Nhiều khó khăn tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên
Mặc dù đã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, thế nhưng, hiện nay, nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn toàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Các thiết bị thực hành tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa không được sử dụng, phải xếp vào kho. Ảnh: Trần Hằng
Được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy. Tuy nhiên, tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa vẫn rơi vào cảnh “đìu hiu” vì thiếu vắng học viên. Hiện nay, tại trung tâm chỉ có 26 học viên đang theo học chương trình giáo dục phổ thông. Vì vậy, 3 phòng thực hành nghề mới được sửa chữa từ năm học 2022-2023 đến nay cũng phải đóng cửa do không có người học. Các thiết bị thực hành không được sử dụng, đành phải xếp vào kho, nằm phủ bụi.
Đồng cảnh ngộ như Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Sơn được thành lập từ năm 2000, đến năm 2014, trung tâm được đầu tư cơ sở vật chất khang trang bao gồm 3 phòng học, 1 xưởng nghề và 1 khu nhà hiệu bộ. Thế nhưng, mãi đến năm học 2022-2023 trung tâm mới chiêu sinh được 13 học viên theo học chương trình giáo dục phổ thông, ở hai khối 10 và khối 11. Để đảm bảo hoạt động theo quy định, ngoài 5 cán bộ, giáo viên biên chế, trung tâm phải ký hợp đồng với 5 giáo viên từ các cơ sở giáo dục - đào tạo khác trên địa bàn huyện... Do thiếu vắng học viên, cơ sở vật chất của trung tâm cho một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện mượn khi có nhu cầu tập huấn, đào tạo.
Tình trạng trên không chỉ xảy ra tại các huyện miền núi, tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Xương, mặc dù được cấp phép đào tạo 5 mã nghề, nhưng kể từ khi sáp nhập năm 2017 đến nay, trung tâm cũng mới chỉ mở được 36 lớp sơ cấp nghề, trong đó có những mã nghề những năm gần đây không có học viên nào đăng ký theo học. 7 năm nay, trung tâm chưa được đầu tư mới trang thiết bị phục vụ việc dạy nghề. Hầu hết thiết bị ở đây đều do đơn vị xoay sở, tận dụng từ thiết bị cũ. Nhiều máy móc, thiết bị sau nhiều năm sử dụng đã hư hỏng, lỗi thời, không còn khả năng để sửa chữa.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 24 trung tâm GDNN-GDTX công lập cấp huyện thực hiện 3 chức năng: GDNN, GDTX và hướng nghiệp với tổng số cán bộ quản lý, giáo viên của các trung tâm là trên 500 người (trong đó giáo viên dạy nghề là 59 người). Từ năm 2018 đến nay, các trung tâm tuyển sinh và đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 6.339 người (sơ cấp là 1.528 người, dưới 3 tháng là 4.811 người); từ năm 2022 đến nay liên kết đào tạo trình độ trung cấp cho 8.824 học sinh.
Do thiếu vắng học viên nên cơ sở vật chất của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Sơn thường chobcác cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn huyện mượn khi có nhu cầu tập huấn, đào tạo.
Trước khi sáp nhập (năm 2017), toàn tỉnh có 12 trung tâm dạy nghề, Trung tâm GDTX- Dạy nghề được hỗ trợ trên 37 tỷ đồng từ các chương trình, đề án để mua sắm trang thiết bị dạy nghề; sau sáp nhập (năm 2019), có 3 trung tâm thuộc các huyện: Như Thanh, Hoằng Hóa, Như Xuân được hỗ trợ 5,8 tỷ đồng mua sắm thiết bị đào tạo nghề may công nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật chế biến món ăn, trồng nấm, vi tính văn phòng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Nhìn chung, các thiết bị đào tạo nghề được đầu tư, mua sắm phù hợp với tiêu chuẩn định mức và phục vụ có hiệu quả các ngành, nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững với 61 huyện nghèo, Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM.
Tuy nhiên, hiện nay, các trung tâm gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, do thiếu giáo viên dạy nghề. Đơn cử như, các Trung tâm GDNN-GDTX Vĩnh Lộc, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn không có giáo viên dạy nghề; một số Trung tâm GDNN-GDTX Cẩm Thủy, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân chỉ có duy nhất 1 giáo viên dạy nghề. Còn tại các Trung tâm GDNN-GDTX Nông Cống, Triệu Sơn, Quảng Xương, Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh có phòng học nhưng không có thiết bị đào tạo nghề hoặc thiết bị đào tạo đã lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu học nghề.
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, HĐND tỉnh đã phân bổ trên 35 tỷ đồng cho 24 trung tâm GDNN-GDTX để cải tạo, sửa chữa, mua sắm thiết bị đào tạo nghề (nguồn kinh phí thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025: Giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Tuy nhiên, theo điểm b khoản 2 Điều 44 Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, các trung tâm GDNN-GDTX là cơ sở giáo dục thường xuyên (không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014). Do đó, không thuộc đối tượng được hỗ trợ sửa chữa, mua sắm thiết bị đào tạo nghề nên không thực hiện giải ngân được.
Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm GDNN-GDTX, thời gian tới, với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực GDNN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các ban, ngành liên quan tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy; rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả quản lý, sử dụng các trang thiết bị đào tạo tại trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện để đảm bảo thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ: GDNN-GDTX và hướng nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT theo Kế hoạch số 158/KH-UBND, ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện Đề án “GDNN và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Ngoài ra, cần bổ sung giáo viên dạy nghề cho các trung tâm, đảm bảo về số lượng, cơ cấu ngành nghề; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Bài và ảnh: Trần Hằng
- 2024-11-01 09:49:00
Xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2
- 2024-11-01 09:48:00
Bá Thước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non
- 2024-08-24 13:09:00
Để học sinh yêu và học tốt môn lịch sử
Năm học 2024-2025, Hoằng Hoá phấn đấu nằm trong tốp đầu của tỉnh
Thọ Xuân hoàn thành xây dựng 28 trường đạt chuẩn quốc gia
Hà Trung khen thưởng, biểu dương giáo viên, học sinh đạt thành tích trong năm học 2023-2024
Để tình trạng thiếu giáo viên không còn là bài toán khó
Quỹ học bổng Lê Viết Ly “chắp cánh” cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học
Giáo dục mũi nhọn huyện Quảng Xương nằm trong tốp đầu toàn tỉnh
Bứt phá điểm số với khóa học PTE cho người mới bắt đầu tại PTE Magic
Học sinh lớp 1 náo nức tựu trường
Khẳng định vị thế số 1 của giáo dục xứ Thanh