Vợ chồng già mong có ngôi nhà để che mưa, nắng
Chúng tôi về thôn Tôm, xã Ban Công (Bá Thước) trong cái nắng gay gắt của ngày đầu hè. Ngồi trong căn nhà mái lá xập xệ, nhìn thấy ánh mặt trời xuyên thấu, nghe vợ chồng ông bà Hà Văn Pê (SN 1948) và Lò Thị Khởi (SN 1958), kể về những gian khó của cuộc đời làm chúng tôi nghẹn lòng.
Ông Pê sinh ra và lớn lên khi đất nước còn khói lửa chiến tranh. Năm 1969, ông cùng những thanh niên yêu nước khác lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến tại chiến trường tỉnh Quảng Nam. Năm 1974, ông xuất ngũ. Về quê hương, ông quen biết và kết duyên cùng bà Khởi. Năm 1984, vợ chồng ông sinh được 1 người con trai. Đến tuổi trưởng thành, người con lấy vợ, sinh được 1 cháu trai, do không có nghề nghiệp nên ông phải đi làm thuê khắp nơi, thi thoảng mới về thăm nhà. Con dâu ông sau khi sinh con được một thời gian thì bỏ chồng, bỏ con lại cho ông bà nuôi rồi đi biệt tăm. “Đã gần 10 năm nay, vợ chồng tôi nuôi cháu nội, đứa con trai không có việc làm ổn định, nay đây mai đó, thi thoảng gửi về cho tôi ít tiền để trang trải cuộc sống” - ông Pê ngậm ngùi.
Theo lời ông Pê, trước đây vợ chồng ông ở căn nhà sàn do bố mẹ để lại, nhưng cách đây 5 năm, căn nhà không chống chịu nổi thời gian nên đã bị sập. Vợ chồng ông được bà con trong thôn giúp đỡ dựng cho căn nhà lá, xung quanh là những tấm proximăng hỏng, ghép lại để che mưa, che gió. Cũng như căn nhà trước, căn nhà này có thể sập bất cứ lúc nào. “Những ngày mưa, gió là cả nhà mất ngủ vì mưa dột khắp nơi”, nước chảy lênh láng khắp nhà. Mặc dù vậy nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có tiền để làm lại, hay sửa chữa căn nhà.
“Trước đây, khi vợ chồng tôi còn khỏe thì lên rừng chặt củi kiếm sống, nay già yếu không làm thêm được gì. Bà nhà tôi vốn dĩ sức khỏe đã kém, nay tuổi già bệnh tật càng nhiều: thần kinh, đau cột sống, tai điếc... đủ cả. Nhà có hơn 1 sào đất đồi nhưng chỉ cấy được 1 vụ lúa, không đủ gạo ăn trong năm. Vợ chồng tôi còn phải nuôi đứa cháu nội đang tuổi đến trường. Nơi trường cháu học cũng phải miễn hết tất cả học phí và tiền đóng góp. Nguồn thu nhập của gia đình giờ chỉ trông vào việc thi thoảng đan lưới đánh cá bán cho bà con trong thôn. Mỗi cái lưới có giá 100 ngàn đồng, nhưng mỗi tháng tôi chỉ đan được 3, 4 cái nên chẳng thấm vào đâu so với cuộc sống chi tiêu của gia đình 3 người” - ông Pê nói.
Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình ông Pê, ông Lương Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Ban Công, cho biết: “Gia đình ông Pê thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. UBND xã và các tổ chức xã hội địa phương cũng hết sức lưu tâm nhưng tiềm lực có hạn nên mong muốn các nhà hảo tâm, các cơ quan, ban, ngành giúp đỡ sửa sang, xây dựng lại căn nhà để ông bà có nơi che mưa, che nắng”.
Mọi sự giúp đỡ cho gia đình ông Pê, bà Khởi xin gửi về: Quỹ Tấm lòng Vàng, Báo Thanh Hóa - Tòa nhà Báo Thanh Hóa, đường Nguyễn Duy Hiệu, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa. Số điện thoại: 02373.714390. Số tài khoản: 118002690083, tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa, hoặc ông Hà Văn Pê, thôn Tôm, xã Ban Công, huyện Bá Thước. |
Ngọc Tiến
{name} - {time}
- 2023-12-01 10:33:00
Hướng đến những mảnh đời khó khăn
- 2023-11-21 09:33:00
Hỗ trợ 83 triệu đồng xây nhà “Mái ấm công đoàn”, thăm hỏi đoàn viên ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo
- 2022-05-03 19:26:00
Đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn huyện Như Thanh
Vợ chồng già mong có ngôi nhà để che mưa, che nắng
Hội đồng Bùi tộc Việt Nam thăm, tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Tặng bánh ăn dặm cho 100 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
“Từ khi bố mất, em phải cố gắng để làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ”
Mang yêu thương đến với trẻ mồ côi do dịch COVID-19
Con chỉ mong sớm khỏi bệnh để được đến trường…
Ấm áp những ngôi nhà tình nghĩa gắn với phong trào thanh niên ở huyện Hậu Lộc
Trao sổ tiết kiệm và xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Hội LHPN huyện Hoằng Hóa trao 2 ngôi nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ khó khăn