(Baothanhhoa.vn) - Học tập và làm việc từ Liên bang Nga trở về, chị Mai Thị Yến ở xã Nga Thanh (Nga Sơn) đã trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương. Sau quá trình học hỏi và tìm hiểu cách làm của một số doanh nghiệp trên địa bàn, đến năm 2019, chị Mai Thị Yến đã thành lập Công ty TNHH Ngân Khương do mình làm giám đốc.

Nữ giám đốc giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động

Học tập và làm việc từ Liên bang Nga trở về, chị Mai Thị Yến ở xã Nga Thanh (Nga Sơn) đã trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương. Sau quá trình học hỏi và tìm hiểu cách làm của một số doanh nghiệp trên địa bàn, đến năm 2019, chị Mai Thị Yến đã thành lập Công ty TNHH Ngân Khương do mình làm giám đốc.

Nữ giám đốc giải quyết việc làm cho hàng trăm lao độngPhụ nữ, người cao tuổi cũng có thể đan lát sản phẩm từ cói cho Công ty TNHH Ngân Khương để có thu nhập.

Suốt tuổi thơ của vị nữ giám đốc 8X đã gắn chặt với cây cói ở quê mẹ xã Nga Giáp. Khi lấy chồng về xã Nga Thanh cũng là vùng cói nổi tiếng của huyện Nga Sơn với nghề thủ công mỹ nghệ từ cói phát triển mạnh. Sẵn nguồn nguyên liệu, lại có sự từng trải và quen thuộc với các hoạt động sơ chế, đan dệt bằng cây cói nên cơ sở sản xuất của công ty nhanh chóng đi vào ổn định. Từ hơn chục công nhân ban đầu, số lượng lao động ngày càng tăng lên, nhiều người ở các xã lân cận cũng được đào tạo nghề và làm việc tại công ty.

Giai đoạn đầu, do chưa tìm kiếm được nhiều thị trường nên chị Yến phải sản xuất gia công cho một số cơ sở lớn khác. Những sản phẩm còn lại phải qua một số doanh nghiệp trong huyện để bán sản phẩm, sau đó tự liên hệ và mở rộng thị trường. Không chỉ duy trì sản xuất chiếu cói và thảm chùi chân, vị nữ giám đốc dần hướng tới những sản phẩm có “hàm lượng” giá trị cao hơn kết tinh vào sản phẩm. Thế là những túi xách, giỏ cói, hộp đựng đồ bằng cói với nhiều kiểu dáng, mẫu mã lần lượt ra đời. Thực ra những sản phẩm này, trên địa bàn huyện Nga Sơn đã có hàng chục doanh nghiệp và cơ sở khác cũng sản xuất. Là doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn”, nếu sản xuất những sản phẩm bình bình như nhiều nơi khác thì không thể bứt phá hay vươn lên được. Tôi phải yêu cầu công nhân chú ý đến từng tiểu tiết của sản phẩm để có thể tạo nên độ tinh xảo nhất; đồng thời, thêm các chi tiết mới như đường sọc, đường vân trên sản phẩm để tạo sự khác biệt cũng như làm nổi bật sản phẩm” – chị Yến chia sẻ.

Chỉ gần 1 năm khởi nghiệp, khi ấy huyện Nga Sơn triển khai và vận động các cơ sở và công ty trên địa bàn triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Công ty TNHH Ngân Khương đã tham gia. Với 5 sản phẩm gửi tham dự, đã có 2 sản phẩm là chiếu xách tay Ngân Khương và thảm cói trải sàn Ngân Khương được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Thanh Hóa. Kết quả khá bất ngờ, được hỗ trợ cả trăm triệu đồng của cấp tỉnh và cơ chế khuyến khích riêng của huyện Nga Sơn. Sang năm 2020, chị Yến tiếp tục làm hồ sơ, gửi dự thi thêm một số sản phẩm và có thêm 3 sản phẩm nữa đạt “chuẩn OCOP” là hộp đựng đồ, túi du lịch và chiếu dệt thủ công. Với 5 sản phẩm OCOP vào thời điểm cuối năm 2020, Công ty TNHH Ngân Khương được coi là “điểm tựa” giúp huyện Nga Sơn trở thành điển hình và dẫn đầu cả tỉnh về sản phẩm OCOP, với tổng số 9 sản phẩm. Sau khi có những thành công lớn từ Chương trình OCOP, công ty đã tăng cường tham gia giới thiệu sản phẩm qua các cuộc triển lãm hàng OCOP, triển lãm hàng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ đó, các sản phẩm có thêm nhiều khách hàng, nhiều đối tác tiêu thụ số lượng lớn cũng đấu mối ký kết các hợp đồng dài hạn với công ty.

Gặp lại “bà chủ” doanh nghiệp đan cói lớn nhất ở xã Nga Thanh này, vẫn là phong thái lịch sự, dễ gần và sẵn sàng chia sẻ những thông tin liên quan. Với nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, vị nữ giám đốc trẻ tuổi cũng không hề muốn giữ làm của riêng, bởi chị quan niệm các doanh nghiệp cần cùng nhau lớn mạnh nhằm tạo hiệu ứng phát triển chung. Giới thiệu cho chúng tôi thăm nhà xưởng, hàng chục go dệt chiếu, dệt thảm và các loại máy móc hoạt động rình rịch. Nhiều sản phẩm, từ tinh xảo đến bình thường được tập kết để chờ ngày xuất xưởng. Cách xưởng sản xuất tới 7 km, nhưng bà Đinh Thị Hòa ở tận xã Nga Giáp cũng đến xin việc làm ổn định tại đây. Bà Trần Thị Tuyết, quê thôn 6, xã Nga Thanh, cho biết: Tôi xin vào làm công nhân từ khi mới thành lập công ty, công việc khá ổn định, lại có thể tranh thủ làm được việc nhà. Chúng tôi làm ở đây thoải mái bởi có việc là xin nghỉ, công lao động tính theo ngày với mức hiện tại 150 nghìn đồng.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Ngân Khương đang giải quyết việc làm trực tiếp tại xưởng cho 15 công nhân và hơn 300 lao động ở các xã trong huyện nhận nguyên liệu về làm tại nhà sau khi được tham gia các lớp dạy nghề. Đây là hình thức liên kết rất phù hợp và được nhiều người ưa thích bởi “công nhân” chỉ cần tổ chức sản xuất ngay tại gia đình mình, vẫn có thể tranh thủ làm những việc khác, thu nhập tính theo sản lượng. Mô hình liên kết sản xuất này được công ty triển khai qua kênh hội LHPN các xã trong vùng, như: Nga Thành, Nga Thạch, Nga Trường, Nga Thiện, Nga Giáp. Gần đây, Hội LHPN các xã Đồng Lộc và Lộc Sơn của huyện Hậu Lộc cũng đến để đấu mối mô hình tương tự, đã được công ty tổ chức tập huấn và triển khai các cơ sở sản xuất tại đây. Theo chia sẻ của chị Yến, trong thời điểm dịch COVID-19, nhiều ngành nghề khác bị ảnh hưởng nặng nhưng hoạt động của công ty lại phát triển mạnh hơn. Bởi lẽ, các giai đoạn giãn cách xã hội trước đây, người dân hạn chế đi ra ngoài nên chuyên tâm hơn cho sản xuất. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê, đã tham gia vào các chuỗi sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của công ty nên sản lượng sản phẩm tăng.

Hiện nay, mỗi tháng, Công ty TNHH Ngân Khương đang thu mua khoảng 10 tấn nguyên liệu cói khô với giá trị từ 170 đến 200 triệu đồng, góp phần tạo đầu ra ổn định cho người trồng cói trong huyện. Từ khi thành lập, lợi nhuận của công ty đều tăng trưởng hai con số sau mỗi năm. Nếu năm 2020, doanh thu của công ty mới đạt 2 tỷ đồng, thì đến năm 2021 vừa qua, con số này đã đạt 10 tỷ đồng. Hằng ngày, phó giám đốc Vũ Ngọc Thư, đồng thời là chồng chị Yến đều lái xe ô tô đi khắp các xã trong huyện để nhập cói nguyên liệu cho bà con. Liên tục đổi mới để phát triển, gần đây, công ty còn đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng thân bèo tây để xuất khẩu. Nhiều người dân các xã Nga Thắng, Ba Đình, Nga Văn trong huyện còn có thêm nghề vớt bèo tây hoặc nuôi trong ao để khai thác. Mỗi tháng, người dân các địa phương này đều bán cho công ty khoảng 2 tấn bèo tây khô, với tổng giá trị khoảng 300 triệu đồng.

Qua nhiều nỗ lực tìm kiếm và mở rộng thị trường, đến nay, Công ty TNHH Ngân Khương đã xuất khẩu trực tiếp được sản phẩm giỏ cói đi Israel, nhiều sản phẩm khác xuất khẩu qua các công ty trung gian ở các tỉnh phía Bắc, số còn lại bán trong nước, nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Với sự phát triển liên tục, ngoài khu nhà xưởng 3.000m2, hiện công ty đang xây dựng thêm khu xưởng 4.000m2 để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Người lao động tại công ty đã có thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]