(Baothanhhoa.vn) - Trước sự tác động của dịch bệnh COVID-19, khi nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế chịu tác động nặng nề thì thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận sự nỗ lực, bứt phá của các đơn vị, doanh nghiệp và người kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thị trường bán lẻ tăng trưởng khả quan

Trước sự tác động của dịch bệnh COVID-19, khi nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế chịu tác động nặng nề thì thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận sự nỗ lực, bứt phá của các đơn vị, doanh nghiệp và người kinh doanh.

Thị trường bán lẻ tăng trưởng khả quanKhách hàng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị Vinmart+, TP Thanh Hóa.

Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh có 381 chợ, 2 trung tâm thương mại, 20 siêu thị, 100 cửa hàng kinh doanh theo hình thức siêu thị, hơn 60.000 cửa hàng kinh doanh thương mại và hàng chục doanh nghiệp cổ phần kinh doanh một phần dịch vụ phân phối hàng hóa... Bên cạnh đó là hệ thống các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ thương mại đã được UBND tỉnh ban hành, quy định. Đây chính là tiền đề vững chắc để trợ lực cho thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, bền vững.

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh đều đạt mức tăng trưởng bình quân 7 - 12%/năm. Trong đó, năm 2019, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 91.956 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2018; năm 2020, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 98.312 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2019. Sự tăng trưởng này được nhận định một phần do mức sống, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân ngày càng tăng và sự xuất hiện, ra đời của nhiều hệ thống bán lẻ hiện đại với hệ thống khuyến mãi phù hợp đã thu hút, kích thích nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Từ đầu năm 2020, dưới tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19, thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển mình để đáp ứng thói quen mua sắm tiêu dùng mới. Nhiều đơn vị bán lẻ lớn trên địa bàn tỉnh, như: Siêu thị BigC (Tập đoàn Central Group của Thái Lan), Siêu thị Co.opmart (Sài Gòn Co.opmart); Siêu thị Mediamart (Công ty CP MediaMart), Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, hệ thống siêu thị của Thế giới di động... đã có sự đầu tư lớn vào công nghệ, chuyển đổi từ kênh bán hàng truyền thống sang kênh bán hàng trực tuyến. Đồng thời, phát triển mạnh mẽ dịch vụ giao hàng tại nhà.

Tìm hiểu tại hệ thống bán hàng Vinmart+ được biết: Bên cạnh bán hàng tại các điểm truyền thống, hệ thống đã phát triển thêm các gian hàng trực tuyến với hàng trăm mặt hàng từ rau củ quả, mỹ phẩm, quần áo,... Thông qua việc tải App VinID về điện thoại thông minh, khách hàng có thể mua sắm những mặt hàng cần mua và tiến hành thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc ví mua sắm. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, đội ngũ giao hàng VinMart sẽ giao hàng tới tận nơi, theo địa chỉ khách hàng đăng ký. Với những hóa đơn từ 500.000 đồng sẽ được miễn phí giao hàng trong bán kính 10 km. Ngoài ra, Vinmart còn có rất nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn khác. Đại diện cửa hàng Vinmart Lê Lai, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa, cho biết: Hệ thống bán hàng trực tuyến của Vinmart đã phát triển từ những năm đầu thành lập, tuy nhiên, trên địa bàn TP Thanh Hóa, từ đầu năm 2020 đến nay, việc mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tận nhà của Vinmart mới thực sự phát triển. Hằng ngày, tại cửa hàng có khoảng 20 - 30 đơn hàng, tổng giá trị khoảng 30 - 40 triệu đồng được mua và thanh toán qua hệ thống thương mại điện tử.

Một điểm đáng ghi nhận trong sự phát triển của thị trường bán lẻ tỉnh ta chính là việc các doanh nghiệp, các nhà phân phối lớn đã thực hiện những chính sách kích cầu, khuyến mãi để thu hút khách hàng. Theo thống kê của Sở Công Thương, năm 2020, sở đã nhận được hơn 5.100 lượt đăng ký khuyến mãi của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Trong đó, hầu hết các chương trình khuyến mãi được đăng ký đều phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nhà sản xuất. Đa phần người tiêu dùng được khảo sát đều cho rằng, các đợt khuyến mãi chính là bài toán hiệu quả từ nhà cung cấp, phân phối sản phẩm nhằm kích thích nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường bán lẻ nói chung và thị trường bán lẻ tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã và đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1-2021 đạt 9.451 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng 12-2020 và dự ước trong tháng 2-2021 (trùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021) tổng doanh thu bán lẻ tăng cao so với cùng kỳ. Bởi trước đó, các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh đã dự trữ nguồn hàng hóa đáng kể và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân. Theo đánh giá của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương: Mặc dù, dịch bệnh COVID-19 trong hơn 1 năm qua đã tác động xấu đến sự phát triển của các ngành kinh tế, song thị trường bán lẻ hàng hóa tỉnh Thanh Hóa vẫn có mức tăng trưởng ổn định, bền vững và tăng 6,7%/năm so với năm 2019.

Theo nhận định của Sở Công Thương, thị trường bán lẻ được dự đoán tiếp tục chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng với những tiền đề sẵn có về hệ thống hạ tầng thương mại, chính sách hỗ trợ khuyến khích của tỉnh và hệ thống người tiêu dùng lớn, thị trường sẽ phục hồi ổn định trở lại trong tháng 3-2021 và tiếp tục có bước phát triển lớn trong giai đoạn tiếp theo.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]