(Baothanhhoa.vn) - Tốt nghiệp Khoa Luật của Trường Đại học Vinh, chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Nga Thủy (Nga Sơn) trở về quê chọn hướng đi riêng mà ít người ngờ tới: Làm trưởng thôn. Được bà con tín nhiệm và đồng thuận, nhiều phong trào của thôn đều đi đầu trong xã bởi sự lãnh đạo của cô trưởng thôn sinh năm 1989 này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nữ cử nhân luật làm trưởng thôn

Tốt nghiệp Khoa Luật của Trường Đại học Vinh, chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Nga Thủy (Nga Sơn) trở về quê chọn hướng đi riêng mà ít người ngờ tới: Làm trưởng thôn. Được bà con tín nhiệm và đồng thuận, nhiều phong trào của thôn đều đi đầu trong xã bởi sự lãnh đạo của cô trưởng thôn sinh năm 1989 này.

Nữ cử nhân luật làm trưởng thôn

Luôn gần dân, thăm hỏi tình hình sản xuất và đời sống nên trưởng thôn Nguyễn Thị Hoa được nhân dân thôn Hoàng Long tin yêu.

Ngày chúng tôi tìm về xã vùng triều Nga Thủy, nữ trưởng thôn 8x Nguyễn Thị Hoa đang đi diễn văn nghệ tại một hội nghị của huyện Nga Sơn gặp gỡ các chức sắc tôn giáo trước dịp Noel. Trò chuyện với ông Mai Văn Công, Bí thư Đảng ủy xã Nga Thủy trong lúc chờ đợi, chúng tôi được biết thêm nhiều tố chất về nữ trưởng thôn trẻ. Đây là “cây” văn nghệ quần chúng, múa giỏi, hát hay và rất hòa đồng. Mỗi khi huyện Nga Sơn có sự kiện lớn hay các hội nghị, cô đều được mời hỗ trợ diễn các tiết mục văn nghệ. “Là trưởng thôn khá trẻ của thôn Hoàng Long, ngoài trình độ, chị Hoa khá nhiệt tình, năng động và làm việc hiệu quả” – Bí thư Đảng ủy Mai Văn Công chia sẻ.

Gặp chúng tôi, ấn tượng đọng lại đầu tiên của cô nữ trưởng thôn trẻ là khả năng ăn nói lưu loát, phong thái dứt khoát mà gần gũi. Dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình sản xuất điển hình trong thôn, Hoa liên tục được người dân vẫy chào, gọi hỏi thăm như một người thân. Cô cũng không ngần ngại lội tận ruộng cói, đến các đầm nuôi tôm tìm hiểu hiệu quả kinh tế. Có lẽ sự nhiệt tình, gần dân khiến cô trưởng thôn trẻ được người dân thôn Hoàng Long tin yêu. Đó cũng là lý do mà nhân dân trong thôn luôn đồng thuận trong các phong trào, sau khi được trưởng thôn đứng ra vận động. Từ hiến đất xây dựng các công trình theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến đóng góp ủng hộ người nghèo, ủng hộ đồng bào lũ lụt, thôn đều hoàn thành sớm. Thời điểm chúng tôi có mặt, các hộ dân trong thôn cũng mới hoàn thành việc quyên góp được hơn 13 triệu đồng gửi đồng bào vùng lũ ở các huyện miền núi.

Về những mơ ước thời thơ ấu cũng như cái duyên đến với “chức” trưởng thôn, Hoa không ngần ngại chia sẻ: Sinh ra trong một gia đình nghèo, nhiều đời làm nông nghiệp ở xã Nga Thạch cùng huyện, cô đã vượt qua nhiều khó khăn vật chất trong quá trình học tập. Thiếu thốn là vậy, nhưng không ngừng dệt mơ ước lớn lên sẽ trở thành giáo viên dạy Văn. Lên cấp THPT, Hoa được học lớp chuyên văn, nhưng khi thi đại học lại đậu ngành Luật. Khi lập gia đình, về sinh sống tại nhà chồng ở thôn Hoàng Long của xã Nga Thủy, Hoa được tín nhiệm làm bí thư đoàn thanh niên thôn, dìu dắt phong trào đoàn ở đây ngày càng sôi nổi. Nhận thấy các tố chất làm phong trào ở cô, năm 2015, UBND xã Nga Thủy đã tạo điều kiện để cô phụ trách mảng văn hóa của xã với chức danh là cán bộ bán chuyên trách. Năm 2017, cô được xã giới thiệu đi học lớp trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa và tốt nghiệp vào năm 2018. Tháng 10 cùng năm, Hoa được bà con địa phương tín nhiệm bầu làm trưởng thôn.

“Trước đó, em chưa từng nghĩ đời mình sẽ làm trưởng thôn, nhưng nhiều người trong thôn, rồi chi bộ có ý kiến tiến cử, rồi bầu. Thường thì trưởng thôn phải là người nhiều tuổi nên em khá lo lắng, sợ mình còn quá trẻ nói không ai nghe, lại thiếu kinh nghiệm và vốn sống” – trưởng thôn Nguyễn Thị Hoa cho biết. Tuy có trình độ đại học, nhưng lại thiếu vốn sống, cô trưởng thôn trẻ không ngại học hỏi. Cô nhờ các đảng viên lớn tuổi trong chi bộ chỉ giúp và định hướng một số việc làm, rồi đến tận nhà những người đã làm trưởng thôn trước đó để nhờ truyền đạt một số kinh nghiệm. Cô thường xuyên dành thời gian đến với người dân, luôn hỏi han tình hình làm ăn cũng như đời sống để tạo sự gần gũi. Được người dân tin yêu, hưởng ứng các phong trào và việc làm khi cô triển khai các công việc. Khi lòng tin được gây dựng, sự đồng lòng đã làm nên sức mạnh tập thể để thôn Hoàng Long luôn hoàn thành nhiều nhiệm vụ xã giao, trở thành thôn đi đầu trong các phong trào.

Thời điểm Hoa bắt đầu làm trưởng thôn Hoàng Long, thôn được xã giao nhiệm vụ làm điểm để đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Nhiều tiêu chí chưa hoàn thành, nhiệm vụ nặng nề lại đặt lên vai nữ cán bộ thôn trẻ tuổi. Khi đã hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, khó khăn nhất vẫn là tỷ lệ hộ nghèo trong thôn còn nhiều, vấn đề vệ sinh môi trường chưa đạt yêu cầu. Để nâng cao thu nhập cho người dân cũng như giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo; đồng thời, thực hiện chủ trương của xã và huyện, cô trưởng thôn trẻ đã vận động nhân dân dồn đổi ruộng đất trong thôn nhằm đổi mới hình thức sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế. Nhiều người chưa hiểu, chưa đồng thuận nên càng phải tăng cường vận động, thuyết phục. Thế rồi phong trào đã gặt hái được kết quả đáng mừng. Từ những mảnh ruộng nhỏ thuộc vùng trồng cói kém hiệu quả rộng hàng chục héc – ta ven sông Lèn được dồn thành từng vùng lớn rộng từ 5 sào trở lên để đầu tư trang trại và nuôi trồng thủy sản. Ở những cánh đồng cao, nhiều mô hình trồng cây màu theo hướng hàng hóa được triển khai hiệu quả. Nghề tiểu thủ công nghiệp từ cói, rồi các hoạt động thương mại, dịch vụ trong thôn dần phát triển mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, thôn có 125 hộ phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, 86 hộ nuôi trồng thủy, hải sản, 4 hộ duy trì trang trại tổng hợp, hàng chục hộ khác phát triển các nghề thương mại, dịch vụ. Riêng vùng nuôi trồng thủy sản trong thôn đã cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Từ đó, thu nhập bình quân đầu người của thôn năm 2019 ước đạt hơn 41 triệu đồng/người/năm. Hơn 70% số hộ trong thôn có điều kiện kinh tế khá và giàu, với nhà tầng khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn liên tục giảm, hiện chỉ còn dưới 2% tổng số hộ; thôn đang phấn đấu, trong năm 2020 sẽ xóa hết hộ nghèo. Thời khắc năm 2020 còn chưa tới, nhưng trưởng thôn Nguyễn Thị Hoa đã trăn trở, làm sao phát huy hiệu quả được một số ruộng hoang mà thời gian gần đây, nhiều hộ không canh tác. “Em sẽ vận động để các hộ không còn nhu cầu canh tác chấp nhận dồn đổi về một khu, sau đó kêu gọi hộ khác nhận để xây dựng mô hình trồng trọt tập trung hoặc nuôi trồng thủy sản”. Trong xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp, qua vận động của Hoa, người dân đã tự giác và hình thành phong trào dọn vệ sinh hàng tuần. Làng quê được trồng thêm nhiều cây xanh, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm nên không còn cảnh nhếch nhác.

Với phụ cấp trưởng thôn và kiêm nhiệm phụ trách mảng văn hóa xã, thu nhập mỗi tháng của trưởng thôn Nguyễn Thị Hoa mới đạt hơn 2 triệu đồng. Nhưng khi đã yêu thích công việc “vác tù và hàng tổng”, lại được nhân dân tín nhiệm tin yêu, được người chồng là giáo viên hậu thuẫn, cô vẫn chuyên tâm với nhiệm vụ. Nói về người “thủ lĩnh” trong các phong trào của thôn, anh Lê Thiệu Thịnh, một người dân của thôn, ca ngợi: Cô Hoa tuy trẻ nhưng dám nghĩ, dám làm. Làm cán bộ thôn, cô rất gần dân, ai cũng yêu quý. Trong công việc, cô ấy luôn hết trách nhiệm nên được bà con chúng tôi tin tưởng.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài Và Ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]