Sức vươn Xuân Thọ
Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, “dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Thọ (Triệu Sơn) đã phát huy sức mạnh toàn dân, đề cao tính công khai, dân chủ, mọi việc đều thông qua dân nên nhận được sự đồng thuận cao. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế hộ gia đình, địa phương đã có nhiều giải pháp nâng cao thu nhập của Nhân dân.
Tuyến đường giao thông trên địa bàn thôn 5, xã Xuân Thọ được mở rộng, cảnh quan sạch đẹp.
Trong đó, xã đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Đưa các loại giống lúa có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất. Chuyển diện tích đất lúa 1 vụ, kém hiệu quả sang các loại cây trồng, con nuôi khác phù hợp. Phát huy lợi thế hơn 70ha diện tích đất ở ngoại đê sông Nhơm, xã khuyến khích người dân chuyển đổi, mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Diện tích đất trên cao thì trồng các loại cây cảnh như đào, quất...
Gia đình bà Lê Thị Bắc, ở thôn 5 là một trong những hộ tiên phong nhận thầu 2ha đất lúa 1 vụ kém hiệu quả, cải tạo thành ao nuôi cá. Bà Bắc cho biết, buổi đầu, gia đình vay mượn đầu tư 100 triệu đồng mua 2 tấn cá giống, cộng với 150 triệu đồng mua thức ăn cho cá. Ngay lứa đầu thu hoạch đã cho lợi nhuận. Từ đó đến nay, mỗi năm gia đình thu về trên 100 triệu đồng tiền lãi. Ngoài nuôi cá, gia đình còn trồng 6 sào lúa, thầu thêm 7 sào đất trồng cỏ làm thức ăn cho cá.
Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, cho biết: Nuôi trồng thủy sản cho thu nhập cao gấp 8 - 9 lần so với trồng lúa. Vì vậy, từ chỗ toàn xã chỉ có hơn 20 hộ tham gia, đến nay tăng lên gần 100 hộ. Trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ đầu tư mua các loại máy làm đất, máy cấy mạ khay, máy gặt đập liên hợp... cho thu nhập từ 40 triệu đồng/năm trở lên. Nhiều mô hình sản xuất trang trại, gia trại được đầu tư quy mô lớn cho thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Điển hình như hộ các ông: Trương Sỹ Phượng, Lê Văn Đan, Trương Đăng Loan, Lê Văn Nhâm, Lê Văn Sáng... Năm 2023, xã tích tụ được 10ha đất để đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Hiện, xã có 1 sản phẩm OCOP chả cá đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Ngoài ra, với lợi thế gần xã có công ty may, đã giải quyết việc làm cho phần lớn lao động nữ trong độ tuổi, giúp họ không phải ly hương và vẫn có thời gian chăm lo cho gia đình, việc đồng áng. Xác định xuất khẩu lao động là một một kênh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, xã khuyến khích con em địa phương tích cực tham gia các thị trường lao động ngoài nước. Hiện, toàn xã có 67 người đang làm ngoài nước theo hợp đồng. Những gia đình có con em đi xuất khẩu lao động đều có kinh tế ổn định.
Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện tham gia các phong trào, tích cực đóng góp, ủng hộ vì sự phát triển của quê hương. Nhiều phong trào ý nghĩa ở thôn, xã được triển khai rầm rộ, con em xã nhà đang sinh sống, lao động, học tập trong, ngoài nước cũng nhiệt tình ủng với số tiền 50 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng điện, đường, trường, trạm... Riêng gia đình anh Nguyễn Hữu Xuân, ở tỉnh Đồng Nai đã đầu tư xây dựng công trình phòng học 2 tầng, công trình phụ trợ, khuôn viên cây xanh cho trường tiểu học. Lắp đặt đèn chiếu sáng, hệ thống camera cùng trang thiết bị dạy và học cho trường THCS và trường mầm non; làm 4,5km đường giao thông; di dời, lắp đặt cột điện, hệ thống đèn chiếu sáng tại các trục đường giao thông thuộc thôn 4 và thôn 5; cải tạo, trồng cây xanh khu hồ Cầu Bè... với tổng trị giá trên 47 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết 12-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Nghị quyết 32-NQ/ĐU của Ban Chấp hành Đảng bộ xã về vận động Nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, người dân tích cực tham gia hiến đất, hiến công trình và đóng góp công sức để thực hiện. Đến nay, toàn xã đã có 367 hộ dân hiến 9.658m2 đất để mở rộng hơn 7,8km đường giao thông. Nhiều tuyến đường nhỏ hẹp ban đầu dự kiến mở rộng lên 7m, song khi vận động Nhân dân đã đồng thuận hiến đất mở rộng lên 10,5m. Điển hình trong hiến đất làm đường giao thông là gia đình ông Trương Sỹ Phượng hiến 354,7m2 đất.
Sự chung sức, đồng lòng từ nhiều phía đã tạo nên những công trình giao thông, điện, trường học, trạm y tế... ngày càng khang trang, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2019, thu nhập bình quân đầu người là 30,2 triệu đồng thì đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, hiện xã chỉ còn 14 hộ nghèo, chiếm 1,07% và 37 hộ cận nghèo, chiếm 2,83%.
Nhấn mạnh về sức bật đổi thay của quê hương, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ Lê Văn Hoan chia sẻ: Phong trào XDNTM thực sự ý nghĩa, góp phần quan trọng để thay đổi diện mạo làng quê. Địa phương tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phát động các phong trào thi đua, đặc biệt ở các nội dung hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn, cải tạo, chỉnh trang cảnh quan, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao trong năm 2024.
Bài và ảnh: Mai Phương
{name} - {time}
-
2025-01-15 10:11:00
Trao tặng 2.000 lít dầu ăn cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã Nghi Sơn
-
2025-01-15 10:07:00
Tăng cường công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo
-
2024-03-16 07:00:00
[Góc nhìn]: Không phải vấn đề phụ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nhất trí phương án cấm lái xe có nồng độ cồn
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp
Hoằng Hoá đoạt 3 giải A trong Liên hoan Văn hóa dân tộc tỉnh lần thứ XX
Gieo “mầm xuân” trên đá
Bộ Ngoại giao: Cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm việc
Việt Nam thăng hạng vượt bậc về Chỉ số phát triển con người
“Cột mốc sống” trên đầu nguồn suối Tút
Giữ vững an ninh rừng vùng giáp ranh giữa hai 2 huyện Như Xuân (Thanh Hóa) và Quỳ Châu (Nghệ An)
Khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến những nơi đang xảy ra xung đột