Sáng 4-12, phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ 2

Sáng 4-12, phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Ủy ban Dân tộc. Ảnh: TTXVN

Dự đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.

Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương và gần 1.600 đại biểu chính thức tiêu biểu đại diện cho 54 dân tộc anh em trên mọi miền đất nước.

Trước khi vào đại hội, các đại biểu đã thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng dịch COVID-19.

Biểu tượng đặc biệt, sinh động nhất về sự đoàn kết các dân tộc

Đọc diễn văn khai mạc đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 là sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt, sinh động nhất về sự đoàn kết các dân tộc “như cây một cội, như con một nhà”.

Đồng chí Trương Hòa Bình khẳng định, đại hội là diễn đàn giao lưu, trao đổi, nắm bắt tâm tư của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Niềm tin được nhân lên khi mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đây là lần đầu tiên chúng ta có một chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng mức vốn bố trí cho giai đoạn 2021-2025 là hơn 130 nghìn tỷ đồng, đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực với trọng tâm là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào; phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vững mạnh...

“Với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”, đại hội tin tưởng sâu sắc rằng, khối đại đoàn kết các dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn và phát huy sức mạnh, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước ta phát triển phồn thịnh, hạnh phúc”, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt kết quả toàn diện

Trình bày tóm tắt Báo cáo Chính trị tại đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước.

Với nỗ lực thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất, 10 năm qua (2010-2020), kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Đến nay, 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm huyện; 100% xã, 97,2% thôn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, THCS; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế...

Bình quân hằng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; các huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng, đạt kết quả tốt; nhờ đó, một số phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ. Các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề người dân tộc thiểu số đã hỗ trợ đào tạo khoảng trên 1,1 triệu người; 82,1% người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên có việc làm.

Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp; đồng thời đề ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030: Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến năm 2025 tăng trên 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030 bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2030 giảm xuống dưới 10%; đến hết năm 2025, phấn đấu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp.

Tại đại hội, các đại biểu đã tham luận về nhiều nội dung: Giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng nói và chữ viết; kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Khơi gợi tinh thần và khát vọng về một Việt Nam hùng cường

Phát biểu chỉ đạo đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đại hội là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, như “54 cánh sen tạo nên một bông sen Việt Nam” rực rỡ, ngát hương.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trân trọng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước đã đóng góp xứng đáng công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn vừa qua, đồng thời khẳng định, cộng đồng các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời và là “máu thịt” của dân tộc Việt Nam. Đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; là yếu tố có tính nền tảng để bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ trung ương đến cơ sở cần có trách nhiệm đẩy mạnh phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; nỗ lực cao nhất nhằm giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, thực hiện thắng lợi các nghị quyết, quyết định về Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần phát huy tính năng động, sáng tạo, trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững và tránh tái nghèo. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với mặt bằng chung cả nước...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số dù khó khăn vất vả cũng phải ưu tiên thời gian và tiền của, tạo mọi điều kiện để cho con em được đến trường. “Chỉ có giáo dục mới là con đường duy nhất đưa bản làng, quê hương, đất nước chúng ta phát triển giàu mạnh”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời cần kiên quyết bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; tìm cách chuyển hóa các di sản và bản sắc dân tộc trở thành nguồn lực, tài nguyên cho sự phát triển bền vững.

“Hãy truyền dạy cho con cháu muôn đời về lòng yêu nước của cha ông ta, về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; về đức tính cần cù, chịu khó, thật thà, tốt bụng; về ý chí dấn thân vì cộng đồng, đất nước; hãy khơi gợi tinh thần và khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045 trong đồng bào dân tộc thiểu số”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng các đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em, từ mọi miền của đất nước sẽ lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng lòng, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển cường thịnh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ủy ban Dân tộc.

(Theo TTXVN và hanoimoi.com.vn)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]