Nơi chân trời sóng vỗ
Lớn lên dưới chân sóng, đảo Nẹ là một phần ký ức tuổi thơ tôi. Trong câu chuyện của bà, của mẹ, đảo Nẹ được nhắc đến bằng sự thân thương và bình dị nhất: “Thuyền vào Nẹ rồi, yên tâm nhé”, “Hửng nắng, ông ra Nẹ kiếm con cá về nấu chua...”. Đảo Nẹ trong tôi là tình yêu và thật khó có thể định nghĩa tình yêu ấy.
Các chiến sĩ Đại đội Hỗn hợp đảo Nẹ giữ chắc tay súng gìn giữ biên cương nơi hải đảo.
Cuối tuần, mưa phùn và lạnh. Khi những tin tức, hình ảnh hàng vạn thanh niên trên cả nước nô nức lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự vẫn còn vương vấn trong giấc mơ đêm qua, tôi chợt nghe những ca từ quen mà lạ vang lên từ chiếc ti vi: “Nơi anh đến là đảo xa, nơi anh đến là biển xa...” trong bài hát “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song. Hào khí và âm hưởng thiết tha của bài hát đưa tôi về cảm giác lâng lâng tự hào dâng lên trong lồng ngực khi đứng ở đảo Nẹ, nhìn bọt sóng đánh tung một màu trên nền biển xanh mênh mông, gối lên trời là lá cờ Tổ quốc đỏ rực, lấp lánh bay.
Trước chuyến công tác, như một thói quen, tôi gõ Google tìm kiếm địa danh này để cập nhật một số thông tin sơ bộ về nơi sẽ đến. Đảo Nẹ thuộc huyện Hậu Lộc, có chiều dài gần 900m, bề ngang nơi rộng nhất khoảng 400m; nằm theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Cùng với các đảo khác mà người dân địa phương quen gọi là hòn, như: Hòn Mũi hài (hài tị), hòn Sụp, hòn Bò (gồm bò mẹ và bò con - tên chữ là Hoàng ngưu mẫu tử) tạo thành một cánh cung án ngữ, che chắn sóng gió mặt phía Nam và phía Đông cho vùng đất ven biển Hậu Lộc. Nơi đây có đền thờ Đức vua thông thủy - vị thần tối linh cai quản các cửa biển. Hằng năm, vào ngày 15/5 âm lịch là ngày “Trời đất giao hòa” dân chài ven biển Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa lại tổ chức các đoàn thuyền rồng ra đảo Nẹ làm lễ hội cầu mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng. Trước đây, khi chưa có các phương tiện định vị hiện đại như bây giờ, dân biển quê tôi thường lấy đảo Nẹ làm cột mốc chỉ đường cho tàu thuyền đánh cá ngoài khơi tìm về đúng bến, đồng thời là nơi trú ẩn an toàn cho thuyền bè khi có sóng to gió lớn.
Có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với an ninh - quốc phòng, đảo Nẹ bị quân Pháp chiếm đóng trong thời gian dài. Năm 1955, quân ta mới ra tiếp quản và lấy năm đó là năm thành lập đảo. Tháng 7/1964, các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chọn đảo Nẹ làm nơi phục kích để đánh đuổi sự khiêu khích và vi phạm chủ quyền của tàu khu trục Maddox trong sự kiện vịnh Bắc bộ. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đảo Nẹ phải hứng chịu rất nhiều bom đạn, nhất là trong chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ. Quân đội Mỹ cho máy bay ném bom từ Đò Lèn đến Hàm Rồng, còn lại chúng trút hết bom đạn xuống đảo. Quân ta trên đảo lúc ấy chưa đủ một đại đội, vũ khí ít, trong khi đó Mỹ liên tục ban ngày dùng máy bay ném bom, đêm xuống lại cho tàu khu trục tiến gần vào đảo để bắn phá dữ dội. Thế nhưng, với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ đảo Nẹ ngày ấy đã chiến thắng những cỗ máy quân sự hiện đại bậc nhất của Mỹ, khi bắn cháy 1 máy bay, một tàu chiến của Mỹ. Có thể nói, đảo Nẹ là một trong những “chiến hạm nổi” của tỉnh Thanh Hóa, đơn vị tiền tiêu trong công cuộc chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
Dù khó khăn, vất vả, các chiến sĩ Đại đội Hỗn hợp đảo Nẹ vẫn giữ chắc tay súng gìn giữ biên cương nơi hải đảo.
Hẹn trước với Thượng úy Hồ Tùng Dương, Bí thư chi bộ, Chính trị viên Đại đội Hỗn hợp đảo Nẹ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, 6 giờ 30 phút sáng tôi từ TP Thanh Hóa về xã Minh Lộc (Hậu Lộc). Anh Dương đưa tôi vào Trạm đảo Nẹ trước, báo cáo sơ bộ chương trình làm việc với các anh em ở trạm. Hơn 8 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu xuất phát. Lúc này thủy triều đang lên, chiếc thuyền nhỏ như được tiếp thêm sức mạnh lao về phía đảo. Ngồi trên mạn thuyền, chúng tôi thỏa mắt ngắm nhìn những bức tường xanh chắn sóng nơi cửa biển. Giữa một vùng mênh mông sóng nước, thấp thoáng, lưa thưa những chòi canh ngao của người dân vùng biển nằm rải rác. Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp những chiếc thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Mọi người vẫy tay chào nhau, cười nói rôm rả chẳng khác gì trên bờ. Sự bình yên này được đánh đổi bằng sự hiến dâng quên mình của biết bao thế hệ, trong đó có cả những người dân bám biển ngày, đêm trên mảnh đất quê hương.
Vén màn sương giăng, đảo Nẹ hiện ra trước mắt chúng tôi, xanh khiêm nhường và nhã nhặn. Thuyền ghé sát vào âu, một người lính trẻ đón tôi bằng cái bắt tay siết chặt. Anh giới thiệu mình là Thượng úy Phạm Minh Tuấn, Đại đội trưởng Đại đội Hỗn hợp đảo Nẹ. Trên đảo, núi đá dựng đứng, bao quanh là cây thông nhựa, phong ba... những loài cây chống chọi được với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Từng bậc leo nâng chúng tôi lên cao dần, khuôn viên doanh trại sạch sẽ, ngăn nắp với các dãy nhà được xây dựng kiên cố. Không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức của những người lính đảo đã đổ xuống và chất chồng tình cảm sâu nặng của đất liền với đảo mới có được như ngày hôm nay.
Các cán bộ, chiến sĩ Đại đội Hỗn hợp đảo Nẹ tăng gia sản xuất phục vụ cuộc sống trên đảo.
Trước giờ, tôi vẫn luôn có một thắc mắc: “Đất ở đảo có mặn không?”. Tôi nghĩ là mặn, bởi dù đảo không xa nhưng nằm giữa biển cả mênh mông hà cớ gì không mặn. Nhưng đảo vẫn xanh, màu xanh của cây cối. Ngoài những loại cây đã được sàng lọc tự nhiên, hợp với thổ nhưỡng, trên đảo vẫn đủ các loại rau xanh. Thậm chí, gia súc, gia cầm cũng sinh trưởng, phát triển rất tốt trên đảo. Chuyến đi này, tôi đã tìm được câu trả lời cho chính mình. Trong mảnh vườn nhỏ của đơn vị, các chiến sĩ đang thay đất cũ bằng đất mới đủ chất dinh dưỡng để làm lớp mồi cho cây bám rễ. Giống cây có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt ngoài đảo như: rau ngót, rau muống... được ưu tiên trồng. Ngoài phân bón vi sinh chuyển từ đất liền ra, nước tưới rau tận dụng từ nước thải sinh hoạt hằng ngày của bộ đội. Để rau sinh trưởng, phát triển tốt, việc tưới nước cho rau cũng được thực hiện rất khoa học, cẩn trọng. Sáng sớm phải tưới nước cho sương muối bám trên rau trôi đi, buổi chiều tưới đậm hơn cho rau bảo đảm đủ nước để phát triển.
Sau khi thực hiện xong các nội dung, chúng tôi ngồi trò chuyện trên chiếc bàn đá, trước dãy nhà công vụ. Tôi và Thượng úy Phạm Minh Tuấn bằng tuổi nhau nên nói chuyện rất hợp. Tôi hỏi Đại đội trưởng Đại đội Hỗn hợp đảo Nẹ: Cứ lênh đênh ngoài đảo thế này, chuyện vợ con thế nào?. Thượng úy Phạm Minh Tuấn đáp ngắn gọn: Kệ! Còn trẻ cứ cống hiến đã. Ừ nhỉ! Hơn 30 tuổi, đại đội trưởng vẫn trẻ. Có những thứ tuổi trẻ không làm về sau sẽ mãi mãi không làm lại được. Chẳng riêng gì Thượng úy Phạm Minh Tuấn, mỗi cán bộ, chiến sĩ Đại đội Hỗn hợp đảo Nẹ đều có một tuổi trẻ xông pha như thế. Ngay như Thiếu úy Trương Văn Thuận, nhà ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước), cùng chung một vầng trăng, một khoảng trời xứ Thanh mà gian truân. Mỗi lần về phép phải lựa ngày sóng yên bể lặng mới vào bờ được. Rồi từ bờ đi xe máy lên TP Thanh Hóa để bắt xe khách về huyện Bá Thước. Nếu thuận tàu, thuận xe thì còn đỡ, chẳng may có trục trặc gì, quãng đường ấy bị kéo dài thêm. Vợ Thiếu úy Trương Văn Thuận mới sinh em bé và cũng như đại đa số người lính khác, con gái của anh Thuận lớn lên bên mẹ là chủ yếu. Kể về tổ ấm nhỏ ấy, ánh mắt người lính buông rộng ra mặt biển. Có lẽ anh đang nhớ về cô con gái nhỏ xinh, về bữa cơm gia đình ấm nóng, nhất là vào một ngày sương lạnh như hôm nay. Mỗi người đều có những câu chuyện hậu phương của riêng mình. Nhưng chẳng ai muốn nhắc nhiều về nó, bởi ai cũng hiểu mỗi người cống hiến một chút, san sẻ sự hy sinh một chút vì biển đảo thân yêu của Tổ quốc, vì đất mẹ quê cha của chúng ta đã dày công xây dựng, vun đắp và bảo vệ cho khát vọng bình yên đến muôn đời.
Các cán bộ, chiến sĩ Đại đội Hỗn hợp đảo Nẹ tăng gia sản xuất phục vụ cuộc sống trên đảo.
Nơi chốt tiền tiêu này, đất càng mặn, khí hậu càng khắc nghiệt, con người càng rắn rỏi. Đến nay, Đại đội Hỗn hợp đảo Nẹ đã trải qua chặng đường 70 năm chiến đấu và trưởng thành. Xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị là thực hiện huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu; tuần tra, canh gác, bảo vệ các mục tiêu then chốt của đảo; thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra. Nhiều năm liền, Đại đội Hỗn hợp đảo Nẹ đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, “Đơn vị tiên tiến” và nhiều bằng khen, giấy khen của Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để có được những thành tích đáng tự hào ấy, bên cạnh sự quan tâm, động viên kịp thời của các cấp chỉ huy thì không thể không kể đến nỗ lực khắc phục khó khăn, vất vả, luôn quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Chia tay, tôi nhớ mãi ánh mắt, nụ cười, lời nói, bước chân hành quân của các cán bộ, chiến sĩ Đại đội Hỗn hợp đảo Nẹ. Trong cái lạnh giá rét buốt đến tê người, các anh vẫn giữ chắc tay súng gìn giữ những mùa xuân cho cuộc đời. Như lời ai đó đã từng nói: “Tổ quốc nhìn từ biển”. Giữa trùng khơi không chỉ có chân trời và sóng vỗ, mà ở đó còn thổn thức những trái tim nhiệt huyết yêu thương.
Ghi chép của Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-02-21 15:07:00
Tổng kết công tác quốc phòng ở bộ, ngành trung ương, địa phương năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025
-
2025-02-21 09:11:00
Quán triệt thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ sau khi không tổ chức Công an cấp huyện
-
2025-02-19 18:47:00
Trung đoàn 762 có tân Trung đoàn trưởng
Mường Lát phát huy vai trò các lực lượng giữ vững an ninh chính trị
Trung đoàn 762 hoàn thành tiếp nhận chiến sĩ mới
Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận chiến sỹ mới năm 2025
Hậu Lộc sẵn sàng cho ngày hội tòng quân năm 2025
Nông Cống: 216 thanh niên sẵn sàng lên đường nhập ngũ
Tăng cường công tác quản lý biên giới, cửa khẩu
Đấu tranh, phòng ngừa xuất cảnh trái phép sau tết
Tổ chức lễ giao nhận quân trên cả nước từ ngày 13-15/2
Nâng mức hưởng các chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ