(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi đến thăm bà Lê Thị Quý, 76 tuổi và cháu Võ Thị Mỹ Tâm, 8 tuổi ở khu phố Phan Bội Châu, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) vào một ngày mưa. Những cơn mưa đầu hè đã làm cho con đường đến nhà bà Quý trên đê Kênh Bắc thêm trơn trượt, ngôi nhà của bà cũng trở nên não nề hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xót xa hai bà cháu sống trong túp lều giữa lòng thành phố

Chúng tôi đến thăm bà Lê Thị Quý, 76 tuổi và cháu Võ Thị Mỹ Tâm, 8 tuổi ở khu phố Phan Bội Châu, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) vào một ngày mưa. Những cơn mưa đầu hè đã làm cho con đường đến nhà bà Quý trên đê Kênh Bắc thêm trơn trượt, ngôi nhà của bà cũng trở nên não nề hơn.

Xót xa hai bà cháu sống trong túp lều giữa lòng thành phố

“Ngôi nhà” rộng 38 mét vuông do những người hàng xóm góp công, góp sức xây dựng cho bà Quý và cháu Tâm.

Gọi là nhà chứ thực ra chỉ là một căn lều tạm bợ do bà con hàng xóm cùng góp công, góp sức dựng lên để hai bà cháu có chỗ che mưa, che nắng từ nhiều năm nay. Trong không gian chật chội toàn mùi ẩm mốc, bà Quý bảo với tôi: “Hôm nay trời mưa nhỏ nên sàn nhà không bị ngập, những ngày trời mưa to, bao nhiêu nước trên đê đều đổ dồn xuống ngôi nhà của bà, từ chỗ ăn, chỗ ngủ và mọi đồ dùng sinh hoạt đều ngập trong nước”.

Chồng bà Quý mất hơn 25 năm nay. Từ ngày chồng mất, bà Quý một thân một mình lặn lội nuôi 5 người con, 3 trai, 2 gái. Vì gia cảnh quá khó khăn, thế nên các con của bà chẳng ai được đến trường. Ngay bản thân bà cũng chỉ biết viết mỗi cái tên của mình nên chẳng thể dạy cho con. Cuộc sống của 6 mẹ con trôi qua trong khốn khó, cho đến hôm nay, cái nghèo vẫn đeo bám lấy họ. Mặc dù cả 5 người con của bà đều đã có gia đình riêng nhưng kinh tế cũng quá khó khăn nên chẳng thể lo nổi cho người mẹ già yếu. Bà Quý nói với chúng tôi trong nước mắt: “Chúng nó không biết chữ nên chẳng thể kiếm nổi một công việc đàng hoàng, cứ nay đây mai đó, đứa thì nhổ lông gà thuê để kiếm ăn qua ngày, đứa thì sức khỏe yếu, ngày làm ngày nghỉ, tiền kiếm được chẳng đủ tiền ăn, tiền thuốc… Chúng nó chẳng mua nổi cho tôi một vật dụng nào trong ngôi nhà, tất cả đều là đồ mọi người trong xóm không dùng nữa nên cho tôi xin về dùng”.

Xót xa hai bà cháu sống trong túp lều giữa lòng thành phố

Bà Quý lau vội giọt nước mắt khi nhắc đến cuộc sống của những đứa con nghèo khổ.

Nhìn quanh ngôi nhà của bà chẳng có một món đồ giá trị, khu bếp nấu ăn bằng bếp củi cũng chỉ rộng chừng 2 mét vuông, không nhà tắm, không nhà vệ sinh. Bà Quý đưa tay lau vội những giọt nước mắt rồi chỉ vào từng vật dụng trong ngôi nhà, từ chiếc giường do bác trưởng khu phố đi xin cho bà từ 2 năm nay, chiếc tủ nhựa cũ đựng quần áo cho hai bà cháu do bà bán cá ngoài chợ “tặng” lại vì con bà không dùng đến nữa, rồi bộ bàn ghế cũ sờn gồm 1 bàn, 3 ghế, mỗi chiếc một màu để hai bà cháu ăn cơm và đứa cháu học bài cũng do 4 người hàng xóm góp lại… Bà bảo: “Cũ người nhưng mới ta. Bà không có nên thấy mọi người bỏ đi, bà tiếc lắm’. Mặc dù hiện tại rất khó khăn, nhưng bà bảo, như thế này đã là tốt lắm rồi. Mấy năm về trước, bà không có giường đề ngủ, phải kê gạch ngủ dưới sàn nhà, bác Sáng trưởng khu phố thương hoàn cảnh của hai bà cháu nên đã đi xin một hộ trong xóm được chiếc giường không dùng đến để hai bà cháu có chỗ ngả lưng. Ăn uống thì ai cho gì ăn đó, cứ rau cháo qua ngày. Bây giờ, bà đã có gạo để ăn dù số gạo đó cũng do bác trưởng khu phố bớt tiền lương hưu để mua cho bà hàng tháng, thi thoảng hàng xóm lại mang đến cho bà vài kg…

Xót xa hai bà cháu sống trong túp lều giữa lòng thành phố

Khu bếp nấu ăn của hai bà cháu.

Khi tôi thắc mắc về đứa cháu ngoại đang ở cùng bà, rằng: Bà già yếu như vậy, cuộc sống lại khó khăn, sao bố mẹ cháu không chăm lo cho cháu mà dồn gánh nặng cho bà? Bà Quý ngậm ngùi: “Bố nó đi đâu, nhiều năm nay không thấy về. Cách đây gần 2 năm, mẹ nó cũng đi. Hôm trước khi đi, mẹ nó bảo đi vài ngày rồi về. Đến giờ cũng gần 2 năm rồi, có lần nó gọi điện về bảo muốn về thăm con nhưng không có tiền. Từ ngày đó đến giờ, nó chẳng gửi về đồng nào để tôi nuôi cháu, cũng chẳng một lần về thăm con. Cũng may mắn, Tâm biết thương bà nên ít đau ốm, biết nghe lời và tự giác học tập”.

Được biết, cháu Tâm hiện đang là học sinh lớp 3C, trường tiểu học Tân Sơn. Cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên chủ nhiệm lớp, cho biết: “ Tâm là một học sinh ngoan, chăm chỉ, sống hòa đồng, tuy nhiên, do gia đình không có ai kèm cặp nên có những bài tập khó, Tâm không theo kịp các bạn. Biết hoàn cảnh khó khăn nên thời gian qua, nhà trường cũng đã rất tạo điều kiện để em Tâm yên tâm học tập, tất cả các khoản thu trong năm học nhà trường đều miễn, đồng thời hỗ trợ em tiền mua sách vở và đồ dùng học tập”.

Xót xa hai bà cháu sống trong túp lều giữa lòng thành phố

Bố mẹ bỏ đi biền biệt, đứa cháu ngoại một tay bà Quý chăm sóc.

Được biết, hằng ngày, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và những người hàng xóm láng giềng, bà Quý vẫn đi rửa bát thuê cho một cửa hàng bán đồ ăn sáng, từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa và tiền công bà nhận được là 30 nghìn đồng. Buổi chiều, bà đi tách giấy bóng cho một hàng cá ngoài chợ để lấy vài con cá nhỏ về làm thức ăn cho hai bà cháu. Tuy nhiên, một tuần qua bà bị ốm nên đành phải nghỉ ở nhà. Bà nghỉ, đồng nghĩa với khoản thu nhập ít ỏi của bà cũng “nghỉ” theo.

Xót xa hai bà cháu sống trong túp lều giữa lòng thành phố

Ngoài số tiền công ít ỏi từ rửa bát thuê, hai bà cháu phải dựa vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và những người hàng xóm.

Lẽ ra, ở cái độ tuổi này, bà sẽ được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi gia bên gia đình, con cháu. Vậy nhưng, tấm thân già yếu vẫn phải oằn mình lo lắng chuyện áo cơm, lo cho cả đứa cháu tội nghiệp. Vất vả là vậy, nhưng người ta vẫn chẳng thấy bà thở than, thậm chí bà còn rất thương đứa cháu ngoại, ai cho gì ngon cũng dành hết phần cháu, số tiền ít ỏi bà kiếm được cũng chẳng dám tiêu mà để dành cho cháu, mai sau còn lo chuyện học hành.

Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh của bà Lê Thị Quý, ông Nguyễn Văn Sáng, Phó Bí thư chị bộ - Trưởng khu phố Phan Bội Châu, cho biết: “ Hoàn cảnh của gia đình bà Quý rất khó khăn, các con của bà vẫn phải chạy ăn từng bữa nên chẳng thể lo cho bà. Bản thân bà cũng đang mắc các chứng bệnh của tuổi già nhưng vẫn phải đi làm thuê để nuôi hai bà cháu. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kêu gọi sự hỗ trợ từ các hộ dân trong xóm, người cho gạo, người cho quần áo, người bỏ công đến căng cái bạt lên mái nhà để che mưa, người thì phụ bà nộp tiền điện, tiền nước hàng tháng… Chúng tôi cũng chỉ giúp được một phần nhỏ, chủ yếu là động viên tinh thần để bà vượt qua khó khăn. Qua đây, tôi rất mong các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện quan tâm, chia sẻ để cuộc sống của hai bà cháu bớp phần khốn khó”.

Mọi sự giúp đỡ xin được gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Báo Thanh Hoá - Toà nhà Báo Thanh hoá, đường Đông Hương 2, phường Đông Hương, TP Thanh Hoá. Số điện thoại: 0237.3714390. Hoặc, bà Lê Thị Quý, số 121B Kênh Bắc, phố Phan Bội Châu, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa.

Khánh Đan


Khánh Đan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]