(Baothanhhoa.vn) - 12 giờ đêm, bên trong căn nhà cấp 4 cũ với một vài mảng tường bong tróc vôi vữa, lấm tấm màu rêu ở xóm Bào Ngoại, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa), ông Nguyễn Văn Cây (72 tuổi) lụi cụi để chuẩn bị cho một đêm làm việc vất vả của mình. Khoác lên mình bộ quần áo lao động đã bạc màu, ông lặng lẽ rời khỏi nhà. Từng cử chỉ của ông đều hết sức nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ. Suốt 20 năm qua, trừ những ngày mưa bão, ốm đau, còn lại, ông đều bắt đầu công việc từ lúc nửa đêm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Ông Tây” ở chợ đầu mối

12 giờ đêm, bên trong căn nhà cấp 4 cũ với một vài mảng tường bong tróc vôi vữa, lấm tấm màu rêu ở xóm Bào Ngoại, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa), ông Nguyễn Văn Cây (72 tuổi) lụi cụi để chuẩn bị cho một đêm làm việc vất vả của mình. Khoác lên mình bộ quần áo lao động đã bạc màu, ông lặng lẽ rời khỏi nhà. Từng cử chỉ của ông đều hết sức nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ. Suốt 20 năm qua, trừ những ngày mưa bão, ốm đau, còn lại, ông đều bắt đầu công việc từ lúc nửa đêm.

Ông Nguyễn Văn Cây bốc xếp hàng tại chợ đầu mối rau, quả, thực phẩm Đông Hương (TP Thanh Hóa).

Kéo rau, củ, quả thuê - cái nghề mà ông bất đắc dĩ phải lựa chọn bởi sự đối nghịch giữa điều kiện sức khỏe của bản thân và tính chất khắc nghiệt của công việc, có thời gian hoạt động đặc trưng từ 12 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Thời điểm này là khoảng thời gian tấp nập nhất của chợ đầu mối rau, củ, quả Đông Hương. Những chiếc xe ô tô tải chở đầy rau, củ, quả từ khắp nơi đổ về. Nhiệm vụ của những người lao động như ông là bê vác các thùng hàng, chuyển lên xe kéo và kéo đi tới các cửa hàng có nhu cầu.

4 tiếng là khoảng thời gian ông phải tận dụng. Bởi nếu không tranh thủ khoảng thời gian tấp nập này sẽ chẳng còn việc để cho ông làm. Hành trang của ông chỉ là một chiếc xe kéo hai càng và một túi cước nhỏ đựng đồ vặt. Giữa những thân hình vạm vỡ của đám thanh niên thuộc đội xe kéo là bóng dáng người cựu chiến binh gầy gò. Ông xoay đuôi xe, hai tay nâng càng kéo, chân kìm bánh giữ thế nhận những kiện hàng nặng từ trên xe xuống, trông rất thành thạo. Từ chỗ xe ô tô tải chở hàng vào các cửa hàng phải đi qua một đoạn dốc. Ông lấy đà, tay đẩy nhẹ càng kéo, chân trụ đạp mạnh kéo xe hàng. Hực, bánh xe kéo dừng một nhịp ngay đỉnh dốc. Mấy kiện hàng phía đuôi xe giật ngược như muốn nhấc ông lên. Ông ghìm càng, chúi thân mình về phía trước, rút hết sức người kéo chiếc xe nặng chịch. Bánh xe chậm chạp lăn bánh...

Theo chia sẻ của những người kéo xe hàng thuê thì mới vào nghề tay ai cũng phồng rộp, sau đó thì khuyềnh khoàng vì phải ghì cả xe hàng nặng hàng tạ xuống đất. Còn những người làm lâu năm thì chắc chắn hai bàn tay sẽ trở nên gân guốc, chai cứng... Tai nạn nghề nghiệp thì không ai là tránh khỏi. Nhiều lúc đang kéo xe bị đuối sức, xe lùi lại hoặc bông càng, quật ngã cả người, gãy chân, gãy tay như chơi.

Tranh thủ một chút giờ giải lao, câu chuyện giữa tôi và ông Nguyễn Văn Cây xoay quanh được gợi mở với những cơ duyên đưa ông vào nghề. Năm 18 tuổi, như bao thế hệ thanh niên khác sinh ra vào thời chiến, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Hòa bình lập lại, ông trở về trong niềm vui chiến thắng chung của đất nước nhưng một phần cơ thể mãi để lại chiến trường. Ông lập gia đình với cô gái gần nhà, rồi có với nhau 3 người con, 2 trai, 1 gái. Người con gái đầu chạy theo duyên số, ngược lên miền núi làm dâu và ít liên lạc về. 2 anh con trai cũng đã lập gia đình nhưng cuộc sống khó khăn nên lăn lộn khắp nơi làm thuê. Thế nên nay chỉ có 2 ông bà sống với nhau. Vợ ông năm nay cũng đã 70 tuổi thường xuyên đau ốm nên ông phải chấp nhận kéo hàng thuê ở chợ đầu mối. Để duy trì cuộc sống, đêm nào ông cũng cố gắng kiếm đủ 150.000 đồng. Ấy vậy mà, có phải lúc nào công việc cũng được “thuận buồm xuôi gió” đâu. Nhiều ngày mưa gió, hàng hóa ế ẩm, kéo xe tìm việc cả đêm mà không có ai thuê. Vất vả là vậy, nhưng trong ông vẫn luôn tạc sâu lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Ông bảo: “Mình không thể vì một chút công lao với đất nước mà ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước được. Chừng nào còn sức khỏe thì vẫn phải lao động”.

Cũng bởi vì lẽ đó, những người ở chợ đêm dành tặng cho ông một biệt danh thân thương: “Ông Tây”. “Tây” để khắc họa lên vẻ bề ngoài trẻ trung, tinh thần lạc quan trong ông. Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu lại bị khuyết tật một tay khiến ông không thể cạnh tranh được với những cửu vạn trẻ trung, khỏe mạnh. Nhưng ông có bản lĩnh, kinh nghiệm của một người lính đã đi qua ranh giới mong manh giữa sinh và tử. Chính vì vậy, ông không ngại khó, ngại khổ, khắc phục hạn chế của bản thân bằng cách thức “di chuyển thật nhiều” để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của khách hàng bất cứ khi nào họ cần.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng gọi giật lại của một tiểu thương: “Ông Tây, chuyển cho cháu ít hàng”. Ông quay sang nhìn tôi, cười: “Lại có khách thuê rồi cháu à!”. Ánh đèn điện cao áp hắt xuống, suốt từ đầu cuộc nói chuyện, bây giờ tôi mới nhìn rõ gương mặt ông. Đôi mắt đỏ ngầu, thâm quầng, hệ quả của những đêm mất ngủ. Nhìn cái cách mà ông khó khăn nâng từng thùng hàng với một bên tay bị khuyết, khiến tôi chạnh lòng. “Mỗi chuyến chuyển hàng thế này, người ta trả ông bao nhiêu? ” – hỏi cũng là một cách để quan tâm. “5 nghìn đồng cháu à”, ông trả lời tôi theo từng hơi thở gấp gáp. “5 nghìn đồng?” – tôi hỏi lại chỉ để mong nhận được một câu trả lời khác. “Đúng vậy! Nhưng không phải lúc nào cũng có người thuê đâu” - giọng ông trùng xuống. Câu khẳng định của ông tạo cho tôi một cảm giác trống rỗng, mơ hồ. Mỗi lần chuyển hàng được 5 nghìn đồng, một đêm nếu muốn kiếm được 150.000 đồng thì ông phải thực hiện đủ 30 chuyến. Giờ tôi mới hiểu tại sao ông phải chắt chiu thời gian đến như vậy.

“Ông Tây” bỏ lại tôi và câu chuyện vẫn còn dang dở. Ông khoác đoạn dây thừng đã sờn cũ trên vai áo bạc phếch, hai tay bấu chặt càng xe, nhăn mặt, lấy đà, ì ạch kéo. Từng bước chân liêu xiêu, nặng nề...


Bài và ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]