Những nông dân mang tư duy chăn nuôi mới
Để bắt kịp với xu hướng chăn nuôi hiện đại, những nông dân thời đại công nghệ 4.0 đã chủ động học hỏi, thay đổi tư duy sản xuất để thích ứng với thực trạng ngành chăn nuôi. Trong đó, chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật, đầu tư máy móc hiện đại, bảo vệ môi trường để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Kho bảo quản trứng tại trang trại của gia đình anh Lê Tuấn Anh, xã Xuân Du (Như Thanh).
Tại huyện Thọ Xuân, một trong những địa phương có hoạt động chăn nuôi phát triển mạnh, không khó bắt gặp những cụm, khu trang trại chăn nuôi quy mô lớn với những “ông chủ” mang tư duy chăn nuôi hiện đại, không ngại thất bại, mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao. Tại các trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc, gà lông màu... người dân ứng dụng rộng rãi công nghệ chuồng kín, máng ăn, uống tự động, sử dụng công nghệ xử lý chất thải, áp dụng quy trình an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP, ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất phục vụ việc truy xuất nguồn gốc... Ông Trịnh Tô Xuân, một trong những hộ chăn nuôi tiên phong di dời, xây dựng trang trại ra khu chăn nuôi tập trung xã Trường Xuân, cho biết: "Thực hiện chủ trương của xã, tại khu chăn nuôi tập trung, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại kiên cố, chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật và ưu tiên đầu tư máy móc hiện đại. Theo đó, để hạn chế nhân công ra vào chuồng có thể mang theo mầm bệnh bên ngoài, tôi đã đầu tư hệ thống máng ăn, uống tự động cùng hệ thống quạt thông gió, máy nổ để tránh rủi ro vào mùa hè với nền nhiệt độ cao. Bên cạnh đó, với 3 ô chuồng nuôi phân loại gà theo tháng tuổi; nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm trong chuồng được điều khiển tự động và điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của đàn gà”.
Cũng theo ông Xuân, với thực tế tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm ngày càng phức tạp, ông ưu tiên áp dụng quy trình kiểm soát dịch bệnh “3 lớp”, đó là: Tiêm đầy đủ vắc-xin phòng dịch, vệ sinh chuồng trại định kỳ, bảo đảm thức ăn, nước uống sạch và kiểm soát nguồn gốc con giống. Qua các năm, chất lượng con nuôi tại trang trại của ông Xuân ngày càng được chú trọng nâng cao; không những mạnh dạn đầu tư các loại máy móc hiện đại để tự động hóa, giảm chi phí nhân công, ông Xuân còn trồng thêm nhiều cây ăn quả, đào ao thả cá để hạn chế ô nhiễm môi trường chăn nuôi.
Là một trong những tấm gương thanh niên lập nghiệp tiêu biểu ở xã Xuân Du (Như Thanh), anh Lê Tuấn Anh đã cùng gia đình đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà đẻ trứng. Anh Tuấn Anh chia sẻ: "Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao sẽ khắc phục được những ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh. Tuy đầu tư máy móc, áp dụng khoa học - kỹ thuật đòi hỏi vốn cao nhưng khi thực hiện liên kết sản xuất sẽ ổn định về đầu ra, nâng cao giá trị của sản phẩm". Với quan điểm này, anh Tuấn Anh đã chú trọng ngay từ khâu chọn giống, phải được nhập ở địa chỉ uy tín, chất lượng đảm bảo; thức ăn được sản xuất từ các cơ sở sản xuất thức ăn uy tín trên thị trường, không sử dụng thức ăn bán trôi nổi hoặc mua thức ăn từ các cơ sở không rõ nguồn gốc thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh đúng ngày tuổi, đúng liều lượng, chủng loại để vắc-xin phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, với quy mô chăn nuôi lớn, để hạn chế nhân công ra vào trang trại, anh đã đầu tư hệ thống máy móc tự động, chú trọng hệ thống tăng chỉnh nhiệt độ. Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình nuôi, anh Tuấn Anh cho biết: "Trong quá trình chăn nuôi, tôi luôn ưu tiên công tác phòng chống dịch bệnh, chú trọng tiêu độc, khử trùng, thu gom xử lý chất thải. Sau mỗi lứa, công nhân sẽ dành 15 ngày để hong khô trấu đã sử dụng, phun rửa nền chuồng, đẩy khí nóng làm khô nền chuồng, phun hóa chất khử khuẩn và để thời gian chuồng giãn cách theo quy định, sau rồi mới thả lứa mới, áp dụng phương thức chăn nuôi “cùng vào cùng ra” theo thứ tự từng dãy, từng chuồng, từng ô”. Hiện nay, sản phẩm trứng từ trang trại của anh Tuấn Anh được cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh; bên cạnh đó, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho người dân trong và ngoài xã.
Hiện nay, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng chuyển biến tích cực; sản xuất theo quy mô lớn, tập trung đang dần thay thế phương thức chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ; nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất. Từ đó, cũng đã xuất hiện những người nông dân có tư duy sản xuất mới, bắt kịp xu hướng chăn nuôi hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-11-23 11:02:00
Nữ phó hiệu trưởng gương mẫu, tận tâm với nghề
-
2024-11-23 08:05:00
9 nhà khoa học tiêu biểu nhận giải thưởng Khuê Văn Các năm 2024
-
2024-07-12 14:48:00
Chàng trai dân tộc Dao dám nghĩ, dám làm
Người cán bộ mặt trận tận tâm, trách nhiệm
Nông dân làm giàu từ nuôi nhuyễn thể
“Niềm vui của người dân là hạnh phúc của chính mình”
Còn sức khỏe là còn cống hiến
“Chất lính” giữa thời bình
Chủ tịch hội phụ nữ tận tâm, trách nhiệm
Muốn bà con tin, mình phải làm trước...
Bí thư chi bộ hết lòng vì dân
20 năm tâm huyết với việc thôn