(Baothanhhoa.vn) - Các con lập gia đình nhưng đều đổ vỡ, đôi vợ chồng già lại nhận trách nhiệm làm cha, làm mẹ của các cháu. Cuộc sống vô cùng vất vả, khó khăn và hiu quạnh nhưng họ vẫn gắng gượng, quyết tâm nuôi dạy các cháu nên người.

Nỗi buồn tuổi già của vợ chồng nghèo sống trong căn nhà dột nát

Các con lập gia đình nhưng đều đổ vỡ, đôi vợ chồng già lại nhận trách nhiệm làm cha, làm mẹ của các cháu. Cuộc sống vô cùng vất vả, khó khăn và hiu quạnh nhưng họ vẫn gắng gượng, quyết tâm nuôi dạy các cháu nên người.

Nỗi buồn tuổi già của vợ chồng nghèo sống trong căn nhà dột nátBà Hoa cùng với cháu nội bên ngôi nhà sàn đã xuống cấp.

Trong ngôi nhà sàn tuềnh toàng, xơ xác, nằm trơ trọi trên sườn đồi thuộc thôn Cả, xã Ban Công (Bá Thước), vợ chồng ông Bùi Văn Búng (SN 1965) và bà Hà Thị Hoa (SN 1965) lặng lẽ ngồi sắp lại những miếng nứa dập, bị gãy dưới sàn nhà. Thấy chúng tôi đến, bà Hoa lật đật mở tấm liếp cửa, mời khách vào trong. Gần 60 tuổi, bước đi của bà Hoa đã chậm chạp và khó khăn, tấm lưng bà đã quá sức trước gánh nặng mưu sinh và những bất hạnh cuộc đời. “Đời tôi, từ khi sinh ra đến giờ và có lẽ đến lúc nhắm mắt xuôi tay không có được mấy ngày vui vẻ, hạnh phúc. Vì bố mẹ nghèo, lấy chồng cũng nghèo, đẻ ra 3 đứa con trai thì 2 đứa ly hôn phó mặc 2 đứa cháu nội cho ông bà già chăm sóc, đứa còn lại phiêu bạt thi thoảng mới thấy về nhà. Nhỏ, chúng có biết gì đâu, đi học về có đứa còn hỏi bà: “Bà ơi! Mẹ cháu đâu?”. Chả biết làm thế nào, mình bảo: “Mẹ đang đi làm xa, một thời gian nữa mới về với cháu”. Xót xa lắm! Cuối đời rồi vẫn lẩn quẩn bụi trần, hết chăm con lại chăm cháu”.

Một gia đình 2 già, 2 trẻ cứ đùm bọc, cưu mang nhau trong căn nhà trống hoác với những tấm liếp lâu năm đã xộc xệch, mục nát, rơi rụng... tạo ra những khoảng trống lớn. Bà Hoa cho biết: “Ngôi nhà sàn này vợ chồng tôi xây dựng đã 35 năm rồi. Qua thời gian, ngôi nhà đã xuống cấp, nhưng vợ chồng tôi không có điều kiện để sang sửa lại. Đợt vừa rồi trời mưa liên tục, ông nhà tôi phải đi xin bà con trong thôn mấy tấm bạt cũ, che những chỗ hở to để hạn chế mưa phả, gió lùa. Thế nhưng, cách làm này chỉ đối phó với những cơn mưa nhỏ, khi mưa lớn thì trong nhà cũng như ngoài trời. Nhiều lúc, mưa to quá cả nhà phải bồng bế nhau sang hàng xóm tá túc”.

Hai đứa cháu, trường học cách nhà khoảng 2 km, không có xe đạp nên hàng ngày phải đi bộ đi học. Dù rất thương nhưng vợ chồng bà Hoa chưa có cách nào để sắm cho cháu chiếc xe, vì sinh kế của cả gia đình là 3 sào đất đồi trồng luồng và 1 sào đất đồi trồng lúa một vụ, thu nhập chẳng đáng là bao. Để cải thiện cuộc sống, ông Búng quanh năm suốt tháng nay đây, mai đó làm thuê, kiếm sống. Mấy năm nay, ông tuổi cao, sức yếu... nên công việc làm thuê không còn bảo đảm, thu nhập đã ít, nay lại càng ít hơn.

Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình ông Búng, ông Lương Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Ban Công, cho biết: “Gia đình ông Búng, bà Hoa thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã, không những nghèo mà sức khỏe hai ông bà cũng đã yếu, lại phải nuôi 2 đứa cháu nội. Gia đình quá khó khăn, nên cả ba người con của ông bà đều phải nghỉ học sớm, đi làm thuê phụ giúp bố mẹ có cái ăn, cái mặc qua ngày. UBND xã và các tổ chức xã hội địa phương cũng hết sức lưu tâm nhưng tiềm lực có hạn nên mong muốn các nhà hảo tâm, các cơ quan, ban, ngành giúp đỡ sửa sang, xây dựng lại căn nhà để ông bà có nơi che mưa, che nắng”.

Mọi sự giúp đỡ cho gia đình ông Búng, bà Hoa xin gửi về: Quỹ Tấm lòng vàng Báo Thanh Hóa. Tòa nhà Báo Thanh Hóa, đường Nguyễn Duy Hiệu, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa. Số điện thoại: 02373.714390. Số tài khoản: 118002690083 tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa. Hoặc ông Bùi Văn Búng, thôn Cả, xã Ban Công, huyện Bá Thước.

Bài và ảnh: Tiến Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]