(Baothanhhoa.vn) - Câu chuyện rau trồng hai luống, gà nuôi hai chuồng, một để ăn, một để bán ám ảnh tôi suốt nhiều năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thay đổi niềm tin sẽ dẫn lối người tiêu dùng

Câu chuyện rau trồng hai luống, gà nuôi hai chuồng, một để ăn, một để bán ám ảnh tôi suốt nhiều năm.

Thay đổi niềm tin sẽ dẫn lối người tiêu dùng

Gần đây lại liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn khiến cho niềm tin của người tiêu dùng vốn đã bé nhỏ, càng trở nên mong manh. Dù tôi đã trang bị cho căn bếp những thiết bị được quảng cáo là có thể giúp thanh lọc độc tố trong thực phẩm, nhưng vẫn chưa thể yên tâm. Bởi rất khó để máy móc nào có thể làm sạch được những lá rau được đem ra chợ bán mà trước đó chỉ vài ngày người trồng còn phun thuốc trừ sâu. Và để rau, quả thêm đẹp mắt, lớn nhanh, chủ nhân sẵn sàng tống vào luống rau đủ thứ chất kích thích, mà tồn dư của nó có thể khiến người sử dụng ngộ độc tiềm tàng.

Gần đây xu hướng làm nông nghiệp sạch, chuyển đổi xanh diễn ra ở nhiều địa phương. Thế nhưng, những biện pháp canh tác, chăn nuôi dù rất ưu việt vẫn chưa thể xoa dịu được sự nghi ngờ của người tiêu dùng về chất lượng nông sản. Nhất là khi mà giá bán những thứ rau, củ, quả, thực phẩm ấy vẫn còn khá cao, khiến cho lượng tiêu thụ khá khiêm tốn. Chúng ta dễ dàng tiếp nhận được thông tin báo chí về những cánh đồng, chuồng trại sản xuất sạch ế ẩm và nhìn thấy những bó rau được gắn mác “sạch” ế ẩm trong siêu thị và cửa hàng giới thiệu sản phẩm...

Cách đây ít ngày, để có tư liệu cho một bài viết, tôi được lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Cống đưa đi thăm một vườn nho ở xã Hoàng Sơn. Những chùm nho chín rất hấp dẫn, tôi định hái ăn, nhưng lại lưỡng lự. Ám ảnh về những chùm nho đầy tồn dư thuốc kích thích mà báo chí phản ánh chạy ngang qua đầu tôi. Chị chủ vườn cảm nhận được điều đó nên đưa tay hái nho ăn ngon lành trước mặt chúng tôi như muốn chứng minh cho sự an toàn của quả nho vườn nhà. Chúng tôi lần lượt làm theo bằng một niềm tin rằng chỉ có nho sạch chủ nhà mới dám ăn như thế. Họ đâu vì màu mè mà nỡ đánh đổi sức khỏe, tính mạng của mình.

Câu chuyện canh tác sạch và khát vọng rửa tiếng xấu cho cây trái được chúng tôi trao đổi tại vườn, làm tôi vỡ ra nhiều điều. Hóa ra truyền thông và mạng xã hội lâu nay ở góc độ nào đó đã khiến cho nông sản sạch bị đánh đồng, hàm oan. Diện tích nông sản sạch ngày càng được khuyến khích phát triển, nhưng người làm nông sản sạch lại chưa thể tự bảo vệ được mình khi mà những câu chuyện về sự mất an toàn thực phẩm vẫn ám ảnh người tiêu dùng, và họ nghi ngờ tất cả.

Để chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất theo các biện pháp khoa học tiên tiến, người trồng, người nuôi phải có sự đầu tư lớn hơn và họ xứng đáng thu về những giá trị kinh tế tương xứng. Mà muốn thay đổi, điều cần là người tiêu dùng phải có cái nhìn công tâm với nông sản sạch thực chất khi nó được nhập qua các chuỗi thương mại chính ngạch như một sự bảo tín. Và cùng với việc có cơ chế bảo vệ đúng mức cho nông sản sạch, cần tăng cường tuyên truyền trực quan để người tiêu dùng nhìn thấy, tin theo và tự giác sử dụng nông sản sạch, kiểu như người chủ vườn nho ở xã Hoàng Sơn đã thuyết phục chúng tôi. Bởi xét cho cùng, sự cảnh giác của người tiêu dùng được hình thành nên do chính người cung cấp nông sản trước đó. Và để gỡ điều này, không ai khác, cũng phải chính là họ, những người đã buộc dây.

Hạnh Nhiên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]