Phát huy vai trò HTX trong phát triển bền vững vùng mía nguyên liệu
Từng là cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn tỉnh, song những năm gần đây, giá trị kinh tế từ cây mía có chiều hướng suy giảm, một phần nguyên nhân là do năng suất, chất lượng mía thấp. Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp mía đường, chính quyền địa phương và người dân đã có những giải pháp để phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía. Trong đó, chú trọng đến phát huy vai trò của các HTX nông nghiệp trong tổ chức sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm xây dựng những vùng mía thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.
Người dân tại xã Thạch Quảng (Thạch Thành) chăm sóc mía lưu gốc.
Thạch Quảng là một trong những địa phương đi đầu thực hiện việc liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp của huyện Thạch Thành. Từ năm 2012 đến nay, xã đã hình thành mô hình liên kết giữa doanh nghiệp thông qua HTX và nông dân liên kết với HTX để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn là mía nguyên liệu.
Ông Nguyễn Đình Quán, giám đốc HTX dịch vụ kinh doanh nông nghiệp Thạch Quảng (Thạch Thành), cho biết: "Đã nhiều năm, người dân trên địa bàn trồng mía nguyên liệu để phát triển kinh tế. HTX đứng ra ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan thu mua mía nguyên liệu cho người dân. Để liên kết giữa doanh nghiệp, người dân, HTX được bền chặt, trước khi vào vụ sản xuất, HTX phối hợp với doanh nghiệp lựa chọn giống mía năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với đồng đất địa phương. Đồng thời, tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất của người dân, như: áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, kỹ thuật thâm canh vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu. Đến thời điểm thu hoạch, HTX giữ vai trò chính trong đàm phán hợp đồng thu mua, giá cả, vận chuyển, bảo quản... bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân".
Được biết, nhờ quá trình sản xuất được cơ giới hóa, khoa học - kỹ thuật tiên tiến và các công tác thu hoạch, sơ chế hiệu quả nên năng suất và chất lượng mía nguyên liệu của địa phương tăng cao. Nếu từ năm 2014 trở về trước, năng suất mía chỉ đạt 65 tấn/ha, thì từ năm 2015 đến nay năng suất đạt 70 đến 80 tấn/ha, có những cánh đồng mía áp dụng biện pháp thâm canh, lắp đặt hệ thống tưới mặt ruộng năng suất có thể đạt 100 đến 110 tấn/ha. Vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân tương đối ổn định.
Từ niên vụ 2018 - 2019, khi Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao mía đường Lam Sơn sắp xếp lại cơ cấu vùng sản xuất mía, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thọ Thanh (Thường Xuân) đã phát huy vai trò cầu nối để tổ chức và xây dựng được vùng mía nguyên liệu. Theo đó, HTX đã phối hợp với công ty cung ứng giống, hướng dẫn tuân thủ đúng kế hoạch thời vụ, kỹ thuật canh tác và các chế độ chăm sóc, ứng dụng những công nghệ mới nhất trong sản xuất cây mía quy mô lớn. Theo đó, hằng năm, HTX duy trì diện tích mía nguyên liệu đạt hơn 100ha/niên vụ, trong đó, có hơn 50ha mía được sử dụng các biện pháp thâm canh.
Ngay từ đầu các niên vụ, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thọ Thanh đã thực hiện có hiệu quả các khâu dịch vụ, như: làm đất, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, HTX cũng đã hướng dẫn người trồng mía lựa chọn những giống mía năng suất cao, những biện pháp khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Niên vụ 2024 - 2025, địa phương phấn đấu diện tích mía thâm canh đạt 120ha, năng suất bình quân khoảng 90- 100 tấn/ha, tăng hơn 30 tấn/ha so với sản xuất truyền thống. Ông Lê Hữu Giang, Chủ tịch UBND xã Thọ Thanh, cho biết: "Việc HTX chịu trách nhiệm sản xuất tại vùng mía nguyên liệu đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc hướng dẫn người dân chăm sóc và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp. Đối với quá trình sản xuất, HTX chịu trách nhiệm đấu mối với doanh nghiệp nhập giống, vật tư chất lượng và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Đồng thời, tổ chức ký kết hợp đồng, thu mua, vận chuyển, tiêu thụ mía bảo đảm quyền lợi phù hợp nhất cho từng thành viên HTX".
Niên vụ 2024 - 2025, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu trồng khoảng 16.000ha mía nguyên liệu. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã trồng mới và lưu gốc được hơn 14.400ha. Để phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững, các HTX nông nghiệp đã chủ động lựa chọn các loại giống chất lượng cao như KK3, LK92-11 đưa vào tổ chức sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, chủ động nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp để tham mưu với chính quyền các cấp hỗ trợ người dân đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng hiện đại. Cùng với đó, các HTX vùng mía đang từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thâm canh, như: cày sâu bón vôi, xây dựng hệ thống tưới nước mặt ruộng, có chế độ bón phân cân đối bảo đảm mía nguyên liệu phát triển tốt, không sâu bệnh.
Bài và ảnh: Lê Thanh
{name} - {time}
-
2024-12-15 20:23:00
Xây dựng huyện nông thôn mới gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng kinh tế nông nghiệp
-
2024-12-15 16:15:00
Hoằng Phượng đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
-
2024-05-12 09:53:00
Như Thanh tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn
CLB Doanh nhân họ Lê tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống, góp sức xây dựng quê hương
Kết quả kiểm tra giá vé bay: Không có tình trạng bán vượt khung giá trần
Quản lý, giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản khai thác tại các cảng cá
Cẩm Thủy đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Thị xã Bỉm Sơn đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ
Thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng
Bảo vệ tài nguyên rừng phòng hộ gắn với nâng chất lượng rừng trồng
Đấu mối, tiếp xúc với doanh nghiệp đầu tư vào huyện Thọ Xuân
Chuyên gia cảnh báo cẩn trọng trước diễn biến khó lường của giá vàng