa là cơ sở để tính toán đến việc điều chỉnh một số định hướng phát triển lớn của TP Thanh Hóa theo hướng mở rộng, tạo ảnh hưởng lớn hơn tới các vùng, miền trong tỉnh. Huyện Đông Sơn hiện tại tập trung các tuyến giao thông quan trọng mang tính chất cửa ngõ như: QL45, QL47, đường Cao tốc Bắc - Nam, đường nối Trung tâm TP. Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân, tạo ra cơ hội hình thành các chức năng mang tính chất động lực phát triển như công nghiệp, dịch vụ - thương mại, dịch vụ vận tải và logistics... Việc mở rộng quy hoạch chung TP Thanh Hóa theo hướng sáp nhập huyện Đông Sơn, vừa tăng cường các chức năng trụ cột cho thành phố; đồng thời phù hợp với phương hướng sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện do điều kiện huyện Đông Sơn có quy mô diện tích quá nhỏ so với tiêu chuẩn. Cùng với đó có mối quan hệ chặt chẽ về văn hóa, lịch sử truyền thống giữa huyện Đông Sơn và Thành phố Thanh Hóa.

Xét về yếu tố lịch sử, cả TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn hiện tại đã 4 lần được lựa chọn là thủ phủ tỉnh lỵ Thanh Hóa (Tư Phố, Đông Phố, Dương Xá, Thọ Hạc) với tổng cộng thời gian khoảng 1.700 năm. Nếu sáp nhập, đô thị Thanh Hóa nằm ngay ở nơi hội nhập của hai dòng sông lớn là sông Mã và sông Chu tại vị trí Ngã ba Đầu, trước khi đổ ra biển tại Cửa Hới. Chính vì vậy, nơi đây là nơi lắng tụ đa tầng văn hóa - lịch sử, bởi vùng thượng nguồn sông Mã bắt nguồn từ Điện Biên, qua Lào và tỉnh Sơn La mang đậm văn hóa vùng Tây Bắc, đặc biệt là dân tộc Thái đen; sông Mã chảy qua khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa là vùng đậm đặc các di chỉ văn hóa Hòa Bình; xuống hạ nguồn sông Mã là nơi có các di chỉ Văn hóa Đa Bút và di chỉ Văn hóa Đông Sơn.

Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang mở ra cơ hội phát triển cho cả nước, trong đó có Thanh Hóa. Với đường hướng đã được vạch ra, với quyết tâm sẵn có, tin tưởng các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa sẽ vận dụng thành công tinh thần của Nghị quyết để phát triển đô thị Thanh Hóa ngày càng quy mô, hiện đại, giầu bản sắc.

Nhóm PV Kinh tế


Nhóm PV Kinh tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]