Thạch Thành: Quan tâm phục dựng các di sản văn hóa truyền thống
Trong những năm qua, huyện Thạch Thành đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phục dựng các di sản văn hóa truyền thống đã bị mai một hoặc có nguy cơ bị mai một, nhất là các lễ hội truyền thống, kho tàng tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian... Từ đó, không chỉ làm “sống dậy” các di sản trong đời sống hàng ngày mà còn tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương.
Lễ hội đua thuyền truyền thống tại xã Thạch Long (Thạch Thành), được phục dựng lại và tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm.
Lễ hội đua thuyền truyền thống là một trong những hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc của người dân xã Thạch Long (Thạch Thành). Theo một số cụ cao niên trong xã cho biết, lễ hội đua thuyền đã có từ rất lâu, được người dân địa phương tổ chức trên sông Bưởi đoạn qua vùng Cổ Tế (xã Thạch Long ngày nay), mỗi xóm đều thành lập một đội thi. Tuy nhiên, trải qua thời gian lễ hội dần bị lãng quên và không còn được hiện diện trong đời sống văn hóa địa phương. Mãi đến năm 2022, được sự quan tâm của huyện Thạch Thành, và với quyết tâm của chính quyền địa phương, Nhân dân trong xã, lễ hội đã được khôi phục lại. Đến nay, lễ hội được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm, thu hút được hầu hết các thôn trong xã tham gia thi đấu và đông đảo người dân đến tham dự, cổ vũ.
Để tham gia lễ hội đua thuyền, các thôn sẽ chuẩn bị những chiếc thuyền làm bằng nan tre hoặc nứa, và lựa chọn khoảng 13 đến 19 thanh niên khỏe mạnh của thôn mình để tham gia thi đấu. Khi thi đấu, các đội sẽ bố trí 1 người to khỏe, có giọng hô vang lớn đứng đầu mũi thuyền phất cờ phướn chỉ huy, sau đó các tay chèo sẽ dùng mái chèo gỗ để chèo thuyền vươn về đích. Lễ hội được phục dựng và tổ chức lại không chỉ góp phần giữ gìn được nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, mà còn là “sợi dây” gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm.
Lễ hội đền Phố Cát cũng mới được huyện Thạch Thành, chính quyền, Nhân dân thị trấn Vân Du khôi phục lại và tổ chức một cách quy mô, bài bản vào năm 2024. Theo sử sách ghi lại, đền Phố Cát thuộc di tích thắng cảnh Phố Cát, nằm trên địa bàn thị trấn Vân Du, được xây dựng dưới triều Vua Lê Cảnh Hưng (1740- 1786), là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Một trong những hoạt động đặc sắc nhất là lễ rước bóng Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Tương truyền, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là con gái của Ngọc hoàng Thượng đế, xinh đẹp, tài giỏi, vì phạm lỗi làm rơi chén ngọc trong một buổi lễ chầu Thiên đình nên bị phạt xuống trần gian trải qua kiếp người với 3 lần giáng thế. Trong lần giáng thế thứ 3, Ngọc hoàng Thượng đế cho phép bà hiển thánh xuống vùng Phố Cát (Thạch Thành), nơi có phong cảnh đẹp, địa thế thuận lợi, non cao, nước biếc, sơn thủy hữu tình làm chốn hành thiện, giúp đời.
Để tỏ lòng biết ơn, Nhân dân lập đền thờ bà để phụng thờ hương khói. Bà được các triều đại phong kiến từ thời Hậu Lê đến Nhà Nguyễn ban nhiều sắc phong, tôn là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân”, là vị Thánh Mẫu đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ Đạo Mẫu và là một nữ thần trong hệ thống Tứ bất tử của thần linh Việt Nam.
Trước đây, lễ hội đền Phố Cát được tổ chức dài ngày từ ngày 15/1 đến 3/3 âm lịch, chính lễ vào ngày 18/2 âm lịch với các hoạt động như lễ bái, cầu cúng, thượng đồng và các trò chơi dân gian... Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, lễ hội đền Phố Cát dần bị mai một, chưa được khôi phục tổ chức một cách bài bản, đúng với quy mô, tầm vóc và vị trí quan trọng của đền. Việc khôi phục lễ hội đền Phố Cát thể hiện sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thạch Thành và nguyện vọng của Nhân dân, du khách. Đồng thời, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch, hình ảnh đất và người Thạch Thành đến bạn bè trong, ngoài tỉnh.
Thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, huyện Thạch Thành đã ban hành và xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng thôn, khu phố văn hóa trên địa bàn huyện Thạch Thành đến năm 2025”. Từ khi đề án được ban hành đến nay, huyện đã tích cực chỉ đạo các địa phương lựa chọn những thôn, làng còn bảo tồn, lưu giữ được không gian văn hóa làng truyền thống; có di tích lịch sử văn hóa, lễ hội tiêu biểu, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch để xây dựng thành các làng văn hóa tiêu biểu, điển hình, mang những nét đặc trưng riêng.
Năm 2022, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn xã Thạch Long xây dựng mô hình làng văn hóa truyền thống tại làng Cổ Tế (thôn 1), khôi phục tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống sau hàng chục năm bị “lãng quên”, được đông đảo Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tại xã Thạch Lâm, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình văn hóa, du lịch tại thôn Đăng Thượng, với lợi thế là điểm du lịch Thác Mây, làng nhà sàn cổ, nghề dệt vải truyền thống người Mường và nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc khác về phong tục, tập quán, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian. Tiến hành phục dựng lại lễ hội đền Phố Cát (thị trấn Vân Du)... đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn huyện. Sưu tầm và lưu giữ vốn văn hóa cổ truyền địa phương, phục hồi có chọn lọc và tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống thông qua hoạt động lễ hội, hội thi, hội diễn văn hóa thể thao quần chúng. Thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian, câu lạc bộ cồng chiêng, các đội văn nghệ dân gian... phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2025-01-22 09:04:00
Phim “Hẹn ước ngày xuân” tôn vinh văn hóa bản địa vùng cao
-
2025-01-21 20:24:00
Nghị quyết số 17-NQ/TU về văn hóa và con người Thanh Hóa: Từ nhận thức đến hành động (Bài 2) - Kiến tạo môi trường tiến bộ, văn minh
-
2024-10-26 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Nắng đẹp mùa thu
“Thổi” sức sống mới cho di sản
Báo cáo tổng duyệt vở cải lương “Gặp lại người đã chết”
Đặc sắc chương trình nghệ thuật hội nghị kết nối cung - cầu và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp 2024
[E-Magazine] – Nắng mưa cũng có đôi niềm...
Khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, địa điểm đón Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Yên Trường
Lực lượng cộng tác viên là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh
[Podcast] - Tản văn: Chuyện của mùa thu
Đổi mới công tác tuyên truyền lưu động
Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể tại huyện Như Thanh