Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng
Sáng 15/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ ximăng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh và một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 10 năm qua (từ năm 2014 đến 2023), sản lượng sản xuất clanhke và xi măng nhìn chung đều tăng và đạt đỉnh vào năm 2021 với 110,4 triệu tấn. Sau đó sản lượng sụt giảm nghiêm trọng từ năm 2023 đến nay. Tổng sản lượng sản xuất cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn. Các dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế và có 42 dây chuyền phải dừng hoạt động từ 1 đến 6 tháng.
Bộ Xây dựng dự kiến tổng sản lượng sản xuất toàn quốc trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt khoảng 44 triệu tấn xi măng, tương đương với cùng kỳ năm 2023 và các nhà máy cũng dự kiến chỉ đạt khoảng 70 - 75% công suất thiết kế. Lượng xi măng tồn kho lũy kế là khoảng 5 triệu tấn.
Đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh dự hội nghị.
Các nhà máy sản xuất xi măng ở nước ta đã sản xuất được nhiều chủng loại, sản phẩm xi măng phục vụ xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp. Đồng thời sản xuất được các loại xi măng chất lượng cao, rắn nhanh, chịu nhiệt, chịu lửa, bền môi trường biển, xi măng giếng khoan phục vụ khai thác dầu khí...
Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, sản lượng tiêu thụ mặt hàng này bị sụt giảm nghiêm trọng. Tổng sản lượng tiêu thụ cả năm 2023 chỉ đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Trong đó, lượng tiêu thụ trong nước rất thấp, chỉ đạt 56,6 triệu tấn (bằng 83,5% so với năm 2022), là mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay trong ngành xi măng. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ cũng chỉ bằng cùng kỳ năm 2022.
Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tương tự, sản lượng sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát từ năm 2020 đến nay giảm mạnh do nhiều nguyên nhân. Năm 2023, lượng tiêu thụ mặt hàng này cũng chỉ đạt khoảng 305 triệu m2, bằng khoảng 85% sản lượng sản xuất. Sản lượng sản xuất, tiêu thụ sứ vệ sinh, kính, vật liệu xây không nung cũng liên tục suy giảm.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 6 dự án sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế khoảng 27,37 triệu tấn, trong đó có 5 dự án đã đầu tư đi vào hoạt động với tổng công suất khoảng 26,46 triệu tấn/năm. 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 6,881 triệu tấn, xuất bán khoảng 6,522 triệu tấn, tồn kho khoảng 0,487 triệu tấn. Sản phẩm của các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được tiêu thụ trên thị trường nội địa (khoảng 71,22%) và xuất khẩu (khoảng 28,78%) sang một số thị trường: Trung Quốc, Philippines, Hồng Kông, Đài Loan, Bangladesh, Úc, Mỹ,...
Đối với mặt hàng thép, năm 2023, sản xuất phôi thép trong nước đạt 22,2 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ 20 triệu tấn); thép xây dựng đạt 12,45 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ 2022 (cùng kỳ 13,9 triệu tấn); thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 6,7 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ 6 triệu tấn); thép cuộn cán nguội (CRC) đạt 3,4 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ 4 triệu tấn).
Đại biểu thảo luận tại hội nghị (ảnh chụp màn hình).
Tính trong 4 tháng đầu năm 2024, sản xuất thép các loại đạt 9,36 triệu tấn (tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023), tiêu thụ đạt 9,35 triệu tấn. Các mặt hàng thép phần lớn đều có tín hiệu khả quan về sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, mặt hàng ống thép giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2023 và thép cuộn cán nóng giảm nhẹ.
Về vật liệu xây dựng, Thanh Hóa hiện có 2 dự án sản xuất gạch ốp lát (granit) với tổng công suất 18,5 triệu m2/năm, tổng giá trị đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng; 41 dự án sản xuất vật liệu xây nung với tổng công suất 1.295 triệu viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm; 52 dự án sản xuất vật liệu xây không nung với tổng công suất 1.204 triệu viên/năm. Các dự án sản xuất vật liệu xây dựng gạch ốp lát, vật liệu xây (gạch nung và không nung) trên địa bàn tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, đã tạo việc làm ổn định cho khoảng trên 3.000 lao động tại các địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Nguyên nhân của tình trạng này được cho là nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước suy giảm do tốc độ đầu tư xây dựng trong nước giảm, nhiều công trình xây dựng, dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng chậm triển khai, phải giãn, hoãn tiến độ; thị trường bất động sản trong nước trầm lắng. Trong khi đó, sản phẩm nhập ngoại đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua, làm suy giảm sản lượng tiêu thụ vật liệu xây dựng sản xuất trong nước...
Còn nội tại, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xi măng, thép, vật liệu xây dựng gặp khó khăn về tài chính. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không hiệu quả dẫn đến thua lỗ. Giá nhiên liệu liên tục tăng, kéo theo khiến chi phí sản xuất các loại vật liệu xây dựng nói chung tăng...
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong năm 2023, phần lớn các mặt hàng vật liệu xây dựng đều ghi nhận mức suy giảm so với năm 2022 về cả sản lượng sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể, sản lượng gạch ốp lát sản xuất năm 2023 ước đạt 11,146 triệu m2, giảm 22%; lượng tiêu thụ khoảng 11,528 triệu m2, giảm khoảng 13,4%; sản lượng gạch xây nung sản xuất năm 2023 ước đạt 735,1 triệu viên, giảm 41%; lượng tiêu thụ khoảng 698,3 triệu viên, giảm khoảng 40%;... |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng thời gian qua. Đồng thời nhận diện khó khăn, thách thức, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong giải quyết các điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm phát biểu tại hội nghị.
Tham gia thảo luận tại hội nghị, đồng chí Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trong đó, UBND tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ của pháp luật để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cho biết, trong thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công để kích cầu tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Trong đó có việc triển khai đầu tư xây dựng 11 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Đồng chí Mai Xuân Liêm đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu tiêu thụ để các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tiếp tục làm tốt công tác kiểm soát việc nhập khẩu vật liệu xây dựng...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn vay để doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng bền vững.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại hội nghị, cũng như việc tổ chức hội nghị này, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Đồng thời khẳng định, kết quả đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị (ảnh chụp màn hình).
Về giải pháp trong thời gian tới, đồng chí nhấn mạnh 6 quan điểm trong chỉ đạo, điều hành nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng nói chung, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam và các quy hoạch hiện hành có liên quan đã được phê duyệt. Trong lãnh đạo, chỉ đạo cần lấy hiệu quả làm thước đo; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, kịp thời phản ánh chính sách với những khó khăn, thách thức nổi lên trong quá trình phát triển; tổ chức thực hiện phải quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm...
Phát triển ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng phải đảm bảo hiệu quả, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, đảm bảo nhu cầu xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chất lượng cao có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng. Đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng...
Về giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan có liên quan cần rà soát lại các cơ chế, chính sách, các thể chế khuyến khích đầu tư phát triển ngành vật liệu xây dựng nhanh và bền vững, phục vụ phát triển đất nước. Chủ động, linh hoạt, tích cực đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; phản ứng nhanh với tình hình thực tiễn thị trường. Theo dõi sát, tăng cường năng lực dự báo thị trường trong nước và thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng.
Đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình hạ tầng quốc phòng - an ninh; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.... để thúc đẩy tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Đồng chí Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho một số bộ, ngành Trung ương thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp, như khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; xây dựng cơ chế khuyến khích sản xuất, tiêu thụ trong nước, hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng vật liệu xây dựng; quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện các giải pháp tái cấu trúc quản trị, tài chính, đầu tư,... để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đầu tư máy móc, mua sắm thiết bị công nghệ mới, hiện đại nhằm tiết giảm nhiên liệu, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tìm kiếm cơ hội hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu...
Đồng chí nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần chủ động, linh hoạt, năng động, sáng tạo trong thẩm quyền của mình tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước....
Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2024-11-21 20:00:00
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 21/11
-
2024-11-21 18:23:00
Thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa năm 2024 đạt hơn 50.000 tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ
-
2024-06-15 11:01:00
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Hồng Đức lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024-2027
Đảng bộ xã Hoằng Hải kỷ niệm 70 năm ngày thành lập
Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 15/6/2024
Góc nhìn: Không bỏ quên
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 15/6
Điểm nóng 15/6: Vào cuộc đột xuất bệnh viện vẽ bệnh “làm tiền” ngay trên bàn mổ
Công ty Điện lực Thanh Hóa gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí nhân dịp 21/6
Bản tin 18h ngày 14/6/2024: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh sẽ trở thành một trong các khu vực động lực phát triển du lịch của cả nước
Ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh