(Baothanhhoa.vn) - Như Thanh - vùng đất gắn với những nét độc đáo về văn hóa và phong phú về điều kiện tự nhiên, là nơi hội tụ của 4 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống gồm: Kinh, Thái, Mường, Thổ. Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn những nét văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn, như: ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian... Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào DTTS nói riêng, huyện Như Thanh nói chung.

Như Thanh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Như Thanh - vùng đất gắn với những nét độc đáo về văn hóa và phong phú về điều kiện tự nhiên, là nơi hội tụ của 4 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống gồm: Kinh, Thái, Mường, Thổ. Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn những nét văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn, như: ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian... Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào DTTS nói riêng, huyện Như Thanh nói chung.

Như Thanh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịchLễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái, thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống

Những ngày này, Khu di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Phủ Na ở xã Xuân Du (Như Thanh) thu hút đông đảo Nhân dân và du khách về dâng hương, vãn cảnh. Gắn liền với khu di tích là lễ hội truyền thống Phủ Na diễn ra vào tháng 8 âm lịch hàng năm.

Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn động phủ, nằm ở chân dãy núi Nưa. Phủ Na là một trong những trung tâm tín ngưỡng lớn thờ Mẫu Thượng Ngàn, Đức Thánh Tản Viên, Mẹ Âu Cơ - một trong những tục thờ thần bản địa xuất hiện từ rất sớm trong các cộng đồng dân cư ở Việt Nam. Là vùng đất linh thiêng - nơi nữ Anh hùng Triệu Thị Trinh dấy binh đánh quân xâm lược Đông Ngô (năm 248). Tại đây, bà đã dừng chân để chiêu mộ binh lính, tập kết quân lương, luyện tập nghĩa sĩ, luận bàn kế sách hành quân đánh giặc. Bên cạnh hoạt động tế lễ, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi trò diễn dân gian cũng được địa phương tổ chức với sự tham gia sôi nổi của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường trên địa bàn xã Xuân Du và du khách thập phương, làm nên nét đẹp văn hóa trong lễ hội.

Về với Như Thanh, vùng đất phía Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa, nơi đồng bào các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Thổ cùng sinh sống, đoàn kết. Đồng bào DTTS ở đây vẫn còn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Tiêu biểu, đồng bào dân tộc Thái có lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc); Sết Boóc Mạy (thôn Mó 1, xã Cán Khê); lễ hội mừng cơm mới của người Mường thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi diễn ra sau khi mùa màng đã xong nhằm bày tỏ lòng biết ơn với trời đất, tổ tiên, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Hiện nay, lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy - “Hát múa ăn mừng dưới cây bông” đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội không chỉ thu hút cộng đồng dân tộc Thái mà đồng bào dân tộc Mường sinh sống ở thôn Rộc Răm cũng cùng tham gia, tạo nên sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng. Thông qua lễ hội, đồng bào dân tộc nơi đây gửi gắm ước vọng mưa thuận gió hòa, cầu thần linh che chở để bình an, khỏe mạnh.

Ngoài lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (xã Xuân Phúc), lễ hội Sết Boóc Mạy của Nhân dân thôn Mó 1, xã Cán Khê là một hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc được lưu truyền từ thời xa xưa. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội là dịp tái hiện lại một phần trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thời khai thiên lập mó đến nay thông qua những làn điệu dân ca giao duyên, những âm thanh vang vọng khắp núi rừng của tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng khua luống... hòa quyện với nhau. Đặc sắc hơn nữa là người dân tộc Thái từ thời xa xưa đã tự tạo cho mình một niềm tin hướng thiện là sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và họ đã dày công vun đắp mà tạo nên. Lễ hội đang trong quá trình làm hồ sơ đệ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Không chỉ gìn giữ các lễ hội truyền thống, hiện nay, bà con nơi đây vẫn còn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa riêng biệt và đặc sắc như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; trang phục, tín ngưỡng thờ thổ địa; đám cưới; lễ làm vía, lễ cầu mùa; các món ăn ẩm thực... Nhiều di tích lịch sử, điểm tham quan hấp dẫn trên địa bàn các xã, thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống như: Di tích lịch sử quốc gia Lò cao kháng chiến Hải Vân; đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung); đền thờ Bạch Y công chúa (xã Phú Nhuận); Vườn quốc gia Bến En (nằm trên địa bàn huyện Như Thanh, Như Xuân)... đã và đang được đầu tư, tôn tạo xứng tầm, thu hút du khách tham quan, vãn cảnh. Tính đến tháng 9-2023, huyện Như Thanh đã đón hơn 130.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 12 tỷ đồng.

Tạo đà cho du lịch phát triển

Thời gian qua, huyện Như Thanh luôn quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo tồn văn hóa DTTS. Đẩy mạnh việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi (&MN) giai đoạn 2021-2030. Trong đó, có bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS. Đầu tư hạ tầng cho các điểm du lịch cộng đồng, khôi phục nếp nhà sàn, phong tục tập quán, đời sống dân tộc Thái và Mường. Thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện. Huy động sự tham gia của các nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, bảo đảm tốt nhất quyền công dân trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng thành quả văn hóa.

Thực hiện Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 5-5-2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 2540/KH-SVHTTDL ngày 30-5-2023 của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023, thuộc Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. UBND huyện Như Thanh đã ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 6-7-2023 về thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN thuộc Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Như Thanh, năm 2023. Hiện nay, các phòng, ban chức năng của huyện, UBND các xã, thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống đã và đang tích cực triển khai thực hiện các nội dung chương trình.

Theo kế hoạch, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, huyện triển khai thực hiện các nội dung như: Cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa, công trình phụ trợ thuộc các xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Xuân Khang; hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ truyền thống thuộc các xã: Xuân Khang, Xuân Thái, Hải Long, Phú Nhuận, Xuân Du, Xuân Phúc, Cán Khê, Phượng Nghi; tổ chức thi đấu giải thể thao truyền thống các DTTS (quý IV); hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ tôn tạo, chống xuống cấp di tích lịch sử quốc gia Lò Cao kháng chiến Hải Vân; hỗ trợ hoạt động 6 tháng cho nghệ nhân ưu tú người DTTS...

Cùng với đó, xác định phát triển du lịch là 1 trong 3 chương trình trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Như Thanh đã ban hành chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa chương trình trọng tâm của huyện. Cùng với triển khai thực hiện Kế hoạch số 218, UBND huyện Như Thanh đã ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 6-7-2023 tổ chức hội nghị “Giới thiệu, quảng bá tiềm năng, kết nối phát triển du lịch” huyện Như Thanh năm 2023 (dự kiến tổ chức tháng 11-2023). Mục tiêu là quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch “Hương sắc 4 mùa” của tỉnh Thanh Hóa. Tạo cơ hội, mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch và khách hàng gặp gỡ, liên kết, hợp tác để đem lại sản phẩm, dịch vụ du lịch hoàn chỉnh với chất lượng ngày càng cao, giá thành phù hợp. Liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối du lịch Như Thanh với các điểm du lịch khác trong tỉnh nhằm thúc đẩy du lịch trên địa bàn không ngừng phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]