(Baothanhhoa.vn) - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, tận mắt chứng kiến những khó khăn của quê nhà, chị Lương Thị Chai, Chủ tịch Hội LHPN xã Bát Mọt (Thường Xuân) luôn trăn trở làm gì đó để góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, phụ nữ vùng biên. Với những cố gắng nỗ lực, chị đã cùng với cấp ủy, chính quyền mang lại những đổi thay của vùng biên hôm nay!

Trăn trở của người cán bộ hội vùng giáp biên

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, tận mắt chứng kiến những khó khăn của quê nhà, chị Lương Thị Chai, Chủ tịch Hội LHPN xã Bát Mọt (Thường Xuân) luôn trăn trở làm gì đó để góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, phụ nữ vùng biên. Với những cố gắng nỗ lực, chị đã cùng với cấp ủy, chính quyền mang lại những đổi thay của vùng biên hôm nay!

Trăn trở của người cán bộ hội vùng giáp biênChị Lương Thị Chai, Chủ tịch Hội LHPN xã Bát Mọt, Thường Xuân (bên phải) nhận biển hỗ trợ khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho trẻ em của ban nữ công Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Sâu sát cơ sở, “óc nghĩ, miệng nói, tay làm”

Năm 2016, sau khi tiếp cận với phong trào, công tác hội, Chị Lương Thị Chai, Chủ tịch Hội LHPN xã xác định phải gương mẫu đi đầu, “óc nghĩ, miệng nói, tay làm”, có như thế mới thuyết phục được chị em tham gia các hoạt động hội. Từ suy nghĩ đó, chị luôn cầu thị, học hỏi người đi trước, tranh thủ ý kiến của ban thường vụ, ban chấp hành hội, dành nhiều thời gian đi cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, bám sát sự chỉ đạo của đảng ủy, hội cấp trên để triển khai các hoạt động, phong trào hội thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích cho hội viên, phụ nữ. Sau nhiều trăn trở tìm hiểu nguyên nhân, khảo sát thực tiễn đời sống của hội viên, phụ nữ, chị Chai đã cùng với ban chấp hành hội tham mưu cho cấp ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống mới, từ bỏ các tập tục lạc hậu để tập trung phát triển kinh tế gia đình. Tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của hội cấp trên, ĐBQH Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Đồn Biên phòng Bát Mọt, hội LHPN xã đã tăng cường phối hợp, xây dựng được 5 mô hình kinh tế tập thể, gồm 1 tổ hợp tác (THT) nuôi lợn nái đen sinh sản, 1 THT chăn nuôi vịt và 3 THT chăn nuôi bò. Đến nay, các THT đều đã có con sinh sản và trao con giống cho 13 hộ nghèo khác được hưởng lợi.

“Mục sở thị” những mô hình THT chăn nuôi bò sinh sản và lợn nái đen tại thôn Vịn, chúng tôi được ông Lang Hồng Tuyên, bí thư chi bộ, trưởng thôn niềm nở cho biết: Chi hội phụ nữ thôn Vịn tích cực lắm. Chị em chủ động làm kinh tế có hiệu quả và đoàn kết giúp nhau giảm nghèo. Cán bộ hội vài ngày lại đi xe máy về thôn đến từng hộ kiểm tra, động viên chị em. Do đó, chị em sôi nổi, nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động, như: làm đường hoa, trồng rau sạch, tham gia các mô hình, câu lạc bộ... góp phần hoàn thành xây dựng thôn nông thôn mới đầu tiên của huyện năm 2019. Nhiều gia đình hội viên còn đăng ký làm du lịch cộng đồng - mô hình điểm của huyện.

Khéo léo vận động

Về với thôn Đục, được nghe chị em phấn khởi kể chuyện cán bộ hội “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Tìm hiểu “3 cùng”, chúng tôi được biết: Năm 2020, chị Chai cùng với thường vụ hội phụ nữ xã họp bàn phối hợp với Đồn Biên phòng Bát Mọt hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây ngô cho hội viên, phụ nữ thôn Đục. Chị Chai tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chi hội phụ nữ thôn Đục được nhận 8 sào đất bỏ hoang của thôn để cải tạo trồng ngô. Được cấp trên đồng ý, chị cùng với thường trực hội phụ nữ xã về chi hội họp bàn triển khai. Vì thôn giáp vùng biên, cách trung tâm xã hơn 20km, đi lại khó khăn, nếu chỉ về một, hai lần để triển khai thì không hiệu quả. Các chị đã nhiều lần ở lại thôn cùng chị em họp bàn cách vận động, triển khai thực hiện. Ngày nắng, ngày mưa chị Chai cùng nhiều chị em và cả bộ đội đồn biên phòng xuống đồng làm từng công đoạn. Không khí lao động tập thể thật gần gũi và thân thiện. Vụ đầu tiên chi hội bán có lãi hơn 6 triệu đồng. Phấn khởi trước thành quả sau nhiều tháng ngày vất vả làm công tác tư tưởng, chị Chai tiếp tục họp bàn và chỉ đạo chi hội vận động hội viên cải tạo vườn tạp, tăng gia sản xuất bảo đảm nguồn lương thực tại chỗ.

Chị Lương Thị Hương, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Đục phấn khởi cho biết: “Với cách làm này, năm đầu trồng ngô chỉ có 22/58 hội viên toàn chi hội tham gia. Vụ thứ 2, 100% chị em đăng ký trồng và tích cực tham gia sinh hoạt hội cũng như các hoạt động của địa phương. Đây là thành công lớn của chi hội, góp phần giải quyết tình trạng thiếu lương thực và còn có nguồn để bán”.

Chị Chai chia sẻ thêm: “Do vùng miền núi giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, nếu không “3 cùng” chị em rất khó tiếp cận những kiến thức mình truyền đạt, mình phải kết hợp vừa tuyên truyền, vừa làm rõ việc cụ thể, nói đi đôi với làm, chị em thấy có hiệu quả mới làm theo”.

Khởi sắc vùng biên

Làm công tác phong trào ở miền núi giáp biên vô cùng khó vì các hộ ở cách xa nhau, đời sống thấp... Để lựa chọn được chi hội trưởng, hội viên nòng cốt làm “đầu tàu” thật sự rất khó khăn. Nếu không có đội ngũ cán bộ hội làm “chân rết” thì phong trào hoạt động của hội không mấy hiệu quả. Chị Chai tham mưu với cấp ủy, chính quyền có cơ chế hỗ trợ thêm để khuyết khích các chị tham gia công tác hội. Một số thôn hỗ trợ thêm từ 40 đến 50kg lúa/năm/chi hội trưởng. Việc làm này đã khích lệ, động viên các chị tiếp tục bám cơ sở, cống hiến cho hoạt động của hội và giúp hội viên cải thiện chất lượng cuộc sống.

Quán triệt phương châm hoạt động “Nghe hội viên nói, nói hội viên hiểu, làm hội viên tin”, chị Chai dành thời gian đến thăm nhà các chị chi hội trưởng, hội viên vừa thể hiện sự quan tâm, chia sẻ vừa để trao đổi thêm công việc, phương pháp triển khai hoạt động hội hiệu quả, do đó đội ngũ cán bộ chi hội trưởng, hội viên nòng cốt ở các chi hội tương đối đồng đều về độ tuổi, trẻ, nhiệt tình, có kỹ năng công tác hội.

Gắn bó với công tác phụ nữ nhiệm kỳ thứ hai (2021-2026), chị Lương Thị Chai cùng với tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã góp phần đưa phong trào hội có bước phát triển nổi bật, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, phụ nữ và Nhân dân, trong đó có chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Các hoạt động của hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 51% (năm 2018) xuống còn 10,56% (năm 2020). Hàng năm có 100% cán bộ, hội viên và 90% phụ nữ được tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục của hội. Năm 2016-2021 có 124 gia đình hội viên phụ nữ được giúp, trong đó có 21 phụ nữ nghèo có địa chỉ thoát nghèo; tỷ lệ thu hút hội viên đạt hơn 90%; hội tham mưu giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp 15 chị; duy trì, nâng cao mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân xã Bát Mọt và cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn.

Chị Trịnh Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thường Xuân cho biết: “Chị Lương Thị Chai là cán bộ hội trẻ, năng động, nhiệt huyết và trách nhiệm với phong trào, hoạt động của hội. Chị đã kết nối được sự đoàn kết, khơi dậy nội lực trong hội viên, phụ nữ, góp phần xây dựng nông thôn mới, tham gia bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc”.

Với những kết quả đạt được của phong trào phụ nữ xã Bát Mọt, chị được Hội LHPN tỉnh đề nghị Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen cán bộ hội cơ sở giỏi, nhiệm kỳ 2016-2021.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]