Sáng tạo trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh
Hoạt động trải nghiệm là một trong những nội dung quan trọng góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bởi vậy, thời gian qua các trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đa dạng các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Ngày hội stem tại Trường Tiểu học Quảng Lưu (Quảng Xương).
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Lưu (Quảng Xương), cho biết trường hiện có 825 học sinh. Xác định hoạt động trải nghiệm là một trong những phương pháp giáo dục hiệu quả giúp học sinh phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất và tư duy, những năm qua, nhà trường thường xuyên đưa các hoạt động trải nghiệm lồng ghép vào trong các môn học. Đồng thời, mỗi tháng nhà trường đều lên kế hoạch theo từng chủ đề, chủ điểm để tổ chức các hoạt động nhân các ngày kỷ niệm trong từng tháng như: Ngày Phụ nữ Việt Nam (8-3), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân kỷ niệm Ngày thành lập quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12), ngày hội stem...
Để nội dung các chủ đề thêm phong phú, khơi gợi sự tìm tòi, khám phá của học sinh, giáo viên còn chủ động xây dựng hệ thống tư liệu, tranh, ảnh, video... để đưa vào giảng dạy trong các hoạt động. Cùng với đó, nhà trường tổ chức cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, các mô hình trồng rau tại địa phương. Thông qua đó, giúp hình thành và phát triển cho các em về phẩm chất, nhân cách và các năng lực tâm lý, xã hội, tích lũy kinh nghiệm riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân.
Là học sinh tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm của nhà trường, em Lê Hoàng Minh, học sinh lớp 5D, Trường Tiểu học Quảng Lưu, cho biết: Cùng với việc học các môn văn hóa, em thường xuyên tham gia các hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức như giao lưu văn hóa, văn nghệ, ngày hội stem, đi tham quan các di tích lịch sử - văn hóa... Tham gia hoạt động này chúng em vừa được trải nghiệm, vừa tiếp thu thêm những kiến thức mới từ thực tiễn. Từ đó, giúp chúng em vận dụng một cách có hiệu quả vào quá trình học tập cũng như đời sống.
Tại Trường Tiểu học Thiệu Trung (Thiệu Hóa), thầy giáo Lê Ngọc Lâm, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động trải nghiệm trong trường học không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn khuyến khích sự sáng tạo, phát triển kỹ năng sống và tạo ra một môi trường học tập tích cực. Đây cũng là một trong những nội dung góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Do đó, thay vì chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức qua giảng dạy, nhà trường đã tích cực tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm cho học sinh vào các hoạt động như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ. Ngoài ra, với mục đích giúp học sinh có những chuyến đi xa thú vị, được trải nghiệm cùng thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh học sinh đưa các em đến các di tích lịch sử - văn hóa ở trong và ngoài tỉnh để các em có cơ hội tìm hiểu các nhân vật, di tích lịch sử, cũng như bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông.
Huyện Thiệu Hóa hiện có 82 trường học từ bậc mầm non đến THPT. Những năm qua việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh đều được các trường học trên địa bàn huyện lên kế hoạch thực hiện theo từng chủ đề, chủ điểm ngay từ đầu năm học. Trong đó, xoay quanh vào một số nội dung như tổ chức hoạt động gì, học sinh được tham gia và vận dụng kiến thức đã học vào các hoạt động như thế nào, phân công nhiệm vụ cho giáo viên ra sao, làm gì để học sinh được là trung tâm ở tất cả các hoạt động, chứ không phải để các em tự chơi, tự hoạt động một cách thụ động... Đồng thời, tích cực lồng ghép vào các môn học và tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm thực tế theo từng bậc học, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Thông qua các hoạt động này, học sinh có điều kiện kiểm nghiệm lại những điều đã học trên lớp và tiếp thu thêm kiến thức bên ngoài. Từ đó, góp phần chuyển đổi phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng cho học sinh theo tinh thần đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có thể thấy rằng, việc tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất, mà còn góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, để hoạt động trải nghiệm được tổ chức hiệu quả hơn nữa, các nhà trường cần có kế hoạch, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động thực sự khoa học và phù hợp. Đồng thời, cần hơn nữa sự phối hợp tích cực từ các nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2025-01-22 10:54:00
Đưa Di sản thế giới vào trong học đường
-
2025-01-21 09:41:00
Áp dụng công nghệ Blockchain tại Trường Đại học Hồng Đức
-
2024-04-13 14:29:00
Như Xuân nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Bộ GD-ĐT quán triệt “4 Đúng - 3 Không” trong tổ chức thi Tốt nghiệp THPT 2024
Thiệu Hóa: Tích cực chỉ đạo khắc phục tình trạng trường học xuống cấp sau phản ánh của báo chí
Làng học sinh: Nơi chắp cánh những ước mơ vượt núi
Thầy trò thay đổi để thích ứng với thời đại 4.0
Cảnh báo tình trạng học sinh ngộ độc từ đồ chơi bóng nổ, bóng thối
Dự án Tổ hợp giáo dục FPT tại Thanh Hoá cất nóc chỉ sau 3 tháng thi công
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Bộ Công an chốt lịch thi đánh giá để tuyển sinh đại học vào ngày 7/7
Từ 14/4, Hội đồng Anh bắt đầu tổ chức thi lại một kỹ năng IELTS cho thí sinh