(Baothanhhoa.vn) - Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở huyện Bá Thước, bài học kinh nghiệm được rút ra chính là phải vận dụng tốt phương châm “lấy dân làm gốc”, “lấy thôn, bản làm điểm bắt đầu”, từ đó lan tỏa sâu rộng phong trào hiến đất làm đường và các công trình công cộng, phong trào phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu... Tất cả những điều đó đã đem đến cho Bá Thước một diện mạo tươi mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Bá Thước xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ thôn, bản

Bài 1: Khi người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở huyện Bá Thước, bài học kinh nghiệm được rút ra chính là phải vận dụng tốt phương châm “lấy dân làm gốc”, “lấy thôn, bản làm điểm bắt đầu”, từ đó lan tỏa sâu rộng phong trào hiến đất làm đường và các công trình công cộng, phong trào phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu... Tất cả những điều đó đã đem đến cho Bá Thước một diện mạo tươi mới.

Bài 1: Khi người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

Gia đình ông Lê Văn Thái, thôn Rầm Tám, xã Điền Trung hiến hơn 1.000m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng. Ảnh: Việt Hương

Từ những gương điển hình

Đến thôn Rầm Tám, xã Điền Trung, hỏi thăm gia đình ông Lê Văn Thái, bà Nguyễn Thị Minh ai cũng biết đến bởi gia đình ông bà đã tiên phong trong việc hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn và cũng là một trong 5 hộ gia đình tiêu biểu của huyện Bá Thước được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích trong chương trình XDNTM.

Thấy có khách đến nhà, ông Thái và bà Minh niềm nở ra ngoài sân đón khách. Ngôi nhà ba gian, lợp ngói đỏ đơn sơ của gia đình ông bà nằm ngay cạnh con đường đổ nhựa bằng phẳng, rộng thênh thang. Ít ai biết được trước kia đây chỉ là con đường đất nhỏ, hẹp, người dân đi lại khó khăn. Rót chén trà mời khách, ông Thái từ tốn nói: Là người nông dân chân lấm tay bùn, gia đình tôi hiểu rõ được giá trị của “tấc đất, tấc vàng”. Thế nhưng, được tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi họp thôn, tôi thấy được ý nghĩa của chương trình XDNTM và để thực hiện thành công cần có sự chung tay đóng góp của cộng đồng. Vì vậy, gia đình tôi đã tự nguyện hiến hơn 500m2 đất thổ cư để mở rộng đường liên thôn và hơn 500m2 đất nông nghiệp để làm đường giao thông nội đồng. Vợ chồng tôi và các con cháu còn tự tay phá dỡ tường rào, chặt hạ các cây mít, xoài, dừa, mía để giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công.

Cũng như gia đình ông Lê Văn Thái, gia đình ông Trương Văn Phục, thôn Mật Thành, xã Lương Trung đã hiến 500m2 đất để làm đường giao thông, trong đó diện tích đất canh tác hoa màu là 200m2. Ngoài ra, gia đình ông còn đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường giao thông, tham gia làm vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, góp phần xây dựng thành công thôn Mật Thành đạt chuẩn 14/14 tiêu chí. Ông Phục chia sẻ với chúng tôi: “XDNTM là chủ trương hợp lý, hợp tình để nâng cao mức sống của người dân. Vì thế, khi ban phát triển thôn đến vận động gia đình hiến đất mở rộng đường, tôi sẵn sàng bớt đi một phần đất của gia đình. Tôi nghĩ, con đường có rộng và đẹp hơn thì người hưởng lợi trực tiếp là gia đình mình và sau này đến thế hệ tương lai là con cháu mình nữa...”.

XDNTM không chỉ có điển hình trong việc hiến đất làm đường giao thông mà còn có rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Bá Thước trở thành “cánh chim đầu đàn” trong phát triển kinh tế để người dân học tập, làm theo, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Đơn cử như vợ chồng anh Nguyễn Đức Lục và Hà Thị Nga, ở thôn Thung Tâm, xã Ái Thượng vừa là điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình, vừa là những cá nhân tích cực đóng góp cho phong trào XDNTM tại địa phương. Với tiềm lực về kinh tế sẵn có của một công ty xây dựng, năm 2016, gia đình anh Lục nhận giao đất rừng sản xuất với diện tích 4 ha tại thôn Thung Tâm để đầu tư hơn 3 tỷ đồng cải tạo trồng các loại cây ăn quả, như: 500 cây bơ, 580 cây dừa xiêm và gần 1.000 cây bưởi da xanh... Bên cạnh đó, gia đình anh còn thuê thầu 6 sào mặt nước khu vực lòng hồ thủy điện để nuôi trồng thủy sản. Hiện tại, gia đình anh Lục đang thí điểm mô hình nuôi cá rô phi đơn tính. Nếu thành công, địa phương sẽ nhân rộng ra toàn xã. Cùng với các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, gia đình anh còn tạo việc làm cho khoảng 15 lao động, giúp đỡ các hộ nghèo tiếp cận thêm các kiến thức khoa học - kỹ thuật để cùng nhau làm kinh tế. Gia đình anh còn tự nguyện đóng góp 60 triệu đồng để hỗ trợ địa phương XDNTM, đồng thời hỗ trợ ngày công, máy móc giúp các thôn làm đường giao thông nông thôn...

Trao đổi với chúng tôi về những gương điển hình nêu trên, ông Vũ Đình Hảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Bá Thước, cho biết: Trong quá trình thực hiện chương trình XDNTM, nhất là phong trào xây dựng thôn, bản NTM, tại các địa phương trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông cũng như phát triển kinh tế. 3 tấm gương nêu trên là những tấm gương đi đầu trong các phong trào ở địa phương rất cần được tuyên dương, bởi từ những việc làm của họ đã tạo động lực cho nhân dân thi đua chung sức góp công, góp của hoàn thành các tiêu chí xây dựng thôn NTM.

Đến những thôn NTM

Thôn Đan, xã Ái Thượng đón chúng tôi với khung cảnh những hàng cây xanh, đường hoa gọn gàng, tươi tắn 2 bên các tuyến đường nhựa, bê tông, như thay lời mời gọi của người dân địa phương đối với những vị khách phương xa.

Nhiệt tình dẫn chúng đi tham quan một vòng quanh thôn, chị Nguyễn Thị Hòa, trưởng ban công tác mặt trận thôn Đan, cho biết: Thôn có tổng số 86 hộ, với 334 nhân khẩu, trong đó 95% là đồng bào dân tộc Mường, nguồn thu nhập chính của bà con trông chờ vào sản xuất nông, lâm, thủy sản. Trước khi xây dựng thôn NTM, đường giao thông trong thôn đi lại vất vả, chủ yếu là đường đất. Khi thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn NTM, được sự hỗ trợ của cấp trên cùng sự chung sức đồng lòng, nhiệt tình, hăng hái của mỗi người dân, phong trào xây dựng thôn NTM ở thôn Đan đã có kết quả tích cực. Cả thôn đã huy động được hơn 1,5 tỷ đồng đầu tư XDNTM, trong đó nhân dân đóng góp 170 triệu đồng để thực hiện các phần việc chung, như: Cứng hóa 1,3/1,3 km đường nội thôn, ngõ xóm; mở được 0,5 km đường giao thông lâm nghiệp; tu sửa, chỉnh trang mó nước truyền thống trong thôn từ nhiều đời nay. Cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. 100% lao động có việc làm thường xuyên. Hộ nghèo trong thôn giảm chỉ còn 1 hộ. Các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa, xã hội của nhân dân được đầu tư đồng bộ. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 34,6 triệu đồng/người/năm. Thôn được công nhận là thôn NTM từ năm 2018.

Chia tay cán bộ và nhân dân thôn Đan, xã Ái Thượng, chúng tôi đến xã Điền Trung – xã đang nỗ lực về đích NTM năm 2019. Trên con đường bê tông rộng thênh thang, sạch đẹp, 2 bên đường là những khóm hoa chiều tím rực rỡ xen lẫn với màu vàng của lúa chín làm cho khung cảnh làng quê thêm thơ mộng, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Điền Trung, cho biết: Toàn xã có 10 thôn thì 10 thôn đã về đích NTM. Riêng thôn Rầm Tám – nơi ta đang đến gần như về đích NTM cuối cùng của xã, nhưng thôn này có cách làm rất riêng, đó là khơi dậy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân thi đua làm đường giao thông.

Câu chuyện XDNTM của thôn Rầm Tám chưa đến hồi kết thì xe chúng tôi đã đến nhà văn hóa thôn. Trong khuôn viên nhà văn hóa cờ hoa đang được trang hoàng rực rỡ. Niềm vui đón nhận thôn NTM hiện hữu trên từng khuôn mặt của người dân. Ông Hà Văn Hào, Bí thư Chi bộ thôn Rầm Tám hồ hởi: Thôn vừa đón nhận thôn đạt chuẩn NTM xong, công việc còn đang bộn bề, bàn ghế chưa sắp đặt lại được, nhà báo cứ lên xe tôi sẽ chở đi một vòng quanh thôn, vừa đi ta vừa trò chuyện.

Nói rồi, ông Hào lên xe nổ máy, chở tôi đi vòng quanh thôn, rồi chạy dọc ra cách đồng trên con đường bê tông kiên cố nối dài từ khu đồng nọ với khu đồng kia; thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại nhường đường cho những chiếc ô tô chở mía tím đi qua. Ông Hào cho biết: Ngoài lúa, rau màu thì cây mía tím là cây trồng chủ lực của bà con trong thôn. Do chất đất, khí hậu nên cây mía tím được trồng trên đất thôn Rầm Tám rất thơm, ngọt lại mềm. Trước kia chưa có con đường bê tông, mỗi lần thu hoạch mía, bà con khiêng vác rất vất vả. Từ ngày có con đường, xe đến tận ruộng thu mua, bà con ai cũng phấn khởi.

Để làm được những con đường như thế này, ngoài sự hỗ trợ nguyên vật liệu của Nhà nước, thôn đã phát động toàn dân đóng góp công sức tham gia làm đường. Có những thời điểm, cả thôn như công trường xây dựng, nhà nhà, người người phân công nhau mỗi người một việc. Người thì đào đất, san nền, bê đá, vác xi-măng, đổ bê tông, nấu cơm, mang nước... Xóm nọ nhìn xóm kia, thi nhau làm đường nhộn nhịp cả thôn quê. Kết quả, thôn đã vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công, làm được 2,5 km đường giao thông liên thôn, nội thôn; 5,13 km đường nội đồng. Đến nay, thu nhập của người dân trong thôn đạt 38,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,12%.

Ngược lại với thôn Đan và thôn Rầm Tám, thôn Kho Mường, xã Thành Sơn nằm lọt thỏm trong thung lũng được bao bọc bởi dãy núi đá vôi sừng sững, nguyên sơ. Từ trên cao nhìn xuống, Kho Mường như bức tranh sơn thủy hữu tình làm đắm say biết bao lòng du khách. Chính vì sự quyến rũ trên của Kho Mường nên huyện Bá Thước đã chọn nơi đây để xây dựng thôn NTM gắn với phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, “công cuộc” XDNTM ở Kho Mường không đơn giản, bởi giao thông đi lại khó khăn, ô tô không thể chở vật liệu vào thôn được. Huyện, xã và thôn phải vận động nhân dân tham gia gánh, thồ, gùi vật liệu vào xây dựng đường giao thông trong thôn. Mặc dù con đường vào Kho Mường khó khăn như vậy, nhưng du khách trong nước và quốc tế vẫn đi bộ đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Kho Mường, thậm chí lưu trú tại đây để trải nghiệm nét văn hóa và cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái.

Anh Hà Văn Thào, Trưởng thôn Kho Mường cho biết: Xây dựng thôn NTM, huyện quan tâm đưa các dự án phát triển kinh tế vào, như: Dạy bà con cách canh tác lúa nước đạt năng suất cao, cách trồng cây ăn quả, nuôi bò, lợn, gà... có hiệu quả. Tổ chức cho bà con đi tham quan, học tập mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở trong và ngoài huyện, bà con đã thay đổi tư duy làm kinh tế, nhất là phát triển du lịch cộng đồng nên khi huyện, xã, ban phát triển thôn vận động bà con đổi mái nhà sàn lợp bằng fibro xi măng quay lại lợp lá cọ để gìn giữ nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái bà con đồng thuận ngay. Hay tuyên truyền cho bà con giữ gìn vệ sinh môi trường bằng cách đưa gia súc chăn nuôi ra khỏi gầm nhà sàn, bà con cũng làm liền... Từ phát triển các mô hình kinh tế cũng như làm du lịch, kinh tế của bà con được nâng lên, khi xây dựng nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông, người dân trong thôn tự nguyện đóng góp mỗi hộ một ít cùng với công lao động làm đường giúp cho bộ mặt Kho Mường thay đổi nhiều lắm. Đến nay, hơn 3 km đường giao thông trong thôn đã được bê tông hóa; hộ nghèo trong thôn còn 7/60 hộ dân. Thôn đạt chuẩn NTM năm 2018.

Phòng Bạn đọc – Tư liệu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]