(Baothanhhoa.vn) - Số phận không cho những người khiếm thị một đôi mắt sáng như bao người khác, nhưng khi phải sống chung với bóng tối, thay vì sợ hãi, bế tắc, tuyệt vọng, những người khiếm thị lại làm cho cuộc đời sáng lên bằng chính tinh thần lạc quan và nghị lực phi thường. Điều đó đã giúp những người khiếm thị vượt qua sự tăm tối của số phận, tìm được ánh sáng riêng cho cuộc đời mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vươn lên từ bóng tối

Số phận không cho những người khiếm thị một đôi mắt sáng như bao người khác, nhưng khi phải sống chung với bóng tối, thay vì sợ hãi, bế tắc, tuyệt vọng, những người khiếm thị lại làm cho cuộc đời sáng lên bằng chính tinh thần lạc quan và nghị lực phi thường. Điều đó đã giúp những người khiếm thị vượt qua sự tăm tối của số phận, tìm được ánh sáng riêng cho cuộc đời mình.

Vươn lên từ bóng tối

Một giờ học của cô và trò tại Hội Người mù tỉnh.

Lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), em Nguyễn Thị Yến không có được may mắn như nhiều trẻ em khác khi em bị mù bẩm sinh. Nhiều năm qua, cuộc sống của Yến luôn bó hẹp trong bóng tối, tự ti và mặc cảm. Càng buồn hơn khi bố mẹ em lại bỏ nhau. Không chỉ chạy vạy khắp nơi lo tiền chữa bệnh cho con, mẹ em phải rời quê hương ra Hải Phòng làm công nhân lấy tiền để nuôi Yến. Năm 2016, được sự tiếp nhận của Hội Người mù Thanh Hóa, Yến đã bước sang một cuộc sống mới với tình yêu thương, sự chăm sóc của những người cùng cảnh ngộ. Trước đây, việc đọc sách, viết chữ với người khiếm thị là điều không tưởng và cơ hội học hành với họ cũng là mơ ước xa xôi. Với Yến cũng vậy. Trước khi vào Hội Người mù Thanh Hóa, em chưa từng được đi học, nhưng giờ đây em đã biết đọc, biết viết chữ Braille, loại chữ dành riêng cho người khiếm thị. Dù không đọc được bản nhạc, nhưng bằng sự cảm âm tinh tế của người khiếm thị, Yến hát rất hay những ca khúc mình yêu thích. Những âm thanh lúc trầm lúc bổng, lúc rộn ràng réo rắt, lúc lại lắng đọng thiết tha đã nâng bước tâm hồn Yến, giúp em có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, thắp lên ánh sáng cuộc đời, chắp thêm cho em niềm tin vào tương lai phía trước.

Không phải đối diện với bóng tối từ nhỏ nhưng câu chuyện về cuộc đời tăm tối của em Nguyễn Hữu Thắng (12 tuổi), phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) cũng mang đến cho nhiều người niềm thương cảm. Lúc sinh ra, Thắng cũng bình thường như bao trẻ em khác, được gia đình chăm bẵm, chiều chuộng, nâng niu. Cho đến khi lên 3 tuổi, trong lúc đùa nghịch, em bị thanh thép nhỏ chọc vào bên mắt trái. Gia đình đã đưa em đi chữa trị nhiều nơi, hao tốn không ít sức lực và tiền bạc nhưng vẫn không thể khỏi. Hiện nay, Thắng đã vĩnh viễn mất đi mắt trái, mắt phải bị ảnh hưởng nên chỉ còn nhìn thấy mờ mờ. Vượt qua những rào cản ban đầu, năm 6 tuổi Thắng đồng ý vào Hội Người mù tỉnh và tham gia lớp học chữ Braille cùng các bạn. Cuộc sống mới gặp không ít khó khăn vì sinh hoạt cá nhân bị đảo lộn, nhưng em luôn tự học, tự vươn lên để không thua kém các bạn. 6 năm qua, những nỗ lực của bản thân đã giúp Thắng vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt việc học và mọi sinh hoạt cá nhân của mình.

Nếu tuổi thơ của các bạn có đôi mắt sáng bình thường là những ngày tháng rộng mở, đầy ắp tiếng cười thì tuổi thơ của Đoàn Văn Thực, xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) là chuỗi ngày dài ngập chìm trong nước mắt và sự mặc cảm, tủi thân. Thế nhưng, với ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn trở ngại, luôn tự học hỏi, Thực đã cảm nhận được những điều kỳ diệu của cuộc đời. Năm 2016, Đoàn Văn Thực đã được nhận vào học tại Hội Người mù Thanh Hóa. Cuộc sống mới xa gia đình, người thân nên thời gian đầu Thực không tránh khỏi những bỡ ngỡ, lo lắng. Nhờ sự chăm sóc, động viên của cô giáo và sự giúp đỡ của các bạn, Thực nhanh chóng hòa nhập với mọi người. “Dù bóng tối bao trùm, không phân biệt được ngày hay đêm, nhưng trong em vẫn luôn đau đáu một niềm tin mình sẽ là người có ích cho gia đình và xã hội”, em Đoàn Văn Thực chia sẻ.

Còn với Vũ Lê Đức Anh bị mù cả 2 mắt nhưng em luôn là tấm gương đầy nghị lực vươn lên chiến thắng chính mình. Kể từ khi đến với Hội Người mù tỉnh, Vũ Lê Đức Anh đã được học chữ Braille, học lớp tiền hòa nhập và hiện nay em là học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Tân Sơn (TP Thanh Hóa). Dù gặp rất nhiều khó khăn ở môi trường học mới, nhưng được sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo trong trường cùng bạn bè trong lớp, Đức Anh luôn nỗ lực để có thêm nhiều kỹ năng học tập cũng như giao tiếp trong cuộc sống. Ngoài Vũ Lê Đức Anh, hiện có 24 học sinh khiếm thị tiêu biểu khác được bố trí học cùng các em bình thường ở các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa. Ban đầu, giáo viên các trường cũng lo lắng vì không ai được đào tạo chuyên môn hay có chương trình gì để hỗ trợ cho các em khiếm thị khi học chung với các em mắt sáng. Thế nhưng, chính nghị lực học tập không mệt mỏi đã giúp các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn để đến với ánh sáng tri thức, đến với ước mơ của đời mình.

Những đứa trẻ như Yến, Thắng, Thực, Đức Anh là những tấm gương tiêu biểu trong số hàng trăm tấm gương người khiếm thị biết vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống. Đồng hành cùng các em, những thầy, cô giáo nơi đây đã tận tâm động viên, miệt mài truyền thụ kiến thức, khơi dậy ước mơ, mở cánh cửa tri thức để các em vươn lên. Sự khó khăn, vất vả của những người thầy, người cô khó có thể diễn tả hết thành lời, bởi ngoài dạy chữ, các thầy, cô còn phải luôn thấu hiểu, cảm thông để các em có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống. Cô giáo Lê Thị Ánh Dương, tâm sự: “Dù khiếm thị nhưng mỗi cháu lại có năng khiếu riêng, cháu chơi đàn giỏi, cháu hát hay, nhiều cháu thông minh, thậm chí tiếp thu bài còn hơn các em mắt sáng. Để đồng hành cùng các em, ngoài ngày ngày gắn bó, cô trò phải cùng nhau khổ luyện khá vất vả”. Một lớp học nhiều “không”, không bảng, không phấn, không cùng lứa tuổi nhưng vẫn rôm rả như những lớp học bình thường khác. Với sự cố gắng vươn lên, nhiều em khiếm thị đã tốt nghiệp đại học, làm chủ được cuộc sống của chính mình, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điển hình như anh Lê Sỹ Anh, hiện là Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Thiệu Hóa; anh Lê Trọng Tuấn, giáo viên tin học thuộc Hội Người mù tỉnh; anh Vũ Đình Tuấn, sau khi tốt nghiệp đại học khoa học xã hội và nhân văn Huế được giữ lại công tác tại Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế...

Để đồng hành cùng người khiếm thị, những năm qua các cấp hội người mù trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, giúp họ có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống. Những người khiếm thị đang cùng nhau tìm cho mình một nguồn sáng riêng. Ánh sáng đó đang ngày ngày được chia sẻ, lan tỏa đến những người đồng cảnh ngộ, âm thầm khẳng định sức sống và niềm tin mãnh liệt phấn đấu trở thành người có ích và làm chủ cuộc đời mình.

Bài và ảnh: Tố Phương


Bài Và Ảnh: Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]