(Baothanhhoa.vn) - Kể từ khi du lịch mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 đến nay, lượng du khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Những tín hiệu tích cực trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy việc trao cho du khách những “lý do mới” từ những sản phẩm du lịch truyền thống đã, đang là hướng đi phù hợp, cần tiếp tục được phát huy.

Nỗ lực làm mới sản phẩm du lịch truyền thống

Kể từ khi du lịch mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 đến nay, lượng du khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Những tín hiệu tích cực trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy việc trao cho du khách những “lý do mới” từ những sản phẩm du lịch truyền thống đã, đang là hướng đi phù hợp, cần tiếp tục được phát huy.

Nỗ lực làm mới sản phẩm du lịch truyền thốngDi sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) ngày càng hấp dẫn khách tham quan. Ảnh: Tư liệu

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới như: “Không gian trưng bày hiện vật ngoài trời”; “Không gian trưng bày đá xây thành” ở cổng phía Nam; khai thác tuyến tham quan nội thành, tuyến Di sản Thành Nhà Hồ - làng cổ; tuyến tham quan văn hóa tâm linh vùng đệm dọc sông Mã; tổ chức các chương trình giáo dục di sản với chủ đề “Thành Nhà Hồ - Di sản cho mai sau”... Trong đó, tuyến Di sản Thành Nhà Hồ - làng cổ gồm các điểm tham quan: Nhà trưng bày bổ sung - Đền thờ Bình Khương - check-in sen trong hồ cổ thành Nội - Nhà cổ gia đình ông Phạm Ngọc Tùng - Chùa Linh Giang - Cổng Nam - Khu trưng bày đá xây thành đã, đang trở thành điểm nhấn mới thu hút du khách.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ Nguyễn Bá Linh, cho biết: “Trong năm 2023 chúng tôi tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục di sản với chủ đề “Thành Nhà Hồ - Di sản cho mai sau”, đưa Khu Di sản Thành Nhà Hồ trở thành điểm tham quan, học tập, nghiên cứu và giáo dục truyền thống trọng điểm của tỉnh. Đồng thời tiếp tục triển khai và hoàn thiện một số khu trưng bày mô hình súng thần công và những cải cách của vương triều Hồ, lựa chọn xây dựng điểm check-in tại bức tường thành phía Đông, điểm check-in sen trong hồ cổ thành Nội... nhằm mang đến cho du khách những góc nhìn mới, trải nghiệm bổ ích, thú vị, góp phần đưa Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước”.

Trong hành trình khám phá di sản văn hóa xứ Thanh, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) đã, đang là điểm đến hấp dẫn du khách với nhiều trải nghiệm mới. Cụ thể, đầu tháng 4-2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tổ chức lễ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh MobiFone Smart Travel và đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh. Đây được xem là “cú hích” quan trọng để Lam Kinh nói riêng, sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử của Thanh Hóa nói chung có được vị trí xứng đáng và ngày càng thu hút khách du lịch.

Với ứng dụng MobiFone Smart Travel được cài đặt trên điện thoại thông minh, du khách dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn và trải nghiệm không gian ảo của Lam Kinh, với những hình ảnh được tái hiện sinh động, thông tin chi tiết. Cùng với đó, tại đây đã triển khai hệ thống loa thông minh, gồm 1 camera cảm ứng và thiết bị phát thanh. Khi du khách tới gần, loa thông minh sẽ tự động phát đi các thông tin về điểm di tích; hệ thống thuyết minh tự động (Audio guide) thể hiện bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Dựa trên bài thuyết minh đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa kiểm duyệt, từ đó xây dựng nội dung thuyết minh trên ứng dụng chính xác, ngắn gọn và súc tích. Ngoài ra, trong ứng dụng Lam Kinh Audio guide còn lồng ghép nhiều câu chuyện tâm linh, những nhân vật lịch sử nổi tiếng gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nhằm truyền tải được nhiều thông tin hơn đến với du khách. Với sức hấp dẫn của điểm đến cùng những ứng dụng công nghệ, Lam Kinh đang tạo sức hút đặc biệt đối với mỗi du khách khi đến với vùng “địa linh nhân kiệt” này.

Đối với các khu du lịch biển trọng điểm trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay đã diễn ra hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, trong thời gian khai trương du lịch hè 2023, tại các khu du lịch biển đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, sản phẩm mới hấp dẫn, thu hút khách như: chương trình nhạc nước tại Quảng trường biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Festival dù lượn tại Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), khai trương tour du lịch Nghi Sơn - đảo Mê (thị xã Nghi Sơn)... Riêng TP Sầm Sơn, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đón 5,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 9,1 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ làm mới sản phẩm du lịch đặc trưng mang tính riêng lẻ ở từng địa phương, dựa trên sản phẩm hiện có, vừa qua (tháng 5-2023), tỉnh Thanh Hóa đã công bố tuyến du lịch kết nối các huyện Yên Định, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân. Đây là những địa phương có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú với nhiều di tích, danh thắng cấp tỉnh và quốc gia, tiêu biểu như: Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân), đền Đồng Cổ (Yên Định), Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) gắn với nhiều lễ hội truyền thống độc đáo. Ngoài ra, đây còn là vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, làn điệu dân ca, dân vũ vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, vừa giàu sắc thái riêng như: Trò diễn Xuân Phả, hò Sông Mã, múa Pồn Pôông, hát ru, xường trai gái, séc bùa...

Phát biểu tại sự kiện này, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Việc liên kết tour, tuyến du lịch của các địa phương trong tỉnh nhằm phát huy những thế mạnh riêng để hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, mới lạ và độc đáo, nhất là trong giai đoạn du lịch toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm tương đồng. Việc tổ chức công bố tuyến du lịch kết nối các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thọ Xuân sẽ là một trong những giải pháp nhằm kích cầu để thu hút khách du lịch đến với Thanh Hóa.

Không chỉ riêng Thanh Hóa, việc làm mới sản phẩm du lịch truyền thống đã, đang là hướng đi của hầu hết các địa phương trong cả nước. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua là cơ sở quan trọng để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực làm mới sản phẩm, xây dựng “một điểm đến - đa dịch vụ”. Qua đó góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch khi đến với xứ Thanh.

Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]