(Baothanhhoa.vn) - Tận dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập để thay đổi phương thức truyền thụ và tiếp nhận kiến thức đã giúp thầy trò kết nối, phát triển tư duy, kỹ năng học tập, làm việc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thầy trò thay đổi để thích ứng với thời đại 4.0

Tận dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập để thay đổi phương thức truyền thụ và tiếp nhận kiến thức đã giúp thầy trò kết nối, phát triển tư duy, kỹ năng học tập, làm việc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thầy trò thay đổi để thích ứng với thời đại 4.0Ứng dụng CNTT trong giảng dạy tại Trường THCS Hà Châu (Hà Trung).

Đứng trước yêu cầu đổi mới trong công tác giảng dạy, thầy giáo Dương Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Hà Trung (Hà Trung) đã nỗ lực đổi mới phương pháp giáo dục. Thầy Hiếu không chỉ sáng tạo ra bộ thẻ Flashcard về 100 nhân vật lịch sử để giảng dạy môn Lịch sử, mà còn chia sẻ phương pháp giúp học sinh ghi nhớ, hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy hoặc hướng dẫn học sinh học trên các app học tập; sử dụng giáo án powerpoint...

Thầy Dương Trung Hiếu chia sẻ: Trước đây giáo viên phải nói rất nhiều, từ khi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động giảng dạy, chỉ cần trình chiếu đoạn video về sự kiện lịch sử (video được lấy từ các kênh chính thống đã được kiểm duyệt) giúp cho học sinh hào hứng, thích thú hơn rất nhiều. Việc ứng dụng công nghệ cũng giúp giáo viên thỏa sức sáng tạo trong mỗi bài giảng bằng việc thiết kế bài giảng điện tử. Để làm được điều này, giáo viên cũng cần nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ công nghệ.

Không chỉ chú trọng khuyến khích giáo viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, tại Trường THPT Hà Trung tất cả 39/39 lớp đều có tivi thông minh kết nối internet hoặc máy chiếu, hệ thống loa... Hiệu trưởng Trường THPT Hà Trung Trịnh Xuân Thanh cho biết: Nhà trường đã đưa vào thực hiện song song cả học bạ điện tử và học bạ giấy; giáo viên soạn giảng bằng giáo án điện tử; việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng tốt hơn nhờ ứng dụng công nghệ số. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động nhà trường không thể nóng vội mà cần làm từng bước chắc chắn để không gây khó cho giáo viên. Đối với học sinh, đa phần các em có đầy đủ điều kiện phương tiện và năng lực để tiếp cận thông tin kiến thức ngoài chương trình giảng dạy của thầy cô. Do vậy, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, thầy cô cũng cần gợi mở và định hướng thêm cho học sinh những kiến thức bổ ích và cần thiết khác thông qua việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động học tập.

Sự phát triển của công nghệ số cũng đã mang lại nhiều phương thức học tập, mô hình học tập mới phù hợp hơn với từng đối tượng học sinh. Sự thay đổi này là cần thiết và phù hợp với nhu cầu xã hội, nhằm phát huy tính sáng tạo, khả năng phân tích, đánh giá, tư duy tổng hợp của học sinh... Đồng thời, giúp thay đổi mô thức học tập, học sinh có thể chuyển đổi từ việc thụ động học tập sang chủ động lĩnh hội những kiến thức mà mình mong muốn thông qua công nghệ số.

Tại Trường THCS Hà Châu (Hà Trung), việc thích ứng với công nghệ cũng được nhà trường nhanh nhạy nắm bắt, thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Thầy Hoàng Văn Tâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhiều giáo viên nhà trường đã chủ động với bài dạy sử dụng CNTT, tham gia soạn giảng giáo án điện tử, thiết kế các bài dạy bằng CNTT... Đối với hoạt động quản lý, nhà trường cũng sử dụng 2 phần mềm: Cơ sở dữ liệu ngành và phần mềm VnEdu để quản lý nhà trường, quản lý hồ sơ giáo viên, học sinh, chất lượng dạy học, điểm số... Bên cạnh đó, hai năm qua nhà trường đã triển khai tuyển sinh trực tuyến và thu các khoản đóng góp thông qua tài khoản ngân hàng... Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động không chỉ giúp cho hoạt động quản trị nhà trường hiệu quả hơn mà còn giúp học sinh hào hứng, thích thú, mang lại hiệu quả trong giáo dục.

Chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Ban Thường vụ Huyện ủy Nông Cống đã ban hành Nghị quyết 04 về định hướng phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó nêu rõ lộ trình phát triển giáo dục theo từng giai đoạn, từng năm học, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên. Đến nay, huyện có 93 trường được công nhận chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ trên 90%). Năm học 2022-2023 các nhà trường được trang bị 33 phòng Tin học với 733 máy vi tính thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cô Đỗ Thị Hường, giáo viên Trường Tiểu học Tế Lợi (Nông Cống) chia sẻ: "Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng linh hoạt các trò chơi trong các tiết học để các con hứng thú với bài học, tôi đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thiết kế bài giảng, đồng thời thường xuyên trao đổi tình hình học tập của học sinh với phụ huynh thông qua các nhóm zalo lớp hoặc zalo cá nhân để phối hợp giáo dục học sinh. Việc ứng dụng CNTT giúp giáo viên thỏa đam mê sáng tạo, thiết kế trò chơi, bài giảng... Từ đó giúp học sinh hứng thú, tương tác với giáo viên. Việc tăng cường tương tác, tìm kiếm thông tin trong bài giảng cũng giúp học sinh làm quen với các hình thức tự học, từ đó chủ động học tập".

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong trường học từ quản lý thông tin đến tổng hợp báo cáo các hoạt động giáo dục với cơ quan quản lý giúp giáo viên và các nhà trường giảm tải hồ sơ, sổ sách, đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời, giúp học sinh mở rộng không gian học tập ngoài lớp học truyền thống, từ đó giúp các em thích ứng với thời đại 4.0 - thời đại của công nghệ số hóa và đột phá tư duy.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]